Vượt qua hoàn cảnh khó khăn
Anh Võ Văn Chi vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó và đông anh em ở huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) nên từ bé anh đã trải qua rất nhiều khó khăn vất vả. Anh Chi chia sẻ: "Nhà tôi có đến 6 miệng ăn nhưng chỉ phụ thuộc vào 5 sào ruộng cằn cỗi quanh năm. Năm nào được mùa thì cả nhà có cái ăn, khi mất mùa bố mẹ bấm bụng nhịn ăn cũng không cho lũ con đang tuổi ăn tuổi học. Nghĩ thương bố mẹ vất vả nên bốn anh em nhà tôi luôn có ý thức cố gắng học thật giỏi, để thoát cảnh nghèo khó".
Khi các con học lên cao, bố mẹ anh Chi biết nếu chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng cằn cỗi mùa được mùa mất là không đủ, nên bố mẹ anh thường đi làm thuê cho người khác để kiếm tiền phụ thêm. Ông Võ Hùng (bố anh Chi) nhờ người quen, xin được vào làm chân bảo vệ ở cảng TP. Đà Nẵng. Ở quê, bà Nguyễn Thị Ký (mẹ anh Chi) tần tảo một tay chăm sóc con và quán xuyến chuyện đồng áng. Anh Chi giãi bày: "Gia đình tôi dù khó khăn, vất vả, nhưng chưa bao giờ bố mẹ tôi nghĩ đến chuyện cho anh em tôi nghỉ học".
Bà Nguyễn Thị Ký nghẹn ngào chia sẻ: "Cuộc sống khó khăn, bố Chi phải vào TP. Đà Nẵng làm việc, cả năm mới về nhà được vài ngày. Trước đây, mấy anh em Chi cứ khóc đòi gặp bố. Sau này, mấy đứa con hiểu chuyện nên không còn đòi bố nữa. Năm 1993, gia đình tôi quyết định ra TP. Đà Nẵng lập nghiệp và để các con thuận tiện việc học hành. Gia đình chúng tôi mới ra gặp vô vàn khó khăn. Để mưu sinh, chồng thì làm ở Cảng, còn tôi thì ai thuê chi làm nấy, từ bán ốc hút đến gánh nước biển bán. Dù ở căn nhà tập thể xập xệ trong khu cảng biển, nhưng gia đình luôn vang tiếng cười bởi các con tôi đứa nào cũng ngoan học giỏi, nhất là thằng Chi".
Tiến sĩ trẻ Võ Văn Chi, vừa trở về quê hương sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pháp với đề tài "Tính chất từ của các cấu trúc Nano trên Graphene trên kim loại".
Khi kể về chàng tiến sỹ Chi hồi còn nhỏ, bà Ký tự hào nói: "Thằng Chi nó hiền và học giỏi lắm, từ lớp 1 đến 12 toàn học sinh giỏi, được bạn bè và thầy cô yêu mến. Nó như "ông cụ non" khi nào cũng thương bố mẹ vất vả, cho gì ăn nấy, mua gì mặc nấy, chẳng bao giờ đua đòi theo bạn bè gì hết". Ngồi bên mẹ, anh Chi xúc động chia sẻ thêm: "Hồi năm lớp 12, khi tôi đạt giải nhì toàn quốc về môn Hóa, tôi được tự chọn trường. Lúc đó, tôi đã đắn đo rất nhiều bởi nếu chọn trường ở TP. Đà Nẵng, thì bố mẹ sẽ bớt khó khăn hơn trong việc lo chuyện tiền học hành. Lúc tôi phân vân nhất bố mẹ đã động viên tôi hãy chọn ngành mà tôi đam mê nhất để theo học. Khi nghe bố mẹ tư vấn, tôi quyết định đăng ký học chuyên ngành vật liệu tiên tiến, một chương đào tạo kỹ sư chất lượng cao do trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) hợp tác với Pháp đào tạo".
Bắt đầu một cuộc sống sinh viên xa nhà, Chi vừa theo học, vừa tranh thủ làm gia sư để kiếm tiền trang trải cuộc sống nơi thành phố hoa lệ. Thế nhưng vượt qua mọi khó khăn về vật chất đời thường, anh Chi vẫn luôn đi đầu về thành tích học tập và tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Vật liệu tiên tiến. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng với quyết tâm và năng lực của mình, anh Chi xin thực tập tốt nghiệp đại học tại TP. Grenoble (Pháp). Tại đây, anh Chi đã được nhận vào thực tập tại Viện Néel, một trong những cơ sở nghiên cứu lớn và quan trọng của TP. Grenoble, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS). Trong quá trình thực tập, anh Chi được cấp học bổng để làm luận án tiến sỹ với đề tài "Tính chất từ của các cấu trúc Nano trên Graphene trên kim loại" mà không cần trải qua khoá học thạc sỹ.
Quyết tâm trở về cống hiến cho quê hương
Anh Chi cho biết: "Không phải du học sinh nào cũng có cuộc sống phủ toàn "màu hồng", mà phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Thời gian đầu ở Pháp, tôi cũng gặp nhiều khó khăn từ chuyện ăn ở đến chuyện học hành, làm quen với môi trường mới. Nhưng đối với tôi, trở ngại ngoại ngữ là khó khăn nhất. Bởi nếu không có ngoại ngữ thì mọi công việc học tập, nghiên cứu đều đổ sông, đổ biển". Nhờ thói quen tự học hỏi không ngừng khi ở Việt Nam, anh Chi lao vào học ngoại ngữ. Anh học mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, anh tích vực giao tiếp, trao đổi, thảo luận với các người bạn bản xứ. Chỉ trong thời gian ngắn anh đã thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh trước sự thán phục của mọi người.
Trong thời gian nghiên cứu sinh tại Pháp, ngoài thời gian làm việc tại Viện Néel, anh Chi còn có nhiều cơ hội làm việc trong ESRF (European Synchrotron Radiation Facility, cơ quan ứng dụng bức xạ Synchrotron châu Âu). Đây là trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, với một môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp và hiệu quả, hoạt động từ ngân sách của 19 nước châu Âu. Với sự tiếp cận này đã giúp anh Chi học hỏi và mở mang thêm kiến thức. Đồng thời cũng là cơ hội để Chi tiếp xúc, làm việc với các nhà nghiên cứu đến từ các nước châu Âu.
Khi nói về quãng thời gian làm luận án bảo vệ tiến sĩ, anh Chi cho biết: "Do áp lực của công việc nên việc làm luận án của tôi cũng khá căng thẳng. Tuy vậy, với sự động viên của cha mẹ, anh em, bạn bè và thầy cô nên tôi lấy đó làm động lực phấn đấu cho mình". Ngoài ra, để đảm bảo cho luận án được bảo vệ thành công, anh Chi còn nghiên cứu và tham dự nhiều hội nghị có liên quan để củng cố kiến thức. Đặc biệt anh Chi tham gia Hội nghị INTERMAG 2012. Đây là một trong hai hội nghị lớn nhất thế giới về nghiên cứu Từ Học được tổ chức hằng năm của Viện Kỹ nghệ Điện và Điện tử quốc tế. Tại Hội nghị này, anh Chi đã tham gia hai báo cáo là: "Từ tính của hạt nano cobalt phủ trên graphene trên iridium" và "Màng cobalt cực mỏng tiếp xúc với graphene". Kết quả báo cáo của anh đã được Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao.
Vào ngày 19/3, anh Chi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài "Tính chất từ của các cấu trúc Nano trên Graphene trên kim loại" tại Pháp, trở thành tiến sỹ trẻ nhất Việt Nam trong ngành công nghệ nano. Khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, anh Chi được các giáo sư đưa ra những lời mời nghiên cứu tiếp và những cơ hội việc làm hấp dẫn ở đất nước Pháp. Ở đây, mọi thứ đều được đảm bảo từ môi trường nghiên cứu, sống đến phúc lợi xã hội. Đem những băn khoăn trên, anh Chi trò chuyện qua điện thoại với thầy cô, bạn bè và nhất là bố mẹ. Cuộc trò chuyện gần hai tiếng đồng hồ với gia đình, sau những lời phân tích rành rọt bố mẹ khuyên anh "con cứ về quê mà làm việc, cho gần bố mẹ anh em bạn bè và đóng góp cho quê hương". Cuối cùng, anh Chi quyết định về quê và nhận làm việc trong khu công nghệ cao tại Đà Nẵng.
Anh Chi cho biết: "Ngành công nghệ Nano, cụ thể là về vật liệu Graphene. Đây là loại vật liệu có rất nhiều tính chất đặt biệt, nhất là về các tính chất điện. Hiện tại, ngành công nghệ Nano vẫn chưa phát triển ở Việt Nam nhưng cũng đã có các trung tâm nghiên cứu về công nghệ Nano tại Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP.HCM. Hiện trên thế giới vẫn chưa thật sự xuất hiện một sản phẩm ứng dụng công nghệ Nano này thỏa mãn kỳ vọng. Các nhà khoa học vẫn nghiên cứu tìm cách vượt qua những giới hạn về công nghệ sản xuất, đưa công nghệ này vào thực tiễn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn còn có đủ thời gian để tiếp thu, phát triển công nghệ Nano và ứng dụng nó".
Với những thành tích khoa học đáng nể, những nhà khoa học trẻ của thành phố đã chọn con đường trở về để góp sức xây dựng quê hương. Những trái tim khát vọng cống hiến, các nhà khoa học trẻ của thành phố đang miệt mài ngày đêm với các công trình nghiên cứu và đóng góp âm thầm cho công cuộc phát triển đất nước hôm nay.
Triết lý sống của tiến sĩ trẻ Anh Võ Văn Chi chia sẻ: "Mỗi người đều có những điều hay cần học hỏi, bản thân tôi nghĩ cũng cần học hỏi nhiều điều từ mọi người. Nếu có một điều cần chia sẻ về thành công, tôi muốn chia sẻ quan điểm "thành công thật sự là thành công chung đối với mọi người". Và hơn thế nữa, tôi thường tự nhắc mình điều này qua một câu ngạn ngữ "Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau””. |
Hồng Sơn