Đạo diễn Phương Điền nói về cách xét tặng danh hiệu nghệ sĩ.
Không còn tự ái vì " xin-cho"
Cục Nghệ thuật biểu diễn (bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang xây dựng dự thảo trong nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong các quy định mới, ngoài mong muốn cập nhật danh mục các cuộc thi sắc đẹp uy tín trên thế giới, giảm thủ tục cấp phép cho các ca khúc sáng tác trước năm 1975…, dự thảo còn xuất lập hồ sơ trực tuyến từng cá nhân nghệ sĩ, để đến dịp xét tặng danh hiệu không cần có đơn đề nghị theo cơ chế xin, cho.
Là thành viên tổ Xây dựng Dự thảo Nghị định mới này, nghệ sĩ Tuyết Minh, chuyên viên phòng Nghệ thuật (cục Nghệ thuật biểu diễn) cho biết, các cơ quan quản lý Nhà nước mong muốn áp dụng công nghệ trong việc lập cơ sở dữ liệu cá nhân nghệ sĩ.
“Trước hết, hồ sơ này là một hoạt động quản lý Nhà nước, là nơi mỗi người nghệ sĩ có thể đặt niềm tin vào sự minh bạch, thể hiện thực chất quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và những công hiến của người nghệ sĩ. Theo đó, hồ sơ sẽ là một tiểu sử của nghệ sĩ. Mỗi năm hồ sơ được cập nhật thông tin về hoạt động nghệ thuật, giải thưởng, sáng tác, hoạt động xã hội,...của mỗi cá nhân", nghệ sĩ Tuyết Minh cho hay.
Nghệ sĩ Tuyết Minh còn thông tin, để lập cơ sở dữ liệu này, các cán bộ đang nghiên cứu và lấy ý kiến tìm ra phương án tối ưu nhất, nhưng chắc chắn việc cập nhật sẽ được phân cấp tới các sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, sở Văn hóa – Thể thao các tỉnh, thành phố.
“Mặt khác, chúng tôi sẽ phối hợp với các hội nghề nghiệp chuyên ngành để cùng kiểm tra, giám sát độ xác thực của các bằng khen, giải thưởng. Ngoài thành tích của mỗi người nghệ sĩ hiển thị trên dữ liệu số này, còn phải tính đến một yếu tố hết sức quan trọng của mỗi người nghệ sĩ đó là mặt hoạt động xã hội, ảnh hưởng nghệ thuật của họ tới công chúng. Đây mới là thước đo người nghệ sĩ đó có phải là “nghệ sĩ của nhân dân” hay không? Tác phẩm của họ có thực sự “sống trong lòng dân” hay không?”, bà Tuyết Minh nhận xét.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cũng chia sẻ: “Trước đây, các nghệ sĩ khi xét duyệt danh hiệu phải làm hồ sơ, xin xác nhận rất vất vả. Với công nghệ quản lý mới, cục NTBD sẽ thay họ làm điều đó. Từ dữ liệu được cung cấp, công chúng và cơ quan quản lý sẽ dễ dàng có cái nhìn khái quát về mỗi cá nhân nghệ sĩ và có cơ sở xét duyệt danh hiệu cho họ”.
Ông Vinh cũng đánh giá, từ cơ sở dữ liệu này, trong mỗi kỳ xét tặng, sự hơn kém của nghệ sĩ sẽ thể hiện rõ trong bảng thành tích. Mức độ đánh giá về đạt hay không đạt danh hiệu chỉ còn thuộc về các cống hiến trong hoạt động xã hội. Như vậy, công tác xét tặng sẽ công khai, minh bạch hơn so với cách làm hồ sơ mang tính truyền thống.
Tuy nhiên, ông Vinh còn cho biết, dù có cơ sở dữ liệu nhưng việc lập hội đồng Xét duyệt danh hiệu vẫn cần thiết. “Dữ liệu cung cấp thông tin nền, Hội đồng sẽ xem xét từng trường hợp dựa trên các yếu tố khác”, ông Vinh chia sẻ.
Còn nhiều băn khoăn từ nghệ sĩ
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đa số các nghệ sĩ đều đồng tình với cách quản lý mới bằng công nghệ nhưng nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn.
Đạo diễn Phương Điền cho biết: “Tôi ủng hộ cách làm này vì thông tin, thành tích của nghệ sĩ sẽ được minh bạch hơn, hạn chế việc bỏ xót người tài. Đồng thời, cách làm này sẽ giảm các thủ tục giấy tờ gây phiền hà cho nghệ sĩ”.
Về lĩnh vực cải lương, NSƯT Kim Tử Long nói: “Cách làm này khá hay, nhưng phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì với các nghệ sĩ đã lớn tuổi, không còn sức khỏe hay cơ hội tham gia hội diễn lấy huy chương thì phải có cơ chế dành riêng cho họ. Sau khi giảm bớt cơ chế xin cho, hồ sơ giấy tờ, các cơ quan Nhà nước nên thay đổi cách đánh giá, không thể chỉ chăm chăm đong đếm số lượng huy chương mà bỏ qua sự ảnh hưởng của người nghệ sĩ đối với công chúng”.
“Ví dụ như NSƯT Thành Lộc, nếu kêu anh ấy đi chứng nhận giấy tờ để làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND thì chắc chắn anh ấy sẽ từ chối. Nhưng rõ ràng, tài năng nghệ thuật và sức ảnh hưởng của nghệ sĩ Thành Lộc là không thể phủ nhận. Vì thế, cần phải có quy định riêng dành cho các trường hợp này”, NSƯT Kim Tử Long nêu quan điểm. Ngoài ra, nghệ sĩ Kim Tử Long còn lo lắng về năng lực của cán bộ cũng như hệ thống công nghệ thông tin đối với các dữ liệu nghệ sĩ.
NSND Thanh Hoa, Chủ tịch hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam cho rằng, nếu quy định này ra đời sẽ dễ vướng vào những bất cập, giống như quy định đưa danh mục cấp phép các ca khúc sáng tác trước năm 1975 thời kỳ trước.
“Đề xuất này tốt nhưng nếu cục NTBD là cơ quan thực hiện thì tôi lo ngại sự ôm đồm, chồng chéo trong quản lý. Vì quản lý đời sống và công tác biểu diễn của nghệ sĩ là nhiệm vụ của hội nghề nghiệp. Cơ quan Nhà nước chỉ nên làm công tác thẩm định, đánh giá. Các tổ chức nghề nghiệp như: Hội Âm nhạc, hội Sân khấu, hội Điện ảnh,… là người hiểu rõ và nắm bắt toàn bộ quá trình hoạt động, cống hiến của các nghệ sĩ. Vì vậy, việc cập nhật danh mục hồ sơ dữ liệu của nghệ sĩ nên giao cho các hội nghề nghiệp phụ trách, các cơ quan Nhà nước có thể giám sát, thanh tra để đảm bảo sự minh bạch, khách quan”, NSND Thanh Hoa bày tỏ.