Còn nhiều thủ tục vô lý, gây 'phản ứng chính đáng' trong dân

Còn nhiều thủ tục vô lý, gây 'phản ứng chính đáng' trong dân

Thứ 2, 05/08/2013 08:54

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, tiếp tục thực hiện 25 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC), trong 8 tháng đầu năm 2013, các Bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 325 TTHC, nâng tổng số TTHC được đơn giản hóa lên 3.606 trên tổng số 4.751 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề.

Tuy nhiên, “vẫn còn tồn tại những quy định, thủ tục vô lý, thiếu tính thực tiễn, gây phản ứng chính đáng của dư luận nhân dân”.

Đơn giản thêm 325 thủ tục hành chính

Cũng theo Thứ trưởng Lê Hồng Sơn, sau khi chuyển về Bộ Tư pháp quản lý, công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã sớm hòa nhập với công việc chung của Bộ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện nghị định này để tăng cường nhận thức của các cơ quan, địa phương về nhiệm vụ này, đẩy nhanh tiến độ chuyển giao tổ chức bộ máy và triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong cả nước nhằm mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng công tác này.

Để nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực này, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 về việc thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính để tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các sáng kiến cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 nhằm đổi mới căn bản tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Về phía các Bộ, ngành, địa phương, bên cạnh việc đơn giản hóa thêm 325 TTHC,  trong 8 tháng đầu năm nay, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đánh giá tác động 840 TTHC được quy định tại 172 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Công tác đánh giá tác động quy định TTHC tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện khá nghiêm túc và đi vào nề nếp; quy định TTHC cơ bản đáp ứng được tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp.

Luật sư - Còn nhiều thủ tục vô lý, gây 'phản ứng chính đáng' trong dân

 

Còn hình thức, chưa chất lượng

Một trong những mục tiêu quan trọng mà công tác kiểm soát thủ tục hành chính hướng tới là bảo đảm mục tiêu cắt giảm các gánh nặng và giảm tối đa chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện chất lượng thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, đăng ký kinh doanh… nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực canh tranh và phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc tổ chức thực thi 25 nghị quyết của Chính phủ tại một số Bộ, ngành còn chưa dứt điểm, nhất là nội dung thực thi liên quan đến các TTHC quy định tại các luật, pháp lệnh.

Thứ trưởng Lê Hồng Sơn nhận định: “Việc đánh giá tác động các quy định mới về TTHC nhìn chung vẫn còn hình thức, chưa có chất lượng. Thể hiện rõ nét của hạn chế này là trong một số văn bản, dự thảo từ thông tư tới nghị định vẫn còn tồn tại những quy định, thủ tục vô lý, thiếu tính thực tiễn, gây phản ứng chính đáng của dư luận nhân dân”. Bên cạnh đó, việc thống kê, công bố, cập nhật TTHC và văn bản trên cơ sở dữ liệu chưa kịp thời, một số nơi còn niêm yết công khai TTHC đã hết hiệu lực thi hành.

Để khắc phục những hạn chế này, từ nay đến cuối năm, Bộ Tư pháp sẽ tập trung hoàn thành việc chuyển giao công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh sang tổ chức pháp chế và Sở Tư pháp, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong 6 tháng cuối năm 2013.

Bộ Tư pháp cũng đặt mục tiêu triển khai thực hiện kịp thời “Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020”; xây dựng, trình Chính phủ xem xét quyết định dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Quy chế cập nhật, quản lý, duy trì và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Việc tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương; cập nhập kịp thời, niêm yết công khai, đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật…cũng là một trong những nội dung được chú trọng thực hiện trong những tháng từ nay đến cuối năm.

Theo Quang Minh (Pháp luật Việt Nam)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.