Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), cá tra giá trị gia tăng của Việt Nam ngày càng được chú ý tại các thị trường quốc tế khi người tiêu dùng tại các quốc gia này ngày càng ưa chuộng, do sự đa dạng trong cách chế biến thành nhiều món ăn phong phú, phối trộn với nhiều nguyên liệu.
Tháng 5/2024, xuất khẩu các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng mã HS16 đạt hơn 2 triệu USD, giảm 3% so với tháng 5/2023. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu các sản phẩm này đạt hơn 13 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
VASEP thông tin, nhóm 5 điểm đến hàng đầu của cá tra giá trị gia tăng Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay bao gồm: Singapore với 3 triệu USD chiếm 23% tỉ trọng; Thái Lan với 2,6 triệu USD chiếm 20% tỉ trọng; Nhật Bản với 1,4 triệu USD, chiếm 10% tỉ trọng; Úc với 1,1 triệu USD chiếm 9% tỉ trọng, và Mỹ với 1 triệu USD, chiếm 8% tỉ trọng.
Trong đó, sản phẩm được ưa chuộng nhất là cá tra tẩm bột chiên/cá tra phile tẩm bột đông lạnh mã HS 16041990, chiếm 82% tỉ trọng trong tổng xuất khẩu các sản phẩm GTGT sang các thị trường trong 5 tháng đầu năm nay, với giá trị xuất khẩu đạt gần 11 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia VASEP thông tin xuất khẩu một số sản phẩm cá tra khác như cá tra cắt miếng tẩm bột, chiên đông lạnh, chả cá basa viên rau củ đông lạnh,... cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng trong 5 tháng đầu năm nay, lần lượt là gần 300.000 USD, tăng 52% và 113.000 USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh sản phẩm chủ lực là phile cá tra đông lạnh, cá tra GTGT của Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế tại thị trường quốc tế.
VASEP nhận định, biến động thị trường những năm qua cho thấy, lựa chọn chiến lược kinh doanh hàng chế biến giá trị gia tăng là hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Tiềm năng xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sẽ còn nhiều cơ hội hơn nữa tại các thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp chủ động thích ứng để kịp nắm bắt nhu cầu và cơ hội.