Theo thông tin từ Công ty chứng khoán VNDirect, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và hãng hàng không Vietnam Airlines có mối quan hệ đối tác và tín dụng khá chặt chẽ. Bên cạnh việc cấp tín dụng cho Vietnam Airlines, Vietcombank cũng cung cấp các dịch vụ thanh toán, ngoại tệ, phát hành thư tín dụng và bảo lãnh cho Vietnam Airlines.
Số liệu được VNDirect thống kê, đến cuối quý II/2019, Vietnam Airlines có 15.424 tỷ đồng dư nợ cần thanh toán trong vòng 12 tháng. Cũng tại thời điểm này, dư nợ với Vietcombank là 1.267 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 5.242 tỷ đồng nợ dài hạn.
"Chúng tôi cho rằng dịch Covid-19 có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn do vậy trong trường hợp Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, đối với Vietcombank chỉ có dư nợ ngắn hạn bị ảnh hưởng", VNDirect nhận định.
Cùng với đó VNDirect cho rằng, Vietcombank có nguồn lực tốt để vượt qua khó khăn ngắn hạn.
"Chúng tôi cho rằng dịch bệnh sẽ tạo ra khó khăn trong năm 2020 nhưng VCB sẽ sớm khôi phục lại từ năm 2021", nhóm chuyên gia của VNDirect cho biết.
Video: Vietnam Airlines phun khử trùng đội tàu bay khai thác trong ngày như thế nào?
Lợi nhuận sau thuế của Vietcombank năm 2019 chỉ đạt 90,4% dự báo của VNDirect do VCB chưa ghi nhận khoản phí đại lý từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với FWD Insurance (gần 400 triệu đô). Do đó, nhóm phân tích hạ dự báo EPS 2020-21 xuống 24,0%-29,4% do: 1) giảm dự báo tăng trưởng tín dụng; 2) giảm dự báo NIM; 3) tăng giả định chi phí tín dụng; 4) giả định VCB sẽ ghi nhận phí đại lý trong vòng 5 năm, so với 3 năm như dự báo trước đây.
Tuy nhiên, Covid-19 có thể khiến nhà đầu tư quan ngại về ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines đối với VCB.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines bị ảnh hưởng do nhiều chuyến bay quốc tế đang bị tạm dừng. Do đó, doanh thu của Vietnam Airlines có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực, dẫn tới giảm khả năng tài chính.
Với phi công Việt Nam, doanh nghiệp sẽ tạm hoãn kế hoạch cải cách tiền lương vào tháng 6/2020 cũng như điều chỉnh giảm giờ bay bình quân hoặc bố trí nghỉ không lương luân phiên hợp lý theo sản lượng.
Ngoài phi công, lãnh đạo của đoàn bay cũng sẽ bị giảm thu nhập tiền lương tháng từ 15-20%. Với lao động khác ngoài phi công, Vietnam Airlines cũng sẽ thực hiện chính sách nghỉ không lương tối đa 15 ngày trong 3 tháng (tháng 3-5/2020) và giảm thu nhập theo số ngày nghỉ tương ứng.
Trước đó tại cuộc họp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines khẳng định doanh nghiệp đang chịu những thiệt hại nặng nề vì dịch.
Theo ông, Covid-19 đã kéo lùi ngành hàng không thế giới 4-5 năm và tích lũy của Vietnam Airlines trong 4-5 năm qua đã bốc hơi vì dịch. Vị này chia sẻ hãng đang thừa khoảng 40 chiếc máy bay khi nhu cầu di chuyển hàng không của hành khách giảm sốc. Tính tổng cộng, 20.000 lao động ở trong và ngoài nước của hãng đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
Lê Lan (Tổng hợp)