Theo quy định tại Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010, nếu cha mẹ đã đăng ký con nuôi hợp pháp, gia đình và người con nuôi này phát sinh đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con thì trường hợp cha mẹ qua đời không lập di chúc, di sản sẽ được chia theo pháp luật (Điều 650 Bộ luật dân sự 2015).
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật:
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc.
b) Di chúc không hợp pháp.
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo quy định tại điều 651 Bộ luật dân sự, di sản được chia đều cho những người cùng hàng thừa kế theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Bên cạnh đó, Điều 653 Bộ luật dân sự 2015 quy định con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.
Với những quy định trên, con nuôi hợp pháp có quyền hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, con nuôi là hàng thừa kế thứ nhất nên sẽ được thừa kế như nhau với những người cùng hàng thừa kế với mình nếu người chết là cha mẹ nuôi không để lại di chúc.
Minh Hoa (t/h)