Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang vật lộn để giảm bớt cú sốc đến từ điều mà một số chính trị gia gọi là “cuộc chiến năng lượng” với Nga, quốc gia đã cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt theo sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, dự kiến sẽ công bố vào ngày 14/9 một gói các biện pháp khẩn cấp được đề xuất cho 27 quốc gia thành viên EU, bao gồm “thuế bạo lợi” đối với các công ty năng lượng và “phao cứu sinh” cho các công ty điện đang đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản.
Nhưng để các biện pháp trên được thực hiện, chúng vẫn cần được các quốc gia thành viên đồng ý và ký kết.
Cuộc họp khẩn giữa Bộ trưởng Năng lượng của các quốc gia thành viên, diễn ra hôm 9/9 tại Brussels, Bỉ, đã làm lộ rõ sự chia rẽ sâu sắc trong khối khi nói đến các chi tiết của đề xuất và việc liệu có nên áp giá trần khí đốt hay không.
Trong khi đó, Nga cho biết, khó có thể lường trước được hậu quả đối với việc vận chuyển khí đốt sang châu Âu theo một quy trình trọng tài mới do công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine khởi xướng.
Các biện pháp “đặc biệt và tạm thời”
EC sẽ đề xuất mục tiêu bắt buộc là cắt giảm việc sử dụng điện và đánh thuế bạo lợi để chuyển lợi nhuận của các công ty năng lượng đến những người tiêu dùng đang gặp khó khăn.
Cụ thể, cơ quan điều hành của EU sẽ đề xuất 27 quốc gia thành viên của khối áp đặt mức đóng góp “đặc biệt và tạm thời” đối với các công ty trong ngành dầu khí, than và nhà máy lọc dầu dựa trên lợi nhuận thặng dư chịu thuế của họ trong năm tài chính 2022, theo dự thảo được Bloomberg News nhìn thấy.
EC cũng sẽ đề xuất 2 mục tiêu về giảm nhu cầu điện: mục tiêu cắt giảm mức tiêu thụ tổng thể và mục tiêu bắt buộc là giảm nhu cầu sử dụng năng lượng trong những giờ cao điểm đã chọn.
Đề xuất cũng sẽ giới hạn doanh thu quá mức (bạo lợi) của các công ty sản xuất điện từ các nguồn không phải khí đốt thông qua việc giới hạn giá điện sản xuất với các nguồn như năng lượng tái tạo, than non hoặc năng lượng hạt nhân.
Cảnh báo về giá trần khí đốt
Trong khi EC soạn thảo một loạt các biện pháp tiếp theo của EU để đối phó khủng hoảng giá năng lượng, Na Uy - nhà sản xuất và cung cấp năng lượng lớn - đã cảnh báo rằng họ phản đối giá trần khí đốt.
“Chúng tôi đang tiến hành các cuộc đàm phán với tinh thần cởi mở nhưng vẫn hoài nghi về mức giá tối đa đối với khí đốt tự nhiên”, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre cho biết hôm 12/9 sau cuộc điện đàm với bà von der Leyen.
“Một mức giá tối đa sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản, đó là có quá ít khí đốt ở châu Âu”, ông Jonas Gahr Støre nói.
Na Uy, một đồng minh thân cận của EU, đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của khối này sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu theo sau cuộc chiến ở Ukraine, mang lại cho nước này thu nhập kỷ lục từ ngành công nghiệp xăng dầu khi giá cả tăng cao.
Trong khi Na Uy đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho châu Âu, quốc gia Bắc Âu cho biết, các điều khoản thương mại nên được xác định bằng các cuộc đàm phán giữa các công ty cung cấp khí đốt và các công ty mua mặt hàng này.
Cũng liên quan đến vấn đề giới hạn giá cả, Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa sẽ xé bỏ các hợp đồng cung cấp hiện tại nếu giới hạn giá xuất khẩu năng lượng của Nga được áp đặt, đồng thời cảnh báo rằng ông sẵn sàng để châu Âu “đóng băng” trong những tháng mùa đông sắp tới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 9/9 cũng cảnh báo rằng phương Tây không hiểu được mức giới hạn giá năng lượng có thể tác động đến quốc gia của họ như thế nào. Bà nói: “Phương Tây không hiểu: việc áp dụng giới hạn giá đối với các nguồn năng lượng của Nga sẽ dẫn đến một mặt sàn trơn trượt dưới chân của chính họ”.
Lá chắn bảo vệ
Châu Âu hiện đang cảm thấy “cơn ớn lạnh” của việc giá năng lượng tăng vọt, khi Pháp cho biết họ không thể gánh hết chi phí phụ trội cho người tiêu dùng, trong khi Anh đối mặt với nguy cơ suy thoái gia tăng.
Tại Pháp, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Bruno Le Maire cho biết, người tiêu dùng nước này sẽ được bảo vệ với giá trần năng lượng mới khi mức giá trần hiện tại hết hạn vào cuối năm nay (ngày 31/12), nhưng nhấn mạnh rằng các hộ gia đình sẽ cần tự mình chi trả “một phần nhỏ” chi phí gia tăng.
“Khi giá điện hoặc khí đốt đã tăng gần 170% trong vài tháng qua, sẽ là hoàn toàn vô trách nhiệm nếu chỉ đặt gánh nặng của những khoản tăng này lên ngân sách nhà nước”, ông Le Maire nói, cho biết thêm rằng sẽ có một “mức tăng hạn chế trong giá khí đốt và điện” vào năm 2023 đối với các hộ gia đình ở Pháp.
Tại Anh, nơi lạm phát đã đạt hơn 10% - mức cao nhất trong 40 năm, nền kinh tế nước này đã tăng 0,2% trong tháng 7 so với tháng 6, thấp hơn mức tăng 0,4% được dự báo. Chi phí năng lượng tăng mạnh làm ảnh hưởng đến nhu cầu về điện, và một bước nhảy vọt về chi phí vật liệu đã ảnh hưởng đến lĩnh vực xây dựng.
“Một sự phục hồi nhỏ đáng thất vọng về GDP thực tế trong tháng 7 cho thấy nền kinh tế Anh có rất ít động lực và có thể đã suy thoái”, ông Paul Dales, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics (London), cho biết.
Thủ tướng Anh Liz Truss, trong động thái chính sách đầu tiên trên cương vị mới, gần đây đã đề ra kế hoạch đóng băng hóa đơn năng lượng ở mức trung bình 2.500 bảng Anh mỗi năm trong thời gian 2 năm, như một phần của gói hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Vương quốc Anh, đánh dấu một trong những can thiệp lớn nhất của chính phủ Anh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Không thể đoán định
Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU trước khi xung đột với Ukraine bùng phát thành hành động quân sự. Tỉ lệ đó đã giảm mạnh xuống còn 9%, do Moscow cắt giảm nguồn cung, đổ lỗi cho các vấn đề kỹ thuật do các lệnh trừng phạt gây ra.
Naftogaz cho biết hôm 9/9 rằng họ đã khởi xướng một thủ tục trọng tài mới chống lại Gazprom, cho rằng công ty Nga đã không trả tiền vận chuyển khí đốt qua Ukraine đúng hạn hoặc đầy đủ.
“Có thể có rất nhiều điều không thể đoán định trước từ cả các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp khí đốt của Ukraine”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết khi phản hồi câu hỏi về tác động có thể có của quy trình trọng tài.
Các dòng khí đốt tự nhiên từ Nga đến châu Âu dọc theo các tuyến đường ống quan trọng đã ổn định vào sáng 11/9, trong khi đường ống Nord Stream 1 vẫn đóng cửa, Reuters cho biết.
Minh Đức (Theo Reuters, Bloomberg, The Guardian)