Còn “quá sớm” để đánh giá hiệu quả phản công của Ukraine trước Nga

Còn “quá sớm” để đánh giá hiệu quả phản công của Ukraine trước Nga

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 7, 03/09/2022 16:50

Nga cho rằng Kiev muốn “tạo ra ảo tưởng cho các quan chức phương Tây rằng quân đội Ukraine có khả năng tấn công”.

Trong cuộc họp giao ban hàng ngày hôm 2/9, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho rằng mục tiêu chính hiện tại của Nga vẫn là giành toàn quyền kiểm soát Donetsk.

“Đối phương tiếp tục tập trung nỗ lực vào việc thiết lập toàn quyền kiểm soát lãnh thổ của vùng Donetsk và duy trì quyền kiểm soát các khu vực đã giành được thuộc các vùng, gồm Kharkiv, Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia, Kherson và Mykolaiv. Địch tiến hành các cuộc tấn công bằng đường không và tên lửa vào các đối tượng quân sự và dân sự trên lãnh thổ của nhà nước ta”, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết.

Trên hướng Donetsk, các nỗ lực chính của địch tập trung vào việc tiến hành các hành động tấn công trên các hướng Bakhmut và Avdiivka, cơ quan này cho biết thêm.

Trong một bài đăng khác trên Facebook vào ngày 2/9, các lực lượng vũ trang Ukraine đã cập nhật tổng số thương vong của quân Nga, tuyên bố đã tiêu diệt thêm 350 quân nhân thân Nga trong 24 giờ qua, và tổng thiệt hại về nhân lực mà Ukraine đã gây ra cho đối phương là 48.700 người.

Thế giới - Còn “quá sớm” để đánh giá hiệu quả phản công của Ukraine trước Nga

Các binh sĩ Ukraine bắn súng cối vào chiến tuyến ở khu vực Donetsk, miền Nam Ukraine, khi giao tranh với các lực lượng Nga vẫn không ngừng tăng nhiệt. Ảnh: The Guardian

Ông Vitaliy Kim, Thống đốc Mykolaiv, khu vực giáp ranh với Kherson ở miền Nam Ukraine, đã thông báo chi tiết về các vụ việc qua đêm trong một bản cập nhật trạng thái trên Telegram hôm 2/9. Ông liệt kê một số lượng lớn các ngôi làng bị cháy rải rác trong 24 giờ qua, nhưng nói rằng trong khi một số ít tòa nhà và cơ sở thương mại bị hư hại, chỉ có một người bị thương được ghi nhận.

Quân đội Ukraine tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã chịu “tổn thất đáng kể” ở khu vực phía Nam Kherson sau cuộc phản công của Kiev được phát động vào đầu tuần này.

Những thành công của Ukraine là “khá thuyết phục”, một phát ngôn viên của Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Ukraine cho biết, đồng thời bổ sung rằng nhiều “tin tức tích cực” có thể sẽ xuất hiện “rất sớm”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng cuộc phản công do Ukraine tiến hành ở miền Nam nước này phần lớn đã thất bại.

“Các lực lượng Ukraine tiếp tục phát động các cuộc tấn công có chủ đích giữa Mykolaiv và Kryvyi Rih, cũng như ở các khu vực khác, và đối phương đang chịu tổn thất nặng nề”, ông Shoigu cho biết trên kênh Telegram của Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/9.

Mục tiêu duy nhất của Kiev trong cuộc tấn công là “tạo ra ảo tưởng cho các quan chức phương Tây rằng quân đội Ukraine có khả năng tấn công”, ông Shoigu nói.

Ông Shoigu cho biết thêm, Kyiv muốn xua quân của Nga đóng quân ở phía tây Dnepr về phía sau con sông ở khu vực Kherson.

Các hãng thông tấn đều thừa nhận không thể xác minh độc lập tuyên bố của các bên về diễn biến trên chiến trường.

Thế giới - Còn “quá sớm” để đánh giá hiệu quả phản công của Ukraine trước Nga (Hình 2).

Bản đồ đánh giá tình hình thực địa trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, tính đến ngày 2/9/2022. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Đồ họa: Al Jazeera

Còn theo các quan chức phương Tây, quân đội Ukraine đã đẩy lùi các lực lượng Nga tại một số điểm xung quanh Kherson. Họ ước tính rằng khoảng 20.000 quân Nga đang ở trong khu vực phía Nam, đồng thời cảnh báo rằng hãy còn quá sớm để xác định xem cuộc phản công của Ukraine có hiệu quả hay không.

IAEA hoàn thành sứ mệnh Zaporizhzhia

Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ cho biết cơ sở vật chất tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine đang trong tình trạng rất “tồi tệ” do các cuộc giao tranh và pháo kích đang diễn ra trong khu vực.

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi, cho rằng giao tranh diễn ra gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine đang gây ra mối nguy hiểm “không thể chấp nhận được” cho địa điểm này.

“Với sự gia tăng hoạt động quân sự này, tính toàn vẹn của nhà máy sẽ bị tổn hại nhiều hơn”, ông Grossi nói với các phóng viên hôm 2/9 sau khi đích thân dẫn đầu phái đoàn đến thanh sát khu phức hợp này.

Ông Grossi, dẫn đầu một phái đoàn gồm 14 thành viên, đã đến nhà máy từ hôm 1/9 để kiểm tra thiệt hại có thể xảy ra đối với cơ sở điện hạt nhân lớn nhất châu Âu trong bối cảnh giao tranh dữ dội.

Người đứng đầu IAEA cho biết, các thanh tra có thể tiếp cận tất cả các khu vực của nhà máy.

Điều kiện làm việc của các nhân viên “tiếp tục là một điểm quan tâm chính” đối với cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, ông bổ sung.

Ông Grossi cho biết, IAEA dự kiến sẽ đưa ra một báo cáo về nhà máy vào đầu tuần tới. Hai thành viên của phái đoàn sẽ ở lại hiện trường trong thời gian dài hơn để theo dõi tình hình.

Thế giới - Còn “quá sớm” để đánh giá hiệu quả phản công của Ukraine trước Nga (Hình 3).

Các thành viên phái đoàn thanh sát viên IAEA đi kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh do cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 2/9/2022. Ảnh: The Guardian

Thế giới - Còn “quá sớm” để đánh giá hiệu quả phản công của Ukraine trước Nga (Hình 4).

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đứng gần một địa điểm bị hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine, ngày 2/9/2022. Ảnh: DW

Thế giới - Còn “quá sớm” để đánh giá hiệu quả phản công của Ukraine trước Nga (Hình 5).

Một quan chức Nga chỉ cho người đứng đầu IAEA Rafael Grossi vỏ một quả bom đã nổ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine, ngày 2/9/2022. Ảnh: EPA-EFE

Thế giới - Còn “quá sớm” để đánh giá hiệu quả phản công của Ukraine trước Nga (Hình 6).

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi (giữa) được nhìn thấy trong cuộc thanh sát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh do cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 2/9/2022. Ảnh: The Guardian

Hôm 1/9, phái đoàn IAEA đã được các lực lượng Nga tháp tùng đi thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nằm cách Kherson khoảng 300 km (185 dặm). Nhưng chuyến thanh sát không có sự tham gia của các nhà báo.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong bài phát biểu hàng đêm hôm 1/9, đã hoan nghênh sự hiện diện của phái đoàn IAEA tại Zaporizhzhia, nhưng phàn nàn về việc các lực lượng Nga cấm các nhà báo quốc tế tham gia chuyến thanh sát và người đứng đầu IAEA đã thất bại trong việc kêu gọi phi quân sự hóa khu vực này.

“Ukraine đã làm mọi thứ để sứ mệnh này được thực hiệ”, ông Zelenskyy nói. “Nhưng thật tệ là đối phương đang cố gắng biến sứ mệnh này của IAEA – vốn là một nhiệm vụ thực sự cần thiết – thành một chuyến thăm quan vô ích.

“Khi chúng tôi gặp ông Grossi và các thành viên của phái đoàn ở Kiev, hai bên đồng ý rằng phái đoàn sẽ có sự đồng hành của các nhà báo từ các phương tiện truyền thông Ukraine và quốc tế”, nhà lãnh đạo Ukraine tiếp tục. “Thật không may, điều này đã không được thực hiện. Mặc dù nó đã được hứa hẹn”.

Ngoài việc đổ lỗi về sự thất bại trên cho phía Nga, Tổng thống Zelenskyy cũng quy trách nhiệm cho IAEA vì đã không “bảo vệ được đại diện của các phương tiện truyền thông độc lập”.

Ông Zelenskyy cũng cho biết đã nói chuyện với ông Grossi về việc phi quân sự hóa khu vực này, nhưng lấy làm tiếc rằng “chúng tôi vẫn chưa nghe được những lời kêu gọi thích hợp từ IAEA”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, đã cáo buộc Ukraine là “khủng bố hạt nhân”. Các nhà chức trách thân Nga ở Zaporizhzhia đã cáo buộc Kiev cố gắng cài “gián điệp” vào phái đoàn thanh sát viên của IAEA dưới nốt “nhà báo”.

Bom đạn vẫn rền vang quanh nhà máy điện hạt nhân

Các cuộc giao tranh và pháo kích dữ dội ở quận Enerhodar, miền Nam Ukraine - nơi đặt nhà máy Zaporizhzhia do Nga kiểm soát - vẫn tiếp diễn bất chấp sự xuất hiện của nhóm thanh sát viên IAEA, Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm 2/9.

Quân đội Ukraine cũng cho biết họ đã ném bom một căn cứ của Nga ở thị trấn Enerhodar gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Reuters cho rằng tiết lộ trên của Bộ Tổng tham mưu Ukraine là bất thường vì quân đội Ukraine hiếm khi đưa ra chi tiết về các mục tiêu cụ thể.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm 2/9: “Đã xác nhận rằng trong khu vực xung quanh các thị trấn Kherson và Enerhodar, các cuộc tấn công chính xác của các lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy 3 hệ thống pháo binh của đối phương cũng như 1 nhà kho chứa đạn dược và vô hiệu hóa 1 đại đội lính”.

Tuy nhiên, cơ quan này không cung cấp thêm chi tiết về các cuộc tấn công.

Nhà máy này đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến - mặc dù vẫn do các kỹ sư Ukraine điều hành - và đã bị ngắt kết nối khỏi lưới điện Ukraine sau pháo kích. Cả 2 bên đã đổ lỗi cho nhau vì đã nhắm mục tiêu vào nhà máy.

Thế giới - Còn “quá sớm” để đánh giá hiệu quả phản công của Ukraine trước Nga (Hình 7).

Hình ảnh các mảnh bom, đạn được nhìn thấy trong khuôn viên nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh do cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 2/9/2022. Ảnh: The Guardian

NATO phô trương lực lượng khi cho B-52 bay qua Stockholm

Các máy bay ném bom B-52 của Mỹ hôm 2/9 đã bay qua thủ đô Stockholm ở độ cao thấp, trong khuôn khổ tăng cường các cuộc tập trận chung được tổ chức sau khi Thụy Điển xin gia nhập NATO.

Cùng với các máy bay chiến đấu Gripen của Không quân Thụy Điển, hai chiếc B-52 của Không quân Mỹ đã bay qua thủ đô Bắc Âu vào khoảng 12h15 theo giờ địa phương.

Người phát ngôn của quân đội Thụy Điển cho biết, trong khi các cuộc tập trận với máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã diễn ra gần đây, đây là lần đầu tiên một cuộc tập trận kiểu này được tổ chức.

Kể từ khi Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin vào NATO vào tháng 5 trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và các cường quốc phương Tây khác đã tăng cường các cuộc tập trận như một dấu hiệu của quan hệ đối tác quân sự trong những tháng gần đây.

Một tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn của Mỹ, USS Kearsarge, đã thả neo vào đầu tháng 6 tại cảng Stockholm, trước khi tập trận hàng hải ngoài khơi.

Thế giới - Còn “quá sớm” để đánh giá hiệu quả phản công của Ukraine trước Nga (Hình 8).

Một người dùng Twitter đăng video cho thấy vài chiếc máy bay B52 bay qua rặng cây, ngày 2/9/2022.

Nga nói chưa xin được thị thực Mỹ cho Ngoại trưởng Lavrov tới LHQ

Moscow đã xin 56 thị thực từ Mỹ để cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và phái đoàn của ông đến New York dự cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc (LHQ) trong tháng này, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được tín hiệu gì từ Mỹ.

Trong một bức thư gửi cho Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, được Reuters nhìn thấy hôm 2/9, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết rằng điều này là “đáng báo động” vì trong nhiều tháng qua, Washington đã “liên tục từ chối cấp thị thực nhập cảnh” cho một số đại biểu Nga đến dự các sự kiện khác của LHQ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này rất coi trọng nghĩa vụ của mình với tư cách là nước chủ nhà của LHQ, đồng thời cho biết thêm rằng hồ sơ thị thực được bảo mật theo luật của Mỹ nên họ không thể bình luận về các trường hợp riêng lẻ.

Theo thỏa thuận về “trụ sở chính” của LHQ năm 1947, Mỹ thường được yêu cầu cho phép các nhà ngoại giao nước ngoài đến trụ sở LHQ. Tuy nhiên, Washington cho biết họ có thể từ chối thị thực vì lý do “an ninh, chống khủng bố và chính sách đối ngoại”.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã rạn nứt sâu sắc kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2.

56 thị thực mà Moscow yêu cầu bao gồm thị thực dành cho một nhóm các nhà ngoại giao đi tiền trạm để chuẩn bị cho chuyến công tác của Ngoại trưởng Lavrov và phái đoàn của ông tới cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ tại New York, sẽ bắt đầu vào ngày 20/9.

Ông Nebenzia cho biết thêm rằng không có thị thực Mỹ nào được cấp cho các nhà báo tháp tùng ông Lavrov và phái đoàn của ông.

Trong bức thư, ông yêu cầu ông Guterres “một lần nữa nhấn mạnh với các nhà chức trách của Mỹ rằng họ phải nhanh chóng cấp thị thực theo yêu cầu cho tất cả các đại biểu Nga và những người đi cùng, bao gồm cả các nhà báo Nga”.

Người phát ngôn LHQEri Kaneko cho biết, ông Guterres và các quan chức cấp cao khác của LHQ đang liên hệ chặt chẽ với Mỹ và Nga về vấn đề thị thực.

Thế giới - Còn “quá sớm” để đánh giá hiệu quả phản công của Ukraine trước Nga (Hình 9).

Giá khí đốt đã tăng vọt, làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp và các hộ gia đình ở châu Âu, tăng đầu tiên do nhu cầu phục hồi sau đại dịch và sau đó tăng thêm vì cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh: TRT World

Đức: Nguồn cung khí đốt được đảm bảo dù Gazprom “khóa van” vô thời hạn

Đức cho biết nguồn cung khí đốt của nền kinh tế số 1 châu Âu vẫn được đảm bảo bất chấp động thái rằng tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga Gazprom tiếp tục đóng đường ống Nord Stream 1, làm tăng thêm lo ngại về tình trạng thiếu hụt trong mùa đông này.

“Tình hình thị trường khí đốt đang căng thẳng, nhưng an ninh nguồn cung vẫn được đảm bảo”, một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức cho biết trong một tuyên bố hôm 2/9.

Người phát ngôn không bình luận về “bản chất” của thông báo từ Gazprom trước đó vào ngày 2/9, nhưng cho biết Đức đã “nhận thấy sự không đáng tin cậy của Nga trong vài tuần qua”.

Minh Đức (Theo The Guardian, DW, Al Jazeera, Euronews)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.