Hệ thống PCCC chỉ mang tính… mimh họa
Thông tin từ lãnh đạo bộ Xây dựng nêu ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Ba (ngày 2/4), riêng tại Hà Nội đã thống kê có nhiều toà nhà vi phạm về phòng chống cháy nổ. Theo quy định, các chung cư (CC) cao tầng bắt buộc phải có hệ thống báo cháy tự động, bình chữa cháy tại các tầng, bất cứ điểm nào của từng tầng phải có 2 họng chữa cháy có thể tiếp cận trong vòng 3 phút kể từ khi có báo động cháy.
Thế nhưng, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiện nay ở các CC, nhà cao tầng vẫn chưa được coi trọng đúng mức, từ nhận thức của chủ đầu tư xây dựng công trình đến người ở trực tiếp. Nhiều chung cư, hệ thống PCCC chỉ mang tính... minh họa.
Qua khảo sát thực tế của PV tại Hà Nội, sự bất an trên của người dân về an toàn cháy nổ là có căn cứ. Đặc biệt, tại nhiều khu CC, khu tập thể cũ đã xuống cấp, vấn đề phòng chống cháy nổ còn tồn tại quá nhiều bất cập, thiết bị PCCC không có hoặc đã xuống cấp trầm trọng.
Theo ghi nhận của PV tại một CC thuộc phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) những trụ nước cứu hỏa được bố trí cạnh tòa nhà đã gỉ sét. Trong đó, một trụ đặt ngay phía trước của hai tòa CC, nơi xe cứu hỏa dễ dàng tiếp cận nếu sự cố xảy ra, trụ nước đó sẽ là nơi cung cấp nước quan trọng nhất. Thế nhưng, toàn bộ phần đầu trụ đã mục nát, phần núm xoay vặn nước bị mất không có khả năng sử dụng.
Tương tự, trụ nước tại chung cư trên đường Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy) cũng trong tình trạng bị “lãng quên”, ở nơi ai cũng thấy. Nhiều bộ phận thiếu, nhiều trụ nước cứu hỏa bung nắp bám bụi, rác thải có thể đã bị rơi hay dồn vào bên trong trụ, hay trụ mất các bộ phận để sử dụng, đôi khi còn bị vùi dưới cát đặt cạnh CC... Quan sát một vòng quanh khu CC “xuất hiện” một trụ nước còn nguyên vẹn nhưng đã bị... xích và khóa chặt. Phía trên cầu thang, nơi đặt các bình cứu hỏa và vòi nước chữa cháy, kiểm tra chúng tôi thấy những hộp cứu hỏa bị bụi phủ kín. Điều đó cho thấy, những thiết bị đảm bảo sự an toàn kia đã không được kiểm tra, đảm bảo thường xuyên. Như vậy, công tác bảo đảm PCCC của các chung cư vẫn chưa được chú trọng, tính mạng của người dân có thể bị đe dọa bất kỳ lúc nào.
“Tuy đã được dự những buổi diễn tập PCCC, nhưng tôi thấy nó vẫn mang tính hình thức, nhiều gia đình chưa quan tâm. Thực tế, mấy thiết bị PCCC chỗ tôi ở đã xuống cấp, từ khi tôi chuyển đến chưa thấy được tu sửa, thay thế”, dứt lời, ông Bùi Văn H. (Nguyễn Chánh, Hà Nội) chỉ tay về phía trụ nước cứu hỏa đã gỉ sét.
Những sai phạm điển hình tại các CC trong quy định PCCC như: Hệ thống cảnh báo cháy chất lượng kém, không hoạt động, đèn chiếu sáng, đèn chỉ dẫn thoát nạn hoạt động không bảo đảm; bình chữa cháy hỏng, quá hạn sử dụng, một số nơi trụ nước cứu hỏa trong tình trạng hoen gỉ…
Biết toà nhà mình cháy qua… mạng xã hội?!
Tiếp tục khảo sát tại khu CC cao cấp tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), PV khá bất ngờ khi được cư dân nơi đây cho biết, họ chỉ biết CC mình ở đang cháy qua… mạng xã hội. Khi đám cháy xảy ra, hầu hết mọi người trong tòa nhà đều không biết bởi chuông báo cháy không kêu, không có còi báo động hay loa phát thanh trong khu CC phát đi nội dung báo cháy. Một cư dân khác kể lại: "Tôi nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa, ngó ra cửa sổ thấy người dân vây kín nhà mình, đoán chung cư cháy mọi người mới hô nhau bỏ chạy".
Tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, mật độ các chung cư cao tầng dày đặc, nhưng ngõ vào lại rất hẹp, cư dân tận dụng mở quán bán hàng hay biến thành những bãi đỗ xe… khiến khả năng tiếp cận của các phương tiện cứu hoả, cứu nạn hạn chế. Khi phỏng vấn 1 hộ dân kinh doanh ở đây, họ vẫn còn thái độ bàng quan theo kiểu “chắc nó trừ mình ra”.
Trong khi đó, một số CC, cửa thoát hiểm bị khóa chặt lại hay bị chiếm dụng thành nơi để hàng, chuyển hàng của các siêu thị, hộ kinh doanh ở tầng 1 và tầng hầm. Hay khó hiểu như trường hợp cửa thoát hiểm bị xây kín lại như một tòa CC ở Vũ Trọng Phụng. Một số cư dân ở đây bức xúc: CC có tất cả 3 lối thoát hiểm, nhưng mới đây thấy một lối thoát hiểm đã bị bịt lại. Việc tự ý bịt lối thoát hiểm như vậy khiến chúng tôi không thể hiểu và nếu xảy ra vấn đề cháy nổ thì chúng tôi có lối nào mà chạy.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình còn cơi nới phần ban công, hàn khung sắt cố định để chống trộm hình thành nên những “chuồng cọp”, lại không được thiết kế cửa thoát hiểm. Điều này vô tình biến thành nơi tự nhốt mình nếu sự cố xảy ra.
Điển hình cho tình trạng người dân cơi nới diện tích để sử dụng là khu tập thể Thành Công (quận Đống Đa). Trao đổi với PV, bà Thu- Tổ trưởng tổ dân phố khu D8 cho biết: "Tình trạng người dân cơi nới thay đổi kết cấu phần ban công như hiện nay đã tồn tại hàng chục năm trước. Thiết kế cửa thoát hiểm ở những hộ gia đình này thì có nhà có, nhà không. Hiện nay, cháy nổ diễn ra liên tục, phường cũng họp khuyến khích người dân tự trang bị thiết bị PCCC".
Tuy nhiên theo bà Thu thì không thể phá bỏ những "chuồng cọp" này, vì những căn hộ ở đây đã được xây dựng rất lâu, diện tích chỉ từ 10-28m2, nhiều gia đình có đến vài thế hệ sinh sống. Nếu họ không cơi nới như vậy, thực sự không có diện tích để sử dụng. “Đối với những hộ sau này thì phường cấm tuyệt đối chuyện cơi nới ban công. Còn trước mắt, chỉ có thể khuyến khích những hộ chưa có cửa thoát hiểm nên làm ngay”, bà Thu cho hay.
Cũng trả lời PV, ông Hiệp, Tổ trưởng tổ dân phố 30B (khu tái định cư Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) cho hay: "Nước cứu hỏa của tòa nhà N6 hoàn toàn không có, các thiết bị phòng cháy và chữa cháy có nhưng không sử dụng được do hỏng hóc và hết hạn. Vừa qua cơ quan chức năng vào kiểm tra PCCC của tòa nhà N6 và đã lập biên bản".
Rất nhiều ý kiến đặt ra về hệ thống và công tác PCCC được cơ quan chức năng chuẩn bị như thế nào, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn. Nhiều người dân sinh sống tại các tòa nhà CC thắc mắc, liệu những trụ nước cứu hỏa kia có thể hoạt động được hay không, hay chỉ lắp để đối phó với cơ quan chức năng? Những thực trạng này rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc khắc phục để người dân được an tâm hơn khi sống tại các chung cư.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, trong quý I/2018, TP.Hà Nội xảy ra hơn 200 vụ cháy làm 2 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại tài sản 31 tỷ đồng. Tỷ lệ cháy xảy ra ở nội thành chiếm khoảng 60%. Riêng về tình hình cháy nổ tại các công trình nhà cao tầng, trung bình mỗi năm, TP.Hà Nội có khoảng 30 sự cố xảy ra.Trước thực trạng đó, Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ rà soát kiểm tra 100% công trình nhà cao tầng. Hà Nội hiện có trên 1.100 công trình, tòa nhà CC cao tầng, trong đó có hơn 120 công trình nhà tái định cư. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, giám sát. Trong đó, có những công trình 1 tuần kiểm tra 1 lần.
Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng cục Cảnh sát PCCC và CHCN (bộ Công an) thông tin thêm, cách đây hơn 1 năm, đã có thông tin trên địa bàn TP.Hà Nội hiện thiếu 4.000 trụ nước cứu hỏa, trong đó có 300 trụ không lấy được nước. Theo ông Việt, đến nay những tồn tại này vẫn chưa được khắc phục. “Khi chữa cháy mà không có nước thì rất nguy hiểm. Do vậy, tôi mong muốn TP quan tâm khắc phục tình trạng này. Làm sao khi xảy ra cháy nổ phải đảm bảo nước để PCCC”, Thượng tá Bùi Quang Việt chia sẻ.
H.Yến - Đ.Thủy