Với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump gây phiền lòng các quốc gia thân thiết khi đề xuất một bức tường trên biên giới Mexico, rút khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và buộc các đồng minh châu Á phải tăng chi tiêu quốc phòng, Bắc Kinh đang có cơ hội để thu hút sự chú ý toàn cầu đi theo quỹ đạo của mình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người vừa tập trung được rất nhiều quyền lực trong tay đang có kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh "Một vành đai, Một con đường" (OBOR) trong năm tới, theo nguồn tin thân cận nói với SCMP. Đây sẽ là sự kiện thu hút sự góp mặt của khoảng 30 lãnh đạo các nước trên thế giới tham dự với sức nóng không kém gì Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa tổ chức ở Hàng Châu hồi tháng 9 vừa qua.
Tại thời điểm khi các cường quốc thế giới đang loay hoay trước những vấn đề khó khăn trong nước, ông Tập Cận Bình nhìn thấy cơ hội để thúc đẩy các sáng kiến địa chính trị của mình nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh vươn ra những nơi xa xôi trên thế giới.
Một trong số này là sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" với sự tham gia của 65 quốc gia trải dài qua Đông Nam Á, Nam, Trung và Tây Á cho đến Trung Đông, châu Phi, Đông Âu và Trung Âu.
Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" được đưa ra bởi ông Tập Cận Bình vào năm 2013 như một nỗ lực tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và các nước khác dọc theo con đường tơ lụa trên đất liền và tuyến đường hàng hải cổ đại, thông qua các dự án thương mại và cơ sở hạ tầng, bao gồm các tuyến đường sắt cao tốc và đường ống dẫn năng lượng.
James McGregor, Chủ tịch APCO Worldwide, một công ty quan hệ công chúng và tư vấn chính phủ, cho biết mức độ hợp tác giữa Bắc Kinh và chính quyền Trump trong thời gian tới sẽ là rất quan trọng trong việc quyết định sự thành công của sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của Trung Quốc
"Thông qua "Một vành đai, Một con đường" và các sáng kiến ngoại giao khác nhau, Trung Quốc đang tìm cách đưa bản thân trở thành người dẫn dắt các nỗ lực gìn giữ hòa bình và phát triển kinh tế trong khu vực", ông McGregor nhận định. "Nhưng điều này sẽ trở nên khó khăn nếu Mỹ và Trung Quốc không tìm được tiếng nói chung và làm việc cùng nhau".
"Vì vậy, nếu Trump thúc đẩy một chương trình nghị sự đối đầu với Trung Quốc thông qua các thỏa thuận thương mại và an ninh ở châu Á, Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong quản lý các khoản đầu tư của mình tại Afghanistan và cả những khu vực khác.
Một trong những cố vấn chính sách của Trump - cựu giám đốc CIA James Woolsey - đã mô tả cách phản ứng của chính quyền Obama hiện tại với những sáng kiến như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là một "sai lầm chiến lược". Do vậy, theo những dự đoán của giới quan sát, chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ gây ra nhiều trở ngại cho kế hoạch quy mô lớn của Bắc Kinh.
Giáo sư Wang Yiwei, từ trường nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết chính sách bảo hộ của Donald Trump, nhất là tuyên bố rút Mỹ ra khỏi TPP, sẽ cung cấp cơ hội sáng kiến của Trung Quốc "lấp đầy khoảng trống trên thị trường".
"Trong một thời gian dài, các nước trên thế giới đã đi theo tiêu chuẩn và mô hình phát triển của Mỹ . Nhưng bây giờ ngay cả Mỹ cũng đang phải hứng chịu hậu quả từ hệ thống của chính họ", ông Wang nói. "Mỹ đã không học được bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính - tự thất bại trong việc điều chỉnh và cải tổ ngành công nghiệp. Để giờ đây họ đổ lỗi cho các vấn đề về toàn cầu hóa".
Ông Wang cho rằng, với sáng kiến "vành đai và con đường", Trung Quốc sẽ đề kháng mạnh mẽ hơn với các rủi ro gây ra bởi chính quyền Donald Trump và xu hướng chống toàn cầu hóa sâu rộng của phương Tây.
Sự giảm sức mua của Mỹ trong bối cảnh sau khủng hoảng tài chính đã khiến cho năng lực sản xuất ở Trung Quốc trở nên dư thừa, và sáng kiến này là một cách mới để đẩy mạnh xuất khẩu của Trung Quốc.
Trung Quốc đã đầu tư khoảng 14,8 tỷ USD cho 49 quốc gia trong số 64 quốc gia khác dọc theo Con đường tơ lụa vào năm ngoái, chiếm 12,6 % tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Chen Fengying, một nhà kinh tế tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho rằng các khoản "đầu tư của OBOR cần đột phá và được sự hỗ trợ của chính phủ nhiều hơn".
Khó khăn lớn nhất phải đối mặt với sáng kiến "vành đai và con đường" là cần giảm bớt sự nghi ngờ từ các quốc gia như Ấn Độ và Nhật Bản về ý đồ chiến lược của Bắc Kinh.
AIIB của Trung Quốc vốn được coi là một đối thủ của Ngân hàng Phát triển châu Á mà Nhật Bản đang dẫn đầu cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế có trụ sở tại Mỹ.
Zhang Jianping, một chuyên gia về chính sách Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc cho biết sự mất lòng tin vẫn là một rào cản lớn nhất đối với đất nước của ông.
Với việc dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang thu hẹp lại, giá trị tiền tệ giảm mạnh và việc kiểm soát của chính phủ về đầu tư lớn nước ngoài đã đặt ra những câu hỏi về việc liệu cường quốc châu Á có đủ nguồn lực để liên kết các nước lại với nhau và đảm bảo kế hoạch sẽ tiến triển thuận lợi hay không.
Cùng với đó làn sóng của chủ nghĩa dân túy, chống toàn cầu hóa phản ánh trong chiến thắng của Donald Trump ở cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng trước đã buộc Trung Quốc phải nhìn vào thực tế một cách cẩn trọng.
Đơn cử như các dự án cơ sở hạ tầng, đầu tư về năng lượng và tài nguyên ở châu Phi của Trung Quốc đã gây ra sự bất bình trong cộng đồng địa phương, khi Bắc Kinh bị cáo buộc không chia sẻ lợi ích cho người lao động nơi đây.
Cùng với đó, mặc dù ngày càng có nhiều đồng minh quan trọng của Mỹ chẳng hạn như Canada và Anh, đã gia nhập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), thế nhưng các nước này đang mất lòng tin vào những nỗ lực của Bắc Kinh khi cho rằng cường quốc châu Á chỉ đang cố mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.
Quốc Vinh