“Sao càng ngày Tết càng chán thế nhỉ, tôi chả còn thấy háo hức như ngày còn bé nữa. Đang yên đang lành tự nhiên đến Tết, thà bỏ quách Tết đi cho đỡ mệt.
Về nhà ai cũng hỏi làm ở đâu rồi, lương cao không, thằng Thiện nhà ông Hoàng nó học cùng mày mới ra trường mà đã kiếm được hơn chục triệu một tháng rồi đấy,... trong khi đó mình thì vừa ra trường thất nghiệp dài cổ”.
Đó là câu chuyện của mấy bạn trẻ đang ngồi tám chuyện với nhau ở một quán cafe bên phố Hà Nội. Có lẽ đây cũng là câu chuyện chung của rất nhiều bạn trẻ, những cô câu sinh viên mới ra trường trong đó có cả tôi.
Trong ký ức của tôi, Tết là một cái gì đó lớn lao lắm, hạnh phúc lắm, chả thế mà lũ trẻ con chúng tôi cứ đếm từng ngày để chờ đến Tết. Cứ đến Tết là được nghỉ học, được nhận bao nhiêu tiền mừng tuổi, được ăn chơi thả ga mà không sợ bố mẹ mắng vì “Tết mà, mắng một câu có mà dông cả năm ấy”, bố tôi nói.
Thường thì đến ngày 25, 26 Tết là đám học sinh như tôi được nghỉ tha hồ đi chơi, không phải lo dậy sớm đi học, làm bài tập về nhà hay sáng mai cô giáo gọi lên kiểm tra bài cũ nữa. Đã thế, Tết lại được ăn uống thả ga nữa chứ. Nếu những ngày bình thường, để xin được mẹ mua cho chục nghìn bim bim bán theo lạng chắc phải quét nhà chục lần/ ngày mới được. Thế nhưng Tết đầy tiền, muốn ăn gì thì lấy tiền mừng tuổi tự đi mua mà chả phải xin ai.
Đến khi hết Tết là cuộc sống như trở về với những ngày dài đằng đẵng lúc nào cũng học, học và học. Lúc đó tôi ước rằng ngày nào cũng là Tết thì thích biết bao.
Thế nhưng cái không khí ấy, những ngày tuyệt vời ấy đang dần phai nhạt đi từ thời bước chân vào cánh cổng đại học. Đến bây giờ, khi đã ra trường thì những ký ức tươi đẹp ấy dường như đã bị mất đi hoàn toàn.
Chúng ta cứ thắc mắc, tại sao càng ngày Tết càng chán? Phải chăng ý nghĩa của ngày Tết đã không còn được như trước nữa,... và sự thật không như chúng ta đang nghĩ. Hội trẻ con vẫn háo hức mong đến Tết, nhà nhà đang vui vẻ quây quần gói bánh chưng đó thôi. Với tôi, ngày Tết đang chán dần là vì tôi lớn rồi.
Trải qua cái khoảng thời gian vô lo, vô nghĩ ăn bám gia đình, đến bây giờ khi bắt đầu tiếp xúc với cuộc sống tự lập, với cơm áo gạo tiền tôi mới hiểu được sự vất vả của bố mẹ là như thế nào.
Mới đây, một lần vô tình nghe được bố mẹ nói chuyện về việc sắm Tết khiến mắt tôi rưng rưng. Nào là tiền mừng tuổi đám trẻ, tiền mua bánh kẹo tiếp khách, tiền mua đồ đi Tết các gia đình khác, tiền thuê xe đi chơi xuân và biết bao khoản tiền nữa tính ra cũng hơn chục triệu.
Đối với những gia đình nông thôn quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” thì khoản tiền ấy là một con số không hề nhỏ. Rồi bố thủ thỉ với mẹ: “Thôi để tôi cố làm nốt mấy cái tường cho người ta, sát Tết thợ họ nghỉ hết nên mới đến lượt mình làm, từ giờ đến 30 Tết chắc cũng được ít tiền mà sắm Tết”.
Bất giác, tôi nhớ lại những buổi ăn chơi tới bến với đám bạn thời sinh viên rồi cuối tháng lại gọi điện về xin tiền ở nhà. Bố mẹ thương con trên này một mình vất vả nên có bao giờ từ chối đâu, nhiều thì đôi triệu, ít cũng mấy trăm với bao thức ăn gửi từ quê lên. Nhìn thấy ít tiền là lại méo mặt, trách bố mẹ vì không được như đám bạn mà đâu biết những đồng tiền ấy là đồng tiền đi vay mượn của hàng xóm.
Thấy mẹ ngồi cộng từng đồng chi tiêu rồi tính đi tính lại mà mắt tôi cay cay. Cuộc sống thường ngày đã vất vả lắm rồi giờ lại đến mấy ngày Tết, tiền thì chả kiếm thêm được lại phải chi tiêu rõ nhiều khiến tôi cảm thấy sợ Tết.
Nhiều người chê cười, phản đối gay gắt đề xuất bỏ Tết Nguyên Đán và cho rằng đây là một đề xuất vớ vẩn thế nhưng ngẫm lại, phải ở trong hoàn cảnh tích góp từng đồng lo cho mấy ngày Tết mới thấy đề xuất kia là có căn cứ.
Lúc này, ngồi cạnh nồi bánh chưng tôi mới thấy trân trọng từng đồng tiền lẻ, mới thấu được nỗi vất vả của bố, của mẹ và thấy sợ những ngày Tết.
Mẹ ơi, con lớn rồi!