Ít nhất 11.300 người được cho là đã thiệt mạng sau khi dòng nước lũ tràn qua miền Đông Libya – một thiệt hại nặng nề mà phần lớn có thể tránh được, các quan chức toàn cầu cho biết hôm 14/9.
Bà Marie el-Drese, Tổng Thư ký Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Libya, nói với hãng tin AP qua điện thoại rằng có thêm 10.100 người được báo cáo mất tích tại thành phố đổ nát Derna, miền Đông đất nước. Trước đó, giới chức thành phố cho biết số người thiệt mạng có thể lên tới 20.000.
Số người thiệt mạng ngày càng tăng nhưng rất khó để thống kê chính xác do mức độ tàn phá của thảm họa và tình hình chính trị hỗn loạn trong khu vực, trong khi các thi thể vẫn theo sóng trôi dạt vào bờ.
Khi lực lượng cứu hộ tìm kiếm dưới nước và dưới đống đổ nát, một mối nguy khác xuất hiện: Các thi thể đang thối rữa có thể dẫn đến một đợt bùng phát dịch bệnh chết người sau lũ.
Số người thiệt mạng chưa dừng lại
Dưới áp lực từ một trận mưa lớn xối xả do cơn bão Địa Trung Hải Daniel gây ra, 2 con đập che chắn cho thành phố cảng Derna ở miền Đông đất nước đã bị vỡ vào rạng sáng ngày 11/9, quét qua trung tâm dân cư và tạo ra những đợt sóng cao hơn 20 feet (7 m).
Những hình ảnh vệ tinh mới nhất do công ty công nghệ Maxar Technologies chụp cho thấy mức độ tàn phá khủng khiếp do trận lũ gây ra. Một quan chức chính phủ hôm 13/9 ước tính rằng 25% thành phố đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc bị cuốn trôi.
Hình ảnh được chụp từ khoảng cách 400 dặm (644 km) trên bề mặt trái đất cho thấy cơn lũ quét để lại một lớp bùn đất bẩn màu nâu khắp thành phố.
Có hơn 7.000 người bị thương, ông Osama Ali, người phát ngôn của cơ quan dịch vụ xe cứu thương địa phương, nói với NBC News hôm 14/9.
Các con số thay đổi tùy thuộc vào việc quan chức nào cung cấp chúng, nhưng tất cả đều là những con số lên tới hàng nghìn. Thị trưởng Derna, ông Abdel Moneim al-Ghaithi, cho biết số người thiệt mạng có thể tăng gấp 3 khi các đội tìm kiếm và những người sống sót tìm thấy thêm thi thể trong các đống đổ nát.
“Tình huống này ập đến bất ngờ đối với thành phố Derna. Chúng tôi đã không thể tự mình đương đầu với nó”, ông al-Ghaithi nói với Sky News Arabia tối hôm 13/9.
Văn phòng Thị trưởng Derna cho biết, số người thiệt mạng có thể lên tới 20.000 người – khoảng 1/5 dân số thành phố – dựa trên ước tính của những người sống ở khu vực bị lũ quét qua.
Hầu hết các trường hợp thiệt mạng có thể tránh được nếu chính quyền có hệ thống cảnh báo tốt hơn, cơ quan thời tiết và khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết hôm 14/9.
“Lẽ ra họ có thể đưa ra cảnh báo và lực lượng quản lý tình trạng khẩn cấp có thể tiến hành sơ tán người dân và chúng ta có thể tránh được hầu hết thiệt hại về người”, ông Petteri Taalas, người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nói với các phóng viên ở Geneva, theo hãng tin AFP.
WMO cho biết trong tuần này rằng họ đã đưa ra cảnh báo 72 giờ trước khi các con đập bị vỡ, bao gồm cả việc liên hệ với chính quyền Libya và đưa ra các tuyên bố với giới truyền thông. Điều này dẫn đến tình trạng khẩn cấp được ban bố ở quốc gia Bắc Phi này.
Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng
Một ngày trước khi cơn bão đổ bộ Libya, Thị trưởng Derna cho biết trong một cuộc họp báo rằng một số khu vực xung quanh con đập nên được sơ tán. Nhưng thay vào đó, một ủy ban khẩn cấp do Bộ Nội vụ của chính quyền miền Đông thành lập đã ra lệnh giới nghiêm.
Người phát ngôn của Thị trưởng al-Ghaithi cũng cho biết, các con đập trong thành phố đã không được bảo trì kể từ năm 2008 do tình hình chính trị bất ổn ở Libya – quốc gia Bắc Phi với 7 triệu dân.
Người đứng đầu Hội đồng Tổng thống Libya ở Tripoli, ông Mohamed Al-Manfi, cho biết hôm 14/9 trên X, mạng xã hội trước đây gọi là Twitter, rằng công tố viên của nước này sẽ mở một cuộc điều tra xem liệu sơ suất nào có thể góp phần gây ra thảm họa.
Khi một số người tìm cách tìm ra người chịu trách nhiệm về thảm họa kinh hoàng này, một thảm họa nhân đạo cũng đang xảy ra với những người sống sót.
Những lo ngại ngày càng gia tăng về bệnh lây truyền qua đường nước ảnh hưởng đến khu vực, đặc biệt là khi các thi thể thối rữa vẫn dạt vào bờ biển. Ông Elie Abouaoun, người đứng đầu Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) tại Libya, cho biết trong một tuyên bố hôm 13/9: “Việc tiếp cận với nước sạch, vệ sinh và các phương tiện vệ sinh sẽ là cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tiếp theo trong một cuộc khủng hoảng”.
Khoảng 30.000 người ở Derna phải di dời, theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), một cơ quan của Liên Hợp Quốc.
Hy vọng tìm thấy những người sống sót đã tan biến khi hoạt động dọn dẹp và phục hồi quy mô lớn bắt đầu.
Công ty Dịch vụ Công Tripoli hôm 13/9 đã bắt đầu dọn dẹp đống đổ nát ở trung tâm đông dân cư trước đây của Derna trong một chiến dịch diễn ra suốt ngày đêm, hãng thông tấn nhà nước Libya đưa tin.
Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là cung cấp viện trợ ngay lập tức cho những người bị ảnh hưởng, và sau đó là công cuộc xây dựng lại Derna. Tất cả đều rất phức tạp khi quốc gia Bắc Phi vẫn bị chia rẽ về mặt chính trị giữa Đông và Tây.
Thành phố Derna được kiểm soát bởi Quân đội Quốc gia Libya (LNA), có trụ sở tại thành phố Tobruk ở miền Đông. Phần còn lại của đất nước được điều hành bởi Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU), có trụ sở tại thủ đô Tripoli ở miền Tây.
Sự chia rẽ này đã cản trở những nỗ lực tái thiết đất nước trong nhiều năm, mặc dù các tổ chức cứu trợ quốc tế cho biết cả hai bên hiện đang đàm phán với nhau.
“Cả hai chính phủ đã liên hệ với cộng đồng quốc tế để yêu cầu trợ giúp”, ông Tauhid Pasha, thuộc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), cho biết tối hôm 13/9.
“GNU đã thay mặt cả nước kêu gọi hỗ trợ, và họ cũng đang phối hợp với chính phủ ở miền Đông”, ông Pasha cho biết.
Minh Đức (Theo NBC News, AP)