Kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, ứng dụng ChatGPT, do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển, đã tạo ra cơn sốt toàn cầu, càn quét thế giới công nghệ với những khả năng sáng tạo tương tự con người như làm thơ, soạn văn, viết luận,...
Chỉ sau 2 tháng xuất hiện, ChatGPT đã đạt kỷ lục với 100 triệu người đăng ký, vượt qua hoàn toàn các kỷ lục trước đó của các ứng dụng nổi tiếng như TikTok, Instagram.
Sức hấp dẫn, sự mới mẻ và tính ứng dụng cao từ ChatGPT đã mở ra một cuộc chạy đua chatbot AI toàn cầu. Đáng chú ý, các công ty công nghệ ở Mỹ và Trung Quốc cho biết, đang tăng tốc để tạo ra các ứng dụng chatbot nhằm giành vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực tìm kiếm bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Bùng nổ làn sóng "chatbot”
Vào đầu tháng trước, Google đã công bố một chatbot AI mới của riêng mình có tên là Bard nhằm cạnh tranh với ChatGPT. Tương tự như đối thủ, Bard hoạt động dựa trên Mô hình ngôn ngữ cho ứng dụng đối thoại của công ty, hay còn gọi là LaMDA.
Giám đốc điều hành của Alphabet và Google Sundar Pichai cho biết, Bard “nhằm kết hợp kho tàng kiến thức nhân loại với sức mạnh, trí thông minh và sự sáng tạo của mô hình ngôn ngữ lớn của chúng tôi".
Gã khổng lồ công nghệ này cho hay, đang tiến hàng nghiên cứu một phiên bản quy mô nhỏ hơn của LaMDA để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thử nghiệm và “đảm bảo rằng các phản hồi của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng”.
Tuy nhiên, trong một quảng cáo của Google về Bard, chatbot này đã đưa ra câu trả lời sai cho câu hỏi “Tôi có thể kể cho đứa con 9 tuổi của mình nghe về những khám phá mới nào từ kính viễn vọng không gian James Webb (JWST)?”.
Điều này đã khiến Alphabet, công ty mẹ của Google mất 100 tỷ USD, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi vị thế dẫn đầu của gã khổng lồ này trước Microsoft.
Một phần động cơ đằng sau của kế hoạch trên là vì Microsoft, nhà đầu tư lớn của Công ty OpenAI và là đối thủ cạnh tranh của Google, thông báo nâng cấp công cụ tìm kiếm Bing do hãng này phát triển bằng công nghệ từ OpenAI. Mặc dù, những người dùng ban đầu của "Bing AI” đã gặp phải những cuộc trò chuyện kỳ quặc và không chính xác.
Còn tập đoàn Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, vẫn tỏ ra khá thận trọng đối với việc phát triển và đưa vào áp dụng phiên bản kiểu ChatGPT cho các nền tảng mạng xã hội của tập đoàn.
Tuy nhiên vào ngày 27/2, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg thông báo tập đoàn này đang tạo ra một nhóm sản phẩm để tìm ra cách “tăng tốc” cho công việc của công ty.
Trước đó, Meta cũng đã thông báo trên một bài viết rằng một mô hình ngôn ngữ lớn có tên là LLaMA, viết tắt của cụm từ Large Language Model Meta AI, sẽ được cung cấp theo giấy phép phi thương mại cho các nhà nghiên cứu và các tổ chức liên kết với chính phủ, xã hội dân sự và học viện như một công cụ nguồn mở, khác với ChatGPT có công nghệ bí mật.
Meta cho biết, mô hình LLaMA đòi hỏi năng lực tính toán “ít hơn nhiều” so với các mô hình ngôn ngữ lớn trước đó. Meta mô tả phiên bản LLaMA với 13 tỷ tham số có thể hoạt động tốt hơn GPT-3, bản tiền thân của mô hình ngôn ngữ lớn mà ChatGPT được xây dựng.
Trong khi đó, LLaMA phiên bản 65 tỷ tham số được đánh giá là "cạnh tranh” với Chinchilla70B và PaLM-540B của Google, 2 mô hình thậm chí còn lớn hơn mô hình mà Google đã thể hiện trên chatbot Bard.
Trong khi đó, tập đoàn Apple lại khá kín tiếng về kế hoạch AI của họ và không thông báo bất kỳ nội dung gì liên quan đến công nghệ ChatGPT tại một sự kiện trí tuệ nhân tạo nội bộ.
Tại Trung Quốc, tập đoàn Baidu, hãng tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc mới đây thông báo có kế hoạch ra mắt dịch vụ Ernie Bot (tên tiếng Trung là Wenxin Yiyan) giống phong cách của ChatGPT vào tháng 3 này.
Mặc dù, đến nay vẫn còn khá mơ hồ về khả năng của Ernie Bot, nhất là trong so sánh với ChatGPT, song một số công ty Trung Quốc đã thông báo ý định tích hợp công nghệ này vào sản phẩm của họ.
Ví dụ, nền tảng phát video trực tuyến iQiyi công bố kế hoạch kết nối với chatbot để tìm kiếm và sử dụng nội dung do AI tạo ra. Công ty khởi nghiệp xe điện Jidu thuộc Baidu cũng có kế hoạch tích hợp dịch vụ Ernie Bot cho dòng xe điện mới.
Các dự án tương tự như Ernie cũng đang được nghiên cứu tại các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei, Alibaba, Tencent, JD.com và các viện công nghệ hàng đầu Trung Quốc, bao gồm Học viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh.
Dù vậy, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Vương Chí Cương vào tuần trước cho rằng, ChatGPT “có những lợi thế trong việc tạo ra những kết quả ở thời gian thực", điều mà "rất khó để đạt được".
Theo ông Vương, mặc dù trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã hoàn thành nhiều kế hoạch và nghiên cứu trong lĩnh vực xử lý, hiểu ngôn ngữ tự nhiên và đã có những thành quả nhất định, nhưng để đạt được những kết quả như của OpenAI thì Trung Quốc cần phải "đợi và chờ".
Tác động mang tính cách mạng của công nghệ AI
Ông Han Fang, Chủ tịch Công ty trò chơi di động Kunlun Tech có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, đã được truyền cảm hứng ngay từ phiên bản ChatGPT đầu tiên của OpenAI vào năm 2020.
Theo ông, công nghệ AI tạo sinh có thể ngay lập tức cung cấp giá trị vì chúng hoạt động dựa trên việc người dùng tạo ra và tiêu thụ các nội dung. AI tạo sinh giúp giảm chi phí sản xuất, cho phép các nhà làm phim hoạt hình và những người sử dụng các ngôn ngữ thiểu số có thể tự tạo ra nội dung cho riêng họ.
Kunlun Tech từ lâu đã hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung từ AI, chẳng hạn như âm nhạc, cũng đang có kế hoạch ra mắt một phiên bản Trung Quốc của ChatGPT vào giữa năm nay.
Bên cạnh đó, những tác động của AI đối với việc làm và các ngành công nghiệp cũng rất lớn. Giáo sư Anton Korinek thuộc Khoa Kinh tế, Đại học Virginia nói rằng sự xuất hiện của các mô hình AI như ChatGPT giúp “các nhiệm vụ nhận thức” dễ tự động hóa hơn so với công việc thủ công như trong các nhà máy, xí nghiệp.
Đồng thời, ông Korinek kỳ vọng rằng năm 2023 sẽ là năm chứng kiện sự bùng nổ của công nghệ AI, nhấn mạnh rằng những mô hình này “sẽ đem đến tác động mang tính cách mạng đối với nền kinh tế, năng suất, thị trường lao động và cuối cùng là xã hội nói chung”.
Vĩnh Khang (theo CNBC, SCMP, Japan Times, CNN, Reuters)