Tháng Tám vừa qua, một thông điệp bí mật được gửi từ Washington đến Cairo cảnh báo về một con tàu lạ đang tiến về kênh đào Suez.
Tàu chở hàng mang tên Jie Shun có cắm cờ Campuchia nhưng khởi hành từ Triều Tiên. Con tàu được vận hành bởi thủy thủ đoàn người Triều Tiên chở theo một lô hàng hạng nặng.
Khi tàu tiến vào vùng biển của Ai Cập, Hải quan nước này vây bắt và tìm thấy trong các thùng nằm dưới quặng sắt là một kho vũ khí khổng lồ.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc sau đó đã kết luận, đây là vụ “thu giữ khí tài lớn nhất trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên”.
Khi đó, câu hỏi được nhiều người tò mò nhất là lô vũ khí khổng lồ như vậy được bán cho ai?Bí mật cuối cùng của Jie Shun dần hé lộ.
Theo các báo cáo, tàu Jie Shun bắt đầu hoạt động từ thành phố cảng Haeju, Triều Tiên ngày 23/7/2016, với 23 thành viên thủy thủ đoàn, gồm cả một Đại úy và một sĩ quan chính trị.
Sử dụng một lá cờ của quốc gia khác là cách giúp Bình Nhưỡng tránh thu hút sự chú ý không mong muốn khi đi vào vùng biển quốc tế.
“Hệ thống nhận dạng tự động của tàu được tắt trong phần lớn thời gian chuyến đi”, báo cáo cho biết, “ngoại trừ trong các tuyến đường biển bận rộn nơi hành vi như vậy có thể gây nghi ngờ”.
Tuy nhiên, một tàu chở hàng dài gần 100m không dễ dàng giấu được ánh nhìn từ cơ quan tình báo Mỹ, khi nó vừa rời Triều Tiên, đi tới gần bán đảo Mã Lai và thực hiện hải trình tiến về biển Ả Rập và vịnh Aden.
Tàu Jie Shun bị một tàu Hải quan Ai Cập chặn lại khi chưa kịp tiến vào kênh đào Suez.
Khi kiểm tra kho chứa hàng, kiểm soát viên của Ai Cập được báo cáo có khoảng 2.300 tấn limonite, một loại quặng sắt là tất cả những gì hàng hóa đang chở trên tàu.
Nhưng khi đào xuống phía dưới, các thùng gỗ được xếp ngăn nắp bắt đầu hiện ra.
Khi được hỏi về các thùng gỗ này, thủy thủ đoàn mô tả chúng chỉ là “các linh kiện lắp ráp của máy bơm dưới nước". Nhưng khi 79 thùng hàng được mở ra tại cảng al-Adabiyah của Ai Cập, bên trong là 24.000 súng phóng lựu và khoảng 6.000 thành phẩm khác.
Tất cả đều là biến thể của loại súng chống tăng nổi tiếng PG-7, của Liên Xô từ những năm 1960.
Cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc phát hiện một số doanh nghiệp Ai Cập đã mua lô súng phóng lựu trị giá hàng triệu đô la dưới dạng giao dịch ẩn, để trang bị cho quân đội nước này.
Sự việc dù chưa được công khai toàn bộ chi tiết, nhưng đã gây ra tranh cãi dữ dội.
Câu chuyện cũng làm sáng tỏ phần nào những cáo buộc trước đó về hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu của Triều Tiên, bất chấp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mà nước này đang phải đối mặt.
Tại thời điểm phát hiện, Ai Cập là một thành viên không thường trực mới được bầu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong tuyên bố chính thức, Cairo khẳng định sự “minh bạch”, đồng thời nhấn mạnh tiếp tục hợp tác sát sao với Liên Hợp Quốc trong hoạt động ngăn chặn hàng lậu.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ hoài nghi vụ giao dịch vũ khí chỉ bị bắt giữ vì có sự can thiệp của tình báo Mỹ, trong khi phàn nàn phía Ai Cập cố tình lập lờ trong chuyện này.
Một quan chức giấu tên cho biết, vụ phát hiện tàu Jie Shun chính là lý do chính quyền Tổng thống Donald Trump đóng băng khoản viện trợ quân sự 300 triệu USD cho Cairo.
Ngay cả khi Mỹ và đồng minh hợp lực thực hiện các biện pháp trừng phạt, Bình Nhưỡng được cho là vẫn lặng lẽ gặt hái lợi nhuận từ việc bán vũ khí và thiết bị quân sự giá rẻ cho các khách hàng nước ngoài.
Theo giới phân tích phương Tây, tiểu xảo che giấu của Triều Tiên bao gồm sử dụng cờ giả và giấu vũ khí trong các lô hàng hợp pháp để không bị nghi ngờ. Trong trường hợp của tàu Jie Shun là cất giấu dưới các quặng sắt.
David Thompson, một nhà phân tích và điều tra các phương án tài chính của Triều Tiên từ trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cấp cao, có trụ sở tại Washington chỉ rõ, cách làm này khiến hoạt động rà soát trên biển rất khó xác định.
“Con tàu đang trong tình trạng khủng khiếp,” một nhà ngoại giao phương Tây gần gũi với các báo cáo bí mật từ cuộc điều tra chính thức của Liên Hợp Quốc cho biết.
Với tình trạng cũ kỹ đến mức đổ nát, đây được cho là chuyến hải trình cuối cùng của tàu Jie Shun trước khi đưa vào bãi phế liệu.
Theo các nhà phân tích, khách hàng thường giao dịch với Triều Tiên với mục đích tìm kiếm các khí tài, đạn dược có chi phí thấp và hiếm có trên thị trường thương mại.