Con tàu Vinalines bắt đầu “nổi”

Con tàu Vinalines bắt đầu “nổi”

Võ Tá Quỳnh

Võ Tá Quỳnh

Thứ 2, 24/07/2017 11:38

Khác với “người anh em” Vinashin, quá trình tái cơ cấu của Vinalines đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Đầu tư - Con tàu Vinalines bắt đầu “nổi”

 Vinalines dự kiến IPO vào cuối năm nay.

Hồi phục

Sau giai đoạn dài chìm trong khó khăn, với lỗ lũy kế hợp nhất lên tới 19.000 tỷ đồng tới cuối năm 2014, Vinalines đã giảm con số này về khoảng 3.300 tỷ đồng cuối năm 2015. Công ty mẹ Vinalines cũng bắt đầu báo lãi 982 tỷ đồng trong năm 2015 và 2.148 tỷ đồng trong năm 2016. Dù phần nhiều nhờ các điều chỉnh về mặt kỹ thuật, song nỗ lực cải cách của lãnh đạo doanh nghiệp cùng các ban ngành liên quan là không thể phủ nhận.

Mạnh tay cho phá sản các thành viên yếu kém, hoặc chuyển các đơn vị này từ công ty con sang liên kết giúp Vinalines không phải hợp nhất những kết quả kinh doanh thua lỗ. Trong giai đoạn 2013-2016, Vinalines đã giảm số lượng thành viên từ 73 xuống 35. Trong đó chỉ mỗi nghiệp vụ giảm 2% vốn (từ 51% về 49%) trong CTCP Vận tải Biển Bắc (Nosco), biến doanh nghiệp này từ công ty con thành liên kết đã giúp Vinalines giảm được hàng nghìn tỷ đồng lỗ hợp nhất (lỗ lũy kế của Nosco tới cuối năm 2015 là 3.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Vinalines cũng đã quyết liệt cho phá sản một loạt đơn vị thua lỗ triền miên như Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines), Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau hay CTCP Vận tải dầu khí Việt Nam, và đồng thời tiến hành thanh lọc nhân sự, với tổng số lao động công ty mẹ giảm từ 2.179 người năm 2013 về còn 1.539 người năm 2016.

Nhờ vậy, các chỉ tiêu tài chính của Vinalines dần trở nên lành mạnh hơn. Vốn chủ sở hữu hợp nhất từ âm 9.800 tỷ cuối năm 2014 trở lại trạng thái dương 6.600 tỷ 1 năm sau đó. Tổng tài sản được tinh gọn, giảm 33% về còn hơn 32.000 tỷ đồng. Loại bỏ các “cục” nợ nghìn tỷ giúp Vinalines giảm được gánh nặng tài chính, với vay nợ giảm từ gần 40.000 tỷ đồng về còn hơn 17.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, Vinalines chỉ phải trả 650 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2015, bằng 1/3 năm trước đó.

Kết quả này có được nhờ Vinalines đã thực hiện tái cơ cấu toàn diện dựa trên Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 2/2013. Theo Vinalines, doanh nghiệp này cho đến nay đã cơ bản duy trì ổn định được năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa. Tình hình tài chính được cải thiện, dần vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm lỗ qua các năm và tiến tới cân bằng thu chi.

Trong các mảng kinh doanh của Vinalines, vận tải biển vẫn mang gam màu tối, với cả 5 doanh nghiệp vận tải và 2 doanh nghiệp sửa chữa tàu biển đều thua lỗ. Bởi vậy, trong 3 năm vừa qua, Vinalines đã thực hiện bán thanh lý 33 tàu già với tổng trọng tải 753 nghìn tấn, chỉ mua/ đóng mới 3 tàu và dừng triển khai 23 dự án đóng tàu không hiệu quả nhằm đối phó với thực trạng thừa cung cùng với giá cước vận tải luôn ở mức rất thấp.

Vinalines dự kiến thanh lý tiếp 19 tàu với tổng trọng tải khoảng 400 nghìn tấn trong năm 2017, giảm trọng tải đội tàu từ gần 2 triệu tấn xuống còn 1,6 triệu tấn. Vinalines cho hay chi phí nhiên liệu đi xuống khiến giá cước giảm theo và chưa có dấu hiệu phục hồi trên cả 3 thị trường tàu hàng khô, tàu container và tàu dầu. Bên cạnh đó, đội tàu hầu hết được đầu tư trong giai đoạn phát triển nóng nên giá đầu tư cao, khấu hao lớn, chủ yếu lệ thuộc vốn vay ngân hàng nên chi phí tài chính, áp lực trả nợ lớn, khiến một số doanh nghiệp vận tải biển bị mất cân đối dòng tiền, dẫn đến không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ.

Trong khi đó, cảng biển lại là “cứu cánh” đối với Vinalines, khi mang về cho tổng công ty này 301 tỷ đồng tiền cổ tức và lợi nhuận trong năm 2016, với 5/8 doanh nghiệp hoạt động có lãi. Lợi thế của Vinalines là nắm trong tay một hệ thống cảng biển rộng khắp cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong lưu thông hàng hóa không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực; bên cạnh đó còn được đầu tư đầy đủ, hiện đại như cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Cam Ranh... Trong năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua cảng của Vinalines đạt 78 triệu tấn, tăng 17% so với năm 2015 và cao hơn kế hoạch năm 6%. Con số này dự kiến nâng lên 78,2 triệu tấn trong năm nay.

Bước ngoặt lớn

Tháng 1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phương án cổ phần hóa công ty mẹ Vinalines. Theo đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại công ty mẹ Vinalines, nhà đầu tư chiến lược sở hữu 17,25% và bán ra ngoài 17,25% vốn cổ phần. Đồng thời Vinalines được nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các cảng quan trọng: cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn và cảng Đà Nẵng. Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 31/12/2016, dự kiến thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 12/2017.

Đây là động thái thay đổi đáng chú ý, bởi trước đó đã có một phương án cổ phần hóa Vinalines được phê duyệt. Hồi tháng 3-2015, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho IPO của công ty mẹ Vinalines với chủ trương bán 64% vốn nhà nước, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn, hoán đổi nợ lấy cổ phần. Sau IPO, Nhà nước sẽ chỉ giữ lại 36% vốn.

Vào thời điểm đó, nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã đánh tiếng mua lại hầu hết cổ phần tại các cảng biển: cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Sài Gòn. Khi phương án này được công bố, nhiều chuyên gia đã lo ngại việc cổ phần hóa, bán vốn nhà nước xuống dưới mức chi phối trong bối cảnh Vinalines còn thua lỗ nặng nề sẽ hạ thấp giá trị doanh nghiệp này, gây nguy cơ mất vốn nhà nước.

Bởi vậy, việc trì hoãn cổ phần hóa Vinalines, đồng thời đưa ra một phương án khác mà trọng tâm là Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối công ty mẹ và các cảng biển quan trọng được đánh giá là hướng đi tích cực, bởi với thực tế là Vinalines đang có dấu hiệu phục hồi, thoái vốn khỏi tổng công ty này thông qua một lộ trình hợp lý sẽ giúp đưa về khoản lợi ích tối đa cho ngân sách, thay vì vội vàng cổ phần hóa, rồi bán nhanh, bán rẻ vốn nhà nước tại đây.

Trong diễn biến mới nhất, Vinalines ngày 6/7 vừa qua đã trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt giá trị doanh nghiệp của công ty mẹ để phục vụ công tác cổ phần hóa. Theo đó, giá trị thực tế của Vinalines tại ngày 31/12/2016 là 16.741 tỷ đồng, tương đương 750 triệu USD. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 10.144 tỷ đồng. Liên danh Công ty TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam và Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC được lựa chọn để xác định giá trị doanh nghiệp.

Trước đó, Vinalines vào cuối năm 2014 được định giá 21.287 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD, cao hơn mức định giá mới khoảng 4.500 tỷ đồng, tuy nhiên phần vốn nhà nước lại thấp hơn 1.000 tỷ đồng, chỉ gần 9.000 tỷ đồng.

Cùng với Chiến lược phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 27/ 2/2017, quá trình cổ phần hóa Vinalines, dự kiến kết thúc vào cuối năm nay, được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt lớn đối với “con tàu” Vinalines. Cho dù vẫn còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt như gánh nặng nợ nần, thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều đơn vị thành viên vẫn hoạt động kém hiệu quả, tuy nhiên giai đoạn tái cấu trúc toàn diện 2013-2016 với những kết quả tích cực thu được hứa hẹn sẽ là bước đà để Vinalines rẽ sang một hướng khác sau nhiều năm đắm chìm trong thua lỗ.

Nghi Điền

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.