Nếu tôi nhờ mẹ hoặc bỏ tiền ra thuê luật sư tốt nhất, con sẽ thuộc quyền tôi nuôi ngay. Nhưng tôi không muốn làm vậy vì đó là sự bất công với vợ mình. Nhưng tôi phải làm sao để vợ tôi hiểu rằng con theo tôi sẽ tốn hơn và chấp nhận để tôi nuôi con?
Tôi đang chuẩn bị ly hôn. Hai vợ chồng bắt đầu sống ly thân được 4 tháng nay. Tôi lần lữa việc ra toà là bởi tôi vẫn chưa tiêu hoá được sự đổ vỡ này và việc giải quyết con cái ai nuôi.
Còn tài sản, tôi không tranh đoạt với vợ. Tôi chấp nhận để lại hết toàn bộ tài sản 2 vợ chồng kiếm được sau 5 năm chung sống. Cả cuộc hôn nhân còn không tiếc thì tiếc gì số tài sản đó? Nhưng tôi cần phải giành được quyền nuôi con vì tôi tin con sống với tôi sẽ ổn hơn với mẹ nó.
Chúng tôi cưới nhau năm 2015 sau 3 năm tìm hiểu và yêu đương. Hôm nay cũng chính là ngày chúng tôi gặp nhau, Giáng sinh năm 2012. Chắc vợ tôi không còn nhớ đâu. Chỉ mình tôi nhớ thôi. Nhớ đến da diết. Ngày chúng tôi gặp nhau, đêm Giáng Sinh màu nhiệm ấy. Gặp nhau rồi gần gũi nhau trước cả khi quyết định yêu nhau thật lòng.
Cô ấy đã từng vô cùng tuyệt vời. Và tôi, chắc cũng vậy trong mắt cô ấy. 3 năm trải qua vô số lần sóng gió bởi khởi thuỷ bằng tình một đêm nên lòng tin dành cho nhau là con số 0. Chúng tôi đã nỗ lực tạo dựng lòng tin với nhau mỗi ngày.
Nhưng kể cả khi tôi đã tin tưởng tuyệt đối vào cô ấy, cô ấy vẫn chưa tin tôi. Vẫn tìm mọi cách kiểm soát cuộc sống của tôi mỗi ngày. Nhưng tôi chấp nhận vì tôi toàn tâm toàn ý với cô ấy. Thành luật luôn, không để chuông reo quá 3 hồi. Không từ chối bất cứ cuộc gọi nào. Không bao giờ để cô ấy phải chờ quá 10 phút kể từ khi có cuộc gọi lỡ.
Tài khoản mạng xã hội, mail, điện thoại… cô ấy có pass hết. Khoá cửa nhà tôi (hồi đang yêu) hay báo cáo cuộc gọi đi, gọi đến, tin nhắn đều sao kê rõ ràng và gửi về địa chỉ của cô ấy. Nhưng kể cả vậy, ngày cưới, cô ấy vẫn nói: Em tin anh một nửa thôi. Tôi bảo: Vậy thì nửa còn lại, anh sẽ nỗ lực cả đời để chứng minh với em vậy.
Tin một nửa, đó là tính cách của cô ấy. Kể cả với bạn thân hay bất cứ thứ gì. Cô ấy chỉ tin vào bố mẹ của cô ấy. Dù bố mẹ cô ấy mới là những người luôn dối gạt cô ấy (là cô ấy kể). Đến cả con chúng tôi, cô ấy cũng không tin tưởng.
Con bảo ăn ở lớp no rồi nhưng cô ấy vẫn nghĩ là con nói dối. Thằng bé chưa bao giờ nói dối. Thằng bé luôn nhớ lời bố: Người trung thực là người mạnh nhất. Vì họ không phải gồng mình lên với những lời nói dối. Nhưng rõ ràng, bố con tôi luôn phải gồng mình lên để chịu những nghi ngờ của vợ, của mẹ.
Ngoài điều đó ra, vợ tôi là người rất thích chuyện thị phi. Cô ấy thích buôn chuyện về tất cả mọi người. Cô ấy đã từng khiến tôi tức điên lên khi tôi đọc được đoạn chat của cô ấy về mẹ tôi, về chị tôi và về cả tôi nữa. Toàn những điều sai sự thật.
Nào là mẹ tôi rất lắm lời và hay vòi tiền cô ấy. Nào là chị tôi toàn mượn váy cô ấy không trả. Nào là tôi thu nhập chẳng bao nhiêu, thua xa chồng nhà người ta. Trong khi sự thật là mẹ tôi luôn cho cô ấy tiền. Mẹ ít nói vì mẹ là quan chức, mẹ vô cùng kiệm lời với cả chị em tôi chứ đừng nói là với cô ấy. Váy vóc của cô ấy đều là chị tôi tặng hoặc cái nào chị tôi thấy em dâu thích là cho luôn.
Và tôi, thu nhập còn cao hơn cả cô ấy. Tôi đã tức điên lên và nói chuyện phải quấy với cô ấy. Thì cô ấy bảo vì đang phải an ủi bạn nên mới nói vậy. Phụ nữ có kiểu an ủi bạn bằng cách bịa tạc ra hoàn cảnh nhà mình ư?
Vì chuyện đó chúng tôi đã ly thân 2 tháng. Là cô ấy bảo tôi không hiểu cô ấy, không tin cô ấy. Cô ấy bỏ về nhà bố mẹ đẻ 2 tháng. Tôi phải sang xin lỗi để kéo cô ấy về. Bị bố mẹ vợ mắng cho một trận mà tôi không thể nói ra lý do thật sự.
Tôi là người ghét có người lạ ở nhà. Nhưng vì công việc bận rộn cũng như không muốn vợ kêu ca về việc không chịu làm việc nhà, tôi đã thuê osin. Không chỉ 1 mà còn là 2 osin. Một người làm việc toàn thời gian và một người chịu trách nhiệm đưa đón, chăm sóc con tôi. Tôi phải làm vậy vì công việc của tôi phải 6h-7h tối mới xong. Sáng phải điểm danh sớm.
Nhưng cô ấy vẫn cho là tôi lười biếng và bừa bãi. Là tôi chẳng dành nhiều thời gian cho con. Nhưng hãy nhìn xem, con tôi gần gũi với ai hơn trong nhà này? Không có cuộc họp phụ huynh hay liên hoan, sinh nhật nào của con là tôi không có mặt. Cô ấy cũng vậy nhưng sao tôi lại thành ông bố vô tâm?
Tôi không kể xấu vợ. Tôi chỉ muốn nhìn nhận mọi thứ công bằng. Tôi có thể chưa phải là người chồng như cô ấy mong đợi nhưng tôi biết chắc con tôi thần tượng bố, thích tâm sự với bố.
Nếu cả bố và mẹ mỗi người một chương trình riêng, con luôn chọn theo bố dù chương trình của bố chả vui tẹo nào. Ngay trong 4 tháng ly thân này, con thích về với bố hơn. Mỗi lần mẹ đón, con đều rất buồn bã khi phải xa bố. Tôi vẫn khuyến khích con về với mẹ.
Thậm chí thời gian đầu, tôi còn đồng ý với cô ấy là con sẽ ở cả tuần với mẹ, cuối tuần về bố. Vì tôi cũng tin rằng con ở với mẹ sẽ được chăm sóc về sức khoẻ tốt hơn. Nhưng tôi đã đổi ý khi có một lần tôi lén đi theo vợ.
Hôm ấy vợ tôi đưa con đến nhà người tình của vợ. Con đã khóc nhiều và nói rằng con muốn về với bố. Câu đó khiến tôi đau thắt ngực. Cô ấy có nhân tình sau khi chúng tôi cãi vã một trận rất lớn và quyết định sẽ chia tay nhau.
4 tháng qua, chúng tôi ly thân là vì cô ấy có bạn trai mới. Ly thân như một cách để cô ấy chứng minh với người tình rằng đã hết quan hệ với tôi. Tôi đồng ý vì tôi nghĩ cô ấy đã tự do.
Ly hôn chỉ là thủ tục chứ hiện trạng lúc này thì việc cô ấy có người mới không phải là một thứ để đánh giá phẩm giá. Tôi chưa có người mới là vì tôi chưa tiêu hoá được cuộc đổ vỡ này thôi.
Việc tranh giành quyền nuôi con thực sự đẩy chúng tôi thành 2 chiến tuyến. Cô ấy bảo thật không thể tin vào miệng lưỡi của tôi khi mà trước đó tôi đã bảo để cô ấy nuôi con và để lại căn hộ cho cô ấy. Tôi chỉ giữ lại chiếc xe vì nó cần cho việc đi lại của tôi. Với lại, tôi khá yêu con xe đó của mình.
Tôi đã định nói về việc tôi lén theo cô ấy và nghe con nói. Nhưng tôi xấu hổ nếu nói ra điều đó. Nên tôi chỉ bảo rằng tôi đã nghĩ lại. Tài sản để lại hết, tôi chỉ lấy con. Kể cả xe hay số tiền tôi được mẹ hứa cho sau khi bán được mảnh đất ngoại thành. Khoảng 4 tỷ. Tôi cũng cho cô ấy hết. Cô ấy từ chối hết. Cô ấy bảo cô ấy cũng chỉ cần con.
Tôi rất băn khoăn. Bởi thứ nhất, người tình của cô ấy kém cô ấy 4 tuổi, lại là một nhân viên bất động sản vốn chẳng nghề ngỗng gì, thậm chí mới học hết cấp 2. Nói là nhân viên bất động sản cho oai chứ chỉ là cò nhà đất.
Tôi không biết họ yêu nhau đến đâu nhưng tôi cũng là đàn ông, tôi biết, có mấy thằng đàn ông yêu được con trai người đàn ông khác như con mình? Với lại ở tầm đó, liệu gã có ảnh hưởng gì đến con tôi không?
Thứ hai, quan trọng hơn, thu nhập của cô ấy chỉ là 8 triệu/tháng. Đến sống cho bản thân còn khó chứ đừng nói cho con học trường quốc tế như dự định của chúng tôi lúc trước. Thu nhập của tôi đủ để làm việc đó. Tôi cũng không giành quyền nuôi con là cấm con về với mẹ. Bất cứ khi nào cô ấy muốn, tôi đều đáp ứng mà.
Nhưng cô ấy thì chỉ đáp ứng rằng con sẽ về với tôi thứ 7, Chủ Nhật hàng tuần. Tết thì con sẽ ở với cô ấy đêm 30, ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3. Con sẽ chỉ về thăm ông bà nội ngày 4-5.
Và quan trọng, mọi việc giáo dục con là do cô ấy quyết. Kể cả việc vào lớp 1 trường nào là cô ấy chọn. Với mức lương chỉ 8 triệu/tháng, bố mẹ cô ấy thì lương hưu chỉ 4 triệu làm sao mà chăm con tốt bằng tôi? Chưa kể chị tôi là giáo viên, chị cũng yêu con tôi như con đẻ của chị.
Mọi điều kiện bên tôi là tốt nhất cho con nhưng cô ấy chỉ quan tâm đến duy nhất một điều: Con thì phải theo mẹ. Mẹ nào bỏ con thì đó là loại mẹ không ra gì. Chính vì định kiến đó, cô ấy giành quyền nuôi con cho bằng được. Là cô ấy nói thế với bạn thân của cô ấy và bố mẹ của cô ấy.
Con ở với tôi, con sẽ có phòng riêng. Ở với cô ấy, nếu cô ấy không nhận tài sản thì sẽ phải sống cùng bố mẹ cô ấy chật chội hoặc sống ở nhà người tình cô ấy, một căn nhà đi thuê lụp xụp, sống chung cùng đủ bố mẹ, anh chị của người tình.
Nhưng cô ấy cho rằng điều đó chả có nghĩa lý gì. Mẹ khổ thì con cũng chịu được. Đời này có mấy ai được sướng. Con trai chịu khổ mới thành tài. Chứ sống đầy đủ như tôi thì con sinh hư, lười biếng, ỷ lại và không còn ý chí phấn đấu. Tôi chẳng biết lý thuyết đó. Tôi chỉ thấy chị em tôi từ nhỏ đủ đầy nên học nước ngoài, có sự nghiệp và cuộc sống đầy đủ.
Tôi thực sự khó nghĩ. Nếu tôi nhờ mẹ can thiệp hoặc trực tiếp trả tiền cho luật sư giỏi, tôi sẽ giành được quyền nuôi con trong một nốt nhạc. Nhưng nếu tôi làm vậy, vợ sẽ oán trách tôi. Nên tôi rất muốn sự công bằng trong luật pháp.
Con theo ai tốt hơn, hãy để luật pháp quyết định. Tôi có quá cố chấp và cứng quá không?
Bài tâm sự của bạn đọc gửi vào hòm thư suachuahonnhan@nguoiduatin.vn . Viết lại bởi nhà văn HOÀNG ANH TÚ.
Bạn đọc có thể theo dõi bình luận hoặc chia sẻ quan điểm của mình tại: https://www.facebook.com/groups/suachuahonnhan/