Trên phòng chờ sân bay Nội Bài trong chuyến bay vào Sài Gòn sáng ngày hôm sau khi Đại tướng về Trời, một cụ ông đầu bạc trắng, đeo kính lão, đi lại khập khiễng yêu cầu tôi mở hết trang báo mạng này đến trang báo mạng khác bằng iPad để ông chứng thực tin tướng Giáp qua đời. Khi ông nhìn thấy tận mắt trên báo Người đưa tin, ông thẫn thờ hỏi 'Thật hả cháu?". Ông cụ chết lặng.
Tôi im lặng, lắng nghe cái đau thương của ông cụ gần đất xa trời. Nghe mênh mang buồn đau, mất mát như ngày bà nội mình mất cách đây 15 năm.
Cụ bà khóc ròng trước nhà Đại tướng
Nước uống miễn phí, bánh mì miễn phí được trao tận tay với thái độ nồng ấm, hàng ngàn con người lặng lẽ xếp hàng, nghiêm nghị, buồn đau đến viếng Đại tướng.
Trước phố Điện Biên Phủ, cạnh nhà riêng Đại tướng, nhiều cửa hiệu đã đóng cửa, và thay vào đó, chủ tiệm kêu gọi người nhà mua bánh mỳ, mua nước uống cùng nhân viên tiệm phục vụ dòng người viếng Đại tướng. Không thấy cảnh mệt mỏi hay lườm nguýt, không thấy sự lơ đễnh phục vụ ở quán nọ như mọi ngày. Hồ như họ tự nguyện thấy trào dâng niềm hạnh phúc khi được phục vụ dòng người viếng vị tướng huyền thoại của đất nước.
Bác cựu chiến binh từ Phú Thọ, tay nải quần ống thấp ống cao, quân phục gắn đầy huân chương nghiêm trang dập gót chào Đại tướng; cháu bé tiểu học còn mặc nguyên cả đồng phục ôm lính cảnh vệ khóc nức nở… nhắc chúng tôi, những người làm báo rằng, nhân dân vạn đại, nhân dân công bằng, nhân dân trí tuệ và nhân dân biết ơn.
Cựu chiến binh cầm ảnh Đại tướng trong dòng người viếng Đại tướng
Còn nhớ vào ngày đó, cả toà soạn lặng người khi nghe tin Đại tướng qua đời, dù rằng tin này trong chúng tôi không phải là quá bất ngờ. Từ "báo lớn báo nhỏ", báo ngành báo địa phương đồng loạt không ai bảo ai đều đưa tin trang trọng trên trang chủ.
Toà soạn chúng tôi đã liên tục cập nhật tin tức, trên vị trí trang chủ và trang phụ cận, tin mới, tiêu điểm, Tin đọc nhiều….là tin về Đại tướng qua đời. Từ cái ngày đau thương đó, trên trang chủ bài to nhất, dành cho tin tức về lễ tang Đại tướng. Từ sáng nay, Ban biên tập đã đổi theme thanh công cụ trên tất cả các trang của tờ báo thành màu đen. Và cũng vậy, ở bài vị trí nổi bật nhất trang chủ, chúng tôi đã để băng tang kính viếng Đại tướng. Ngó qua đồng nghiệp, báo Tuổi trẻ cũng như vậy. Chiếc băng đen trên nền logo tờ báo đỏ sáng nay làm tôi nhớ mãi về một ngày cả nước đau thương, từ trẻ đến già, từ nam đến nữ, từ công nhân đến nông dân….
> Dòng sự kiện: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sau những phở chửi, cháo quát, nhiều thương nhân Hà Nội bị chỉ trích mạnh mẽ về thái độ phục vụ cộng đồng. Không khó để nhận ra, tặc lưỡi và phàn nàn sau những ngày lễ, cả thành phố tràn ngập rác. Nhưng, trong những ngày qua, điều đó dường như đã không còn nữa, khi hàng trăm ngàn con người, từ già đến trẻ, từ nam đến nữ, từ cựu chiến binh đến cháu học trò… lưng tựa vào nhau, nhích từng bước, xếp hàng dài cả vài cây số, nghiêm nghị và đau buồn, trước nhà riêng Đại tướng, mong được bày tỏ sự biết ơn, kính trọng của mình trước vong linh vị tướng huyền thoại, người 'góp một phần viết nên lịch sử thế giới thế kỷ 20".
Bé theo mẹ viếng Đại tướng
Tôi nhớ gương mặt ngơ ngác của cậu con trai 7 tuổi của tôi chiều hôm đó khi bé đi học về. 7 tuổi, lớp Hai, cậu ấy chưa biết tướng Giáp là ai. Cậu ấy bảo 'Ba ơi, Bác Đại tướng mất rồi đấy", lời thì thầm. Tôi khẽ gật đầu.
Trong lớp học cậu ấy vào sáng hôm sau khi Bác Giáp mất, cô giáo nói 'các con cố gắng học giỏi, ngoan, giữ gìn sức khoẻ để tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ và biết ơn Đại tướng'.
Trần Việt Dũng