Đó là nỗi lòng của ông Nguyễn Triệu Căn, con trai thứ của cố nhà văn Nguyễn Triệu Luật. Dù đã ở cái tuổi 78 nhưng ông vẫn khát khao tìm lại được những kỷ vật của người cha quá cố của mình. Ông tâm sự: "Đây là tâm nguyện không chỉ của riêng tôi mà là tâm nguyện của cả gia đình. Thật buồn khi là con mà tôi không giữ lại được một thứ gì của cha mình". Nói đến đây, ông bồi hồi nhớ lại: "Ngày ấy, sau khi cha tôi ra khỏi nhà rồi không trở về, gia đình đi tìm nhưng không có kết quả thế nhưng trong hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn chờ mong ông trở về. Tôi còn nhớ như in trong thời kháng chiến chống Pháp, sống trong vùng tự do, mẹ tôi lúc nào cũng nhắc đến ông và hi vọng khi nào hết chiến tranh cha tôi sẽ trở về".
Ông Nguyễn Triệu Căn đang trò chuyện với PV Người đưa tin tại nhà
Sau khi đã đi gần hết cuộc đời, ông bắt đầu lao vào công cuộc tìm kiếm những tác phẩm quý giá của cha mình. Ông hối hận khi những ngày xa xưa đã cố tình quên đi người cha đầy tài hoa nhưng cũng lắm tội ("Tội" không biết an phận làm một nhà giáo, nhà văn kiếm tiền nuôi vợ con, ngày ngày dạy dỗ những người con cho chúng học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng đất nước lúc đó còn bị thực dân Pháp đô hộ, ông làm sao an phận rồi noi gương ông cha, tổ tiên vùng lên chống Pháp).
Ông quên cha để đầu óc được thảnh thơi, để làm một công dân tốt, giúp ích cho đời bằng những lập luận đơn giản thậm chí dối lòng. Ông cố quên đi người cha của mình cũng vì những hoạt động chính trị của cha nhưng người đời lại nhớ. Họ nhắc nhở, thôi thúc ông phải biết trân trọng và đi tìm để trả lại những gì cao quý nhất xứng đáng với tên tuổi của cha ông.
Dù chưa một lần được đọc tác phẩm cha mình viết (lúc nhỏ chỉ có anh trai ông được làm thư ký cho cụ còn ông thì không) thế nhưng khi bước vào công cuộc tìm kiếm ông đã tìm được 5 tác phẩm nổi tiếng của cha mình: Bà chúa Nghè, Ngược đường trường thi... ở thư viện quốc gia và do sự giúp đỡ của một số học trò cũ. Cũng trên con đường tìm kiếm ấy, ông vấp phải sự phản đối từ chính những người họ hàng thân thích của gia đình ông. Họ cho rằng cái người mang tên nhà văn Nguyễn Triệu Luật là một người khác, đâu phải là cha ông mà nhận xằng.
Có người còn nói thẳng với con trai ông "anh Phong (tên con trai bác) ạ, ông Luật chẳng giỏi gì đâu nhằm ngăn cản sự tìm kiếm của ông". Đáp lại lời ấy, người con trai ông đã nói: "Đối với cha cháu, đối với chúng cháu, ông Luật luôn là người làm gương, chúng cháu luôn luôn kính phục". Thế nên, khi ông tìm kiếm, những người con của ông đã cổ vũ hết mình.
Ngoài sự giúp đỡ của con cái, ông còn nhận được sự giúp đỡ của chính những người bạn, người yêu mến nhà văn Nguyễn Triệu Luật giúp đỡ. Một người bạn trong TP.Hồ Chí Minh đã hỏi ông, ông có giữ được kỷ vật gì của cha mình không, ông trả lời không, người bạn ấy đã tặng lại ông một cuốn sách của cha ông in những năm 1940 làm kỷ niệm. Thế nhưng, trong hội thảo được tổ chức ngày 23/8 vừa qua, ông đã bị lấy mất.
Ông tâm sự: "Cuốn sách ấy là kỷ vật duy nhất từ trước đến nay tôi mà tôi có được về cha do người khác tặng cuối cùng cũng bị mất. Buồn lắm. Giờ đây tôi chỉ mong sao có thể nhanh chóng tìm lại được những tác phẩm của cha mình mà thôi. Ngoài thời gian cho gia đình, tôi cũng tìm kiếm trên mạng các tác phẩm thất lạc của ông. Mới gần đây, tôi tìm được trên mạng có người nói đang giữ 5 chiếc đĩa chứa các tác phẩm của cha tôi, tôi liền gọi điện hỏi thăm và xin mua lại với giá một triệu. Hiện tại, tôi cũng liên lạc với một số nhà nghiên cứu, nhà văn xem có ai còn giữ bản thảo hay những cuốn sách của cha tôi xuất bản những năm 30, 40 để xin và mua lại...".
Có thể nói, với ông Căn, niềm vui cuối đời của ông chính là sưu tập lại được những kỷ vật của cha mình. Bên cạnh đó, ông dự định tìm kiếm và công bố thêm những góc khuất trong cuộc đời cũng như những điều liên quan đến sự mất tích đầy bí hiểm của cha mình.
Hồng Mây - Dương Yến