Người tố giác thành.. thủ phạm?
Dù phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "trộm cắp tài sản" diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương đã bị hoãn, nhưng vẫn có một người đàn bà thấp bé với bộ quân phục chỉnh tề đi lại lặng lẽ bên hành lang như muốn tìm kiếm điều gì đó. Đó là mẹ của bị cáo Hoàng Chí Trung (SN 1984, thôn Đoài, Phú Minh, Sóc Sơn, Hà Nội). Bà Nguyễn Thị Loan là cựu chiến binh Trung đoàn 471 Lai Châu (tham gia cuộc chiến tranh biên giới năm 1979), đơn độc nuôi hai anh em Trung từ năm 1991 sau cái chết của người chồng.
Hoàng Chí Trung vốn là nhân viên tổ công vụ thuộc phòng Kỹ thuật của DAFACO. Năm 2011, DAFACO xảy ra hàng chục vụ mất trộm giày với cùng thủ đoạn rút ruột container trên đường chở hàng từ nhà máy (Đông Anh, Hà Nội) ra cảng Hải Phòng. Thủ đoạn rút ruột của bọn trộm hết sức tinh vi khi container vẫn kẹp chì, nhưng khi hàng đến tay đối tác thì đã bị mất đi rất nhiều.
Ngày 1/4/2011, DAFACO quyết định cử Hoàng Chí Trung, người bấy lâu được công ty tin tưởng vì tính thật thà, trung thực đi áp tải hàng hòng một phần kiểm tra khâu vận chuyển. Những người áp tải hàng cùng với Trung là lái xe, phụ xe của Công ty vận tải NMK (có địa chỉ quận Ngô Quyền, Hải Phòng).
Bà Loan mong sẽ "rửa oan" cho con trai bà.
Theo tường trình của Trung cũng như nội dung cơ bản trong bản cáo trạng do Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Hải Dương đưa ra, khi xe chở hàng đến địa phận xã Kim Xuyên (Kim Thành, Hải Dương) lái và phụ xe chở hàng đã đặt vấn đề móc hàng trong container. Cậy số đông, chúng thu điện thoại di động và đưa Trung vào một bãi đất trống rồi gọi đồng bọn mang dụng cụ và phương tiện đến thực hiện hành vi lấy giày trong container. Thực hiện xong mục đích, chúng yêu cầu Trung phải cầm 5 triệu đồng tiền mặt, như một điều kiện che giấu cho hành vi của chúng.
Khi chở hàng đến Hải Phòng, nhân viên cảng kiểm tra container thấy còn nguyên kẹp chì niêm phong đã nhận bàn giao hàng. Xong khi kiểm hàng, bên nhận mới phát hiện 990 đôi giày trong container (trị giá gần 550 triệu đồng) đã "bốc hơi" lúc nào không hay.
Riêng với Hoàng Chí Trung, sau khi áp tải hàng trở về, Trung đã đến công ty trình báo toàn bộ sự việc và được DAFACO tuyên dương, thưởng "nóng" 4 triệu đồng. Vụ mất trộm được trình báo cho cơ quan công an tỉnh Hải Dương. Toàn bộ quá trình điều tra, Trung luôn có mặt đúng theo triệu tập, tích cực cung cấp thông tin giúp cơ quan điều tra phá án. Không những thế, phía DAFACO còn cho Trung nghỉ làm nhưng vẫn hưởng 100% lương để đảm bảo an toàn cho người tố giác.
Bất ngờ, ngày 31/3/2012, Hoàng Chí Trung bị công an tỉnh Hải Dương bắt tạm giam với lý do Trung là đồng phạm trong vụ trộm cắp giày của DAFACO. Việc Hoàng Chí Trung bị công an tỉnh Hải Dương bắt tạm giam gần 1 năm qua là cú sốc lớn, gây hoang mang, khó khăn cho gia đình Trung. Công ty DAFACO và bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Trung) đã có nhiều đơn kêu oan và gửi các cơ quan tố tụng tỉnh Hải Dương xin bảo lãnh cho Trung được tại ngoại, chờ cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án nhưng không được chấp nhận.
Ngày 6/2/2012, công ty DAFACO đã có công văn gửi VKSND tỉnh Hải Dương xin bảo lãnh cho Trung được tại ngoại do hoàn cảnh quá khó khăn, vụ án lại có dấu hiệu oan sai. Tuy vậy, nguyện vọng chính đáng trên vẫn không được công an Hải Dương giải quyết.
Có dấu hiệu oan sai
Luật sư Tạ Quốc Cường, trưởng Văn phòng Luật sư Sự thật, phân tích: Rõ ràng, vụ án mất trộm giày nếu không có trình báo của Trung thì cơ quan điều tra công an tỉnh Hải Dương sẽ rất khó để phá án. Quá trình điều tra, Trung luôn có mặt đúng theo triệu tập, tích cực giúp công an phá án. Đó là những chi tiết đáng ra cơ quan tiến hành tố tụng phải cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội về hành vi phạm tội của Trung.
Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rõ, nếu phạm tội vì bị người khác đe dọa, cưỡng bức; Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm; Người phạm tội đã lập công chuộc tội... như trường hợp của Trung thì sẽ được quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định. Thế nhưng, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hải Dương, những tình tiết giảm nhẹ tội cho Trung vì lý do nào đó đã bị cơ quan này "gạt" đi, không đưa vào cáo trạng, gây hoài nghi cho những ai quan tâm theo dõi vụ án.
Ngoài ra, không hiểu vì lý do nào mà cả cơ quan điều tra lẫn VKSND tỉnh Hải Dương đều bỏ qua những tình tiết rất quan trọng có thể minh oan cho Trung. Trong hồ sơ vụ án đều thể hiện 990 đôi giày được một bị can tên Quân chủ mưu, chỉ đạo đàn em "móc" trong container. Hầu hết các đối tượng này là "chiến hữu" của Quân và hoàn toàn xa lạ với Trung (lần đầu tiên được đi áp tải hàng-PV). Trong tình thế bị ép buộc phải tham gia ăn cắp giày nếu không sẽ gặp nguy hiểm, sau khi áp tải hàng trở về, ngay lập tức Trung đã dũng cảm đến lãnh đạo công ty tình báo toàn bộ sự việc.
Cũng theo luật sư Cường, việc áp dựng biện pháp ngăn chặn (bắt tạm giam) với Hoàng Chí Trung trong vụ án là hoàn toàn không cần thiết, bởi trong Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định: Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Việc gia đình và phía bị hại xin bảo lãnh cho Trung mà không được xem xét cũng là điều rất khó hiểu trong vụ án này.
Trần Quyết