Con trai Trịnh Xuân Thanh đòi tài sản, vợ Nguyễn Xuân Sơn muốn nộp tiền cá nhân để “cứu” chồng

Con trai Trịnh Xuân Thanh đòi tài sản, vợ Nguyễn Xuân Sơn muốn nộp tiền cá nhân để “cứu” chồng

Phạm Thị Phương Quế

Phạm Thị Phương Quế

Thứ 2, 30/04/2018 14:00

Cùng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mong muốn dùng toàn bộ tài sản cá nhân và của bố mẹ để bồi thường, giúp chồng thoát án tử hình. Trong khi đó, con trai của bị cáo Trịnh Xuân Thanh lại kháng cáo, đề nghị được lấy lại tài sản.

Con trai Trịnh Xuân Thanh "đòi" biệt thự, xe hơi

Dự kiến ngày 7/5 tới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Sau phiên tòa sơ thẩm, có 15/22 bị cáo trong vụ án cùng một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gửi đơn kháng cáo. Trong số 15 bị cáo kháng cáo thì hầu hết đều là kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường so với các quyết định mà bản án hình sự sơ thẩm số 33/HSST ngày 22/1/2018 của TAND TP.Hà Nội đã tuyên. Duy chỉ có bị cáo Trịnh Xuân Thanh là kháng cáo kêu oan.

Theo đó, Trịnh Xuân Thanh cho rằng, bị cáo không tham gia các hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản như bản án sơ thẩm quy kết. Trên cơ sở ấy, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại cho bị cáo về cả 2 tội danh này đồng thời xem xét lại toàn bộ trách nhiệm dân sự cho bị cáo. Trước đó, tại bản án sơ thẩm của mình, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh là chung thân.

Gửi đơn kháng cáo, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, toàn diện khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo. Kết quả giám định thiệt hại của vụ án chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, dẫn đến việc HĐXX đánh giá về vai trò, trách nhiệm của bị cáo chưa phù hợp, chưa công bằng và quyết định mức hình phạt quá nghiêm khắc. Bị cáo Thăng thừa nhận, trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành tâm nhìn nhận trách nhiệm của mình với tư cách là Chủ tịch HĐTV PVN nhưng cũng chưa được HĐXX đánh giá và xem xét một cách thỏa đáng.

Bị cáo Thăng đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại tội danh, hình phạt cũng như mức độ liên đới bồi thường thiệt hại đối với bị cáo. Nguyên Chủ tịch HĐTV PVN bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cho rằng hình phạt quá nghiêm khắc, bị cáo Đinh La Thăng cũng kháng cáo đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm.

Đáng chú ý, con trai của bị cáo Trịnh Xuân Thanh là Trịnh Hùng Cường đã gửi đơn kháng cáo đề nghị được trả lại tài sản. Cụ thể, những tài sản mà Cường đề nghị được trả lại gồm có: Biệt thự số AD02-16 khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside; căn hộ số 15F05, The Costa 32-34 Trần Phú, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; xe ô tô Mazda CX5 màu trắng, biển kiểm soát 30A…

Con trai Trịnh Xuân Thanh đòi tài sản, vợ Nguyễn Xuân Sơn muốn nộp tiền cá nhân để “cứu” chồng

Luật sư Nguyễn Văn Quynh.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Văn Quynh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Đây là những tài sản mà Cường được ông bà cho từ trước khi Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT PVC thì tòa phải trả lại cho Cường”.

Theo luật sư Quynh, những hồ sơ, tài liệu về phần tài sản này đã có đầy đủ, ngay cả trong phiên tòa xét xử cũng xác định điều này. Những tài sản này bị cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra vụ án. Bản án sơ thẩm số 03/2018/HSST chưa xem xét đến nội dung này là không đảm bảo quyền lợi của anh Cường, người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án của cha là Trịnh Xuân Thanh.

Luật sư Quynh cũng đánh giá, đây đều là những tài sản có liên quan đến việc thi hành bản án của Trịnh Xuân Thanh nên Cường nộp đơn kháng cáo là đúng quy định pháp luật.

Vợ Nguyễn Xuân Sơn xin bán tài sản “giúp” chồng thoát án tử

Trong một diễn biến khác, trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm đang diễn ra, vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank đề nghị được bán tài sản cá nhân để giúp chồng khắc phục hậu quả, mong chồng thoát án tử.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị toà sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình về tội Tham ô tài sản; Chung thân về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 17 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt cho cả 3 tội danh là tử hình. Về phần trách nhiệm dân sự, bị cáo Sơn bị buộc phải bồi thường 49 tỷ đồng ở tội Tham ô tài sản; 69 tỷ đồng ở tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và liên đới bồi thường trong khoản tiền 197 tỷ đồng ở tội Cố ý làm trái.

Con trai Trịnh Xuân Thanh đòi tài sản, vợ Nguyễn Xuân Sơn muốn nộp tiền cá nhân để “cứu” chồng (Hình 2).

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng bản thân không tham ô tài sản và không chiếm đoạt tài sản nên gửi kháng cáo với hai tội danh này, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị được xem xét lại trách nhiệm dân sự về tội Cố ý làm trái…

Trình bày với HĐXX sáng 24/4, bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết, từ khi chồng bị kết tội Tham ô, gia đình bà đã tập trung toàn bộ thời gian và sức lực để kêu oan cho chồng. Bà Xuân cho rằng trong nhiều tài sản bị kê biên có tài sản chung của vợ chồng bà Xuân được hình thành từ trước thời điểm bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng giám đốc Oceanbank, song bà Xuân sẵn sàng dùng tài sản riêng hỗ trợ cho chồng khắc phục hậu quả với mong muốn chồng bà không phải nhận mức án cao nhất. Ngoài vợ, trước đó bố mẹ đẻ của bị cáo Sơn cũng có đơn xin được lấy tài sản của họ để hỗ trợ bị cáo khắc phục hậu quả.

“Đây là cơ hội duy nhất được trình bày trước tòa. Tôi nhận thấy HĐXX rất dân chủ và có niềm tin HĐXX sẽ xem xét khách quan đúng pháp luật. Tôi mong được dùng tài sản riêng hỗ trợ cho chồng, dù sống trong cảnh tù đày...”, bà Xuân cũng đề nghị được giữ lại căn nhà đang ở để nuôi mẹ già 92 tuổi.

Trước đó, bị cáo Sơn cũng đề cập xin được giữ căn nhà này vì đây là tài sản được mua bởi phần lớn tiền của mẹ vợ bị cáo. Trước đề nghị của bà Xuân, HĐXX giải thích: “Khắc phục hậu quả là tình tiết xem xét giảm nhẹ hình phạt, nhất là đối với tội Tham ô, khắc phục 3/4 tài sản sẽ được giảm từ tử hình xuống chung thân, ở giai đoạn nào thì tính đến giai đoạn đó”.

Phân tích rõ về vấn đề này, luật sư Vũ Quang Bá – công ty luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự 2015, các bị can, bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.

Điều 40 của Bộ luật Hình sự cũng xác định rằng người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản mà sau khi bị kết án chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ thì không thi hành án tử hình với họ.

“Việc vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tự nguyện khắc phục hậu quả cho chồng hoàn toàn phù hợp theo quy định của pháp luật nếu đảm bảo khắc phục 3/4 tài sản tham ô”, luật sư Bá đánh giá.

Việt Hương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.