Con trâu, một biểu tượng đặc sắc của văn hóa Việt Nam

Con trâu, một biểu tượng đặc sắc của văn hóa Việt Nam

Trịnh Thị Phương Ly

Trịnh Thị Phương Ly

Thứ 6, 12/02/2021 19:00

Tết Tân Sửu 2021, Tết con trâu đã đến, trong 12 con giáp, con trâu là con vật hiền lành, gần gũi và gắn liền với đời sống vật chất tinh thần của người dân Việt Nam.

Biểu tượng của chăm chỉ và trọng nghĩa tình

Con trâu xuất hiện và gắn bó với người nông dân Việt Nam đã từ rất lâu đời và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Con trâu là hình tượng biểu trưng cho sức khỏe dồi dào, thể hiện sự phát triển trong sản xuất nền nông nghiệp lúa nước của nước ta.

Gia đình - Con trâu, một biểu tượng đặc sắc của văn hóa Việt Nam

Con trâu được coi như là một người bạn thân thiết của mỗi gia đình nông dân Việt Nam.

Khi nhắc đến con trâu, chúng ta đều nghĩ ngay đến hình ảnh làng quê Việt Nam thanh bình yên ả. Trong nền văn minh lúa nước của đất nước Việt Nam từ hàng nghìn năm, con trâu theo người nông dân ra đồng cày ruộng. Người nông dân chăn trâu cắt cỏ, trâu đằm mình dưới nước giữa những buổi trưa hè... Vì con trâu cũng giống như người bạn gần gũi với con người đặc biệt là người nông dân. Có lẽ không ai không biết đến câu ca tình cảm này:

“Trâu ơi, ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta.

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đâu trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ ngọn lúa còn  bông

Là còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn...”

Trong quan niệm của người nông dân xưa, người ta hay ví: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” thể hiện vai trò quan trọng của con trâu đối với sản nghiệp của người nông dân. Quả thật, thời mà đồng áng còn thủ công, không có con trâu  công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngoài đồng ruộng của người nông dân xưa vô cùng khốn khó.

Trong quan niệm người trưởng thành thời xưa, các cụ thường răn dạy:

“Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà

Trong ba việc ấy, ắt là khó thay”

Ở nền văn minh lúa nước, việc tậu được một con trâu đồng nghĩa với việc có công cụ sản xuất, đây cũng là điều kiện để thành lập sự nghiệp. So với việc trọng đại là lập gia đình và làm nhà,việc “tậu trâu” muốn nói đến việc lập nghiệp phải được ưu tiên hàng đầu.

Con trâu còn là con vật gắn bó với gia đình người nông dân, xuất hiện trong hình ảnh hạnh phúc của các cặp vợ chồng nông dân xưa trong sản xuất nông nghiệp như:

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.”

Từ xa xưa, con trâu vừa là tài sản vừa là người bạn thân thiết với người nông dân, và cũng là biểu tượng của sự thành đạt. Thông qua hình ảnh con trâu, người xưa muốn nói lên việc lao động nông nghiệp vô cùng vất vả “một nắng hai sương”, đồng thời còn ca ngợi cần cù, chăm chỉ của người nông dân Việt Nam.

Những tín ngưỡng đặc sắc liên quan con trâu

Ngoài ra, dân gian Việt Nam còn có tín ngưỡng thờ trâu. Hình ảnh chiếc sừng trâu liên tưởng đến hình ảnh của mặt trăng lưỡi liềm, đó chính là một biểu tượng mà tín ngưỡng nông nghiệp Việt Nam vẫn quan niệm từ xưa tới nay. Và con trâu còn gắn liền với nhiều phong tục, lễ hội ở nước ta như chọi trâu, thi trâu, đâm trâu, tạ ơn trâu...Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) có lẽ là nổi tiếng nhất:

“Dù ai đi đâu về đâu

Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về.”

Đây là một phong tục tín ngưỡng để tạ công ơn của các vị thần và cầu mong một năm gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng thuận hòa.

Gia đình - Con trâu, một biểu tượng đặc sắc của văn hóa Việt Nam (Hình 2).

 Hình ảnh con trâu đi vào đời sống tinh thần của người dân.

Và như một lẽ tự nhiên, hình tượng con trâu đi vào nghệ thuật, trở thành đề tài, nguồn cảm hứng của văn học, điêu khắc, hội họa, điêu khắc, âm nhạc... Ở nhiều đình chùa, chúng ta cũng thấy xuất hiện nhiều tác phẩm tạc, điêu khắc, chạm khắc tượng con trâu bằng nhiều chất liệu. Ngoài tạc tượng trâu, hình tượng con trâu cũng xuất hiện nhiều trong các bức tranh dân gian đầy tinh xảo. Con trâu được thể hiện trên các dòng tranh Tết, đặc biệt là tranh Đông Hồ. Phổ biến nhất là cặp tranh “Em bé chăn trâu thả diều” và “Em bé chăn trâu thổi sáo”. Cặp tranh này đã quá quen thuộc với gia đình người nông dân nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Trao đổi với PV, PGS. TS Phạm Ngọc Trung : “Ngày nay, công nghiệp phát triển, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày một tăng nhanh, hình ảnh những cánh đồng thời trâu cày có lẽ chỉ còn lại trong ký ức. Nhưng con trâu vẫn có thể phát huy được ý nghĩa ở cuộc sống hiện đại trong cả lĩnh vực sản xuất và đời sống tinh thần. Đặc biệt với một đất nước có nền tảng của nền văn minh lúa nước, những câu hát, những câu ca dao, tục ngữ về hình ảnh con trâu sẽ chẳng bao giờ mất đi.”

THÁI PHƯƠNG

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.