Những ca từ không phù hợp cho lứa tuổi đã và đang biến các em thành những ca sĩ “già” trước tuổi. Vậy ai bắt các em phải hát những lời yêu quá sớm như thế?
Ngay từ những mùa đầu tiên lên sóng, câu chuyện về các thí sinh cố gắng lên gân, lên cốt để theo những bài hát tiếng anh hay những bài hát người lớn đã thành chủ đề gây tranh cãi. Đến mùa thứ 2, những The Voice kids, Việt Nam Idol kids,… cũng đã có những vận động để có những ca khúc phù hợp với lứa tuổi. Thế nhưng cuộc vận động không hiệu quả và sau đó khán giả lại thấy The Voice kids 2016, một cô bé hồn nhiên hát “Tàu anh qua núi” và những bài hát tây, tàu mà chính khác em không hiểu nổi mình đang hát gì.
Không những thế, trong chương trình “Gương mặt thân quen nhí” các thí sinh lại hóa thân thành các ca sĩ nổi tiếng, thậm chí phải hát đủ thứ tiếng như Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…
Mới đây nhất, việc Phương Mỹ Chi hát nhạc tình đã trở thành đề tài tranh cãi gay gắt của dư luận. Việc chàng 18 nàng 13 mà đã thả hồn trong một bản tình ca khiến nhiều người cho là không phù hợp bởi nó có thể khuyến khích trẻ yêu sớm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc Phương Mỹ Chi “phải” hát ca khúc của người lớn bởi hầu hết không có nhạc phẩm nào có liên quan đến lứa tuổi của cô bé mới 13 tuổi đầu.
Cách đây cả thập kỷ, việc xuất hiện các “thần đồng” âm nhạc hát bài hát người lớn đã gây ra phản ứng mạnh đối với xã hội. Những bé Châu, bé Lon Ton… khi ra VCD với những hình ảnh và ca từ của người lớn khiến khán giả tẩy chay. Hình ảnh hai cậu bé ở độ tuổi thiếu nhi đã hát “Trả hết cho người”, “Sao em làm ngơ”… bên dàn người mẫu uốn éo ăn mặc kiệm vải khiến người ta bất bình. Những sản phẩm âm nhạc của những cậu bé này đã hoàn toàn không được công chúng đón nhận.
Thời gian gần đây, những hình ảnh của Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường khi hát nhạc người lớn lại không khiến người ta quan tâm thậm chí còn sẵn sàng đón nhận. Thậm chí khán giả gần như mặc định rằng đó là bình thường.
Việc tranh cãi về việc sao thiếu nhi vẫn cứ phải gân cổ lên để cố theo những bài hát của người lớn gần như không có kết quả. Trên truyền hình các bé vẫn hát bolero với ca từ ủy mị bi thương, vẫn cứ opera với những ca khúc yêu cầu kỹ thuật cao hoặc hàng loạt bài nhạc nước ngoài mà ở đó các em hầu hết chỉ cover lại theo sự hướng dẫn của người lớn. Đáng lo ngại hơn khi những ca khúc mang đậm chất người lớn này của các em lại được chính các giám khảo của những cuộc thi này khen hết mình. Việc tung hứng các em lên quá cao càng khiến các em không nhận thức được đầy đủ về bản thân mình. Thậm chí còn tự cho mình, hát nhạc người lớn là… đẳng cấp.
Thế nên, việc các em nhỏ bây giờ mà hát "Con cò be bé", "Bắc kim thang" hay "Chú ếch con" xem chừng là cực hiếm nhưng nếu đi thi mà hát những bài này thì chắc chắn trượt.
Đối với các sân chơi mà tính thương mại và giải trí được đặt lên hàng đầu của game show như hiện nay thì khó mà đòi hỏi những chương trình vì sự phát triển của cộng đồng theo đúng nghĩa được. Những bài hát người lớn lại được các giám khảo khen hết lời vẫn xảy ra mỗi tối vào dịp cuối tuần. Có lẽ, việc nhạc sĩ Thanh Bùi tuyên bố anh không bao giờ tham gia các chương trình tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em nữa vì không còn tin những chương đó mang đến điều tích cực cho xã hội phải chăng cũng xuất phát từ việc trẻ em chỉ là đối tượng giải trí của người lớn mà thôi.
Cũng chính vì thế, những cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí trên truyền hình rất nhiều nhưng sau đó số phận âm nhạc của những tài năng này ra sao hầu hết không nhà sản xuất nào để ý nữa. Còn trẻ con hát nhạc thiếu nhi hay người lớn và có tác động ra sao họ cũng không quan tâm nữa. Có lẽ đã đến lúc những nhà làm quản lý văn hóa cũng cần nhìn nhận vấn đề này một cách ổn thỏa hơn.
Trần Phương
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết