'Còn tư duy nhiệm kỳ, còn tồn tại lãng phí'

'Còn tư duy nhiệm kỳ, còn tồn tại lãng phí'

Thứ 3, 02/04/2013 07:30

Một số người tranh thủ trong nhiệm kỳ của mình có được một số dự án triển khai để kiếm được ít lợi lộc trong đó, còn hậu quả để cho nhiệm kỳ sau chịu. Đây là tồn tại, bức xúc trong xã hội mà tới đây sửa luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng phải đề cập cụ thể chế tài.

Nhìn nhận thực tế lãng phí hiện nay, nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông khẳng định: Tôi cho rằng lãng phí nhiều nhất hiện nay có ở trong quy hoạch, đầu tư dàn trải, chưa sát thực tế. Nhiều công trình xây dựng khi thực hiện phải điều chỉnh dẫn đến lãng phí. Nhiều hạng mục, dự án triển khai nhưng không hợp lý lại thay đổi. Sự dàn trải trong đầu tư hiện nay thể hiện rõ, ở tỉnh nào cũng có công trình như nhau như sân bay, cảng biển, khu công nghiệp... làm phân tán nguồn lực.

Hơn nữa, những hạng mục này không rút ngắn thời gian thi công để đưa vào sử dụng nên nguồn vốn bị đọng trong những công trình dở dang. Nếu công trình nào thi công nhanh, đảm bảo chất lượng, ví dụ nhà máy thuỷ điện Sơn La, tập trung thi công rút ngắn thời gian thi công 2 năm thì có lợi hàng tỷ USD.

Đó là bài học tốt có thể rút ra cho những dự án khác. Nhưng một thực tế hiện nay, nhiều công trình thi công dở dang, kéo dài hàng chục năm là lãng phí rất lớn trong quá trình quy hoạch mà chúng ta chưa khắc phục được.

Xã hội - 'Còn tư duy nhiệm kỳ, còn tồn tại lãng phí'

Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông.

Theo ông liệu có "lợi ích nhóm" chi phối trong việc quy hoạch, đầu tư và  có chuyện "nỗ lực" gây lãng phí không?

Trong thi công, triển khai các dự án có nhóm lợi ích chi phối nên nhóm thiết kế "vẽ ra" những dự toán với khối lượng lớn, nhằm đội kinh phí lên. Cũng dự án ấy, nếu tư nhân thiết kế thì chi phí tiết kiệm hơn nhiều, nhưng của Nhà nước tính hệ số an toàn rất cao, dẫn đến tổng dự toán kinh phí lớn. Và những người thiết kế, thi công sẽ bớt xén ở trong đó. Đấy cũng là những lãng phí mà chúng ta dễ dàng nhận thấy, nhưng khó thay đổi. Thêm vào đó, quá trình thi công, chủ dự án cũng thông đồng với nhà thiết kế, giám sát để có những  thiết kế, thẩm định không chính xác để từ đó có cơ hội rút ruột công trình, hoặc có những thủ thuật để bớt xén nguồn tài chính của Nhà nước. Đây là mầm mống của tiêu cực, tham nhũng, xuất phát từ đầu tư xây dựng cơ bản mà dư luận đã nói đến nhiều.

Vậy, thưa ông, tại sao chúng ta không để tư nhân tham gia vào những dự án quan trọng, do tiềm lực kinh tế hay vì lý do nào khác?

Công trình do tư nhân quản lý, công tác tiết kiệm chúng ta không thể phê phán. Vì đồng tiền họ bỏ ra nên tất cả các khâu họ quản lý, giám sát rất tốt. Nhưng với các công trình của Nhà nước luôn có sự vẽ vời đủ thứ để xin kinh phí. Thậm chí tiền bôi trơn, chạy để có dự án, công trình tất cả được tính vào kinh phí nên tổng kinh phí lớn. Người ta tạo ra một số các hạng mục không cần thiết để tăng quyết toán nhưng thực tế lại sử dụng đến.

Gần đây, dư luận nói nhiều đến các công trình lãng phí như xây dựng cầu cảng ở khắp nơi, sân vận động xây dựng một năm có hai trận đấu vừa khánh thành xong đã đập bỏ, nhà máy nước sạch đầu tư lớn nhưng chỉ để... nuôi gà. Vậy trách nhiệm của những người thẩm định, phê duyệt dự án này như thế nào?

Lâu nay, chúng ta chưa có chế tài để xử lý việc lãng phí. Chính quy định của pháp luật chưa đầy đủ, chưa nghiêm nên mới sinh ra lãng phí lớn. Nếu như trong luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí có đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu quyết định dự án, công trình nếu khi triển khai không đạt được như dự tính ban đầu, không đạt hiệu quả phải quy trách nhiệm cụ thể cho người có liên quan. Trong luật không quy định chế tài đó, nên nó tạo điều kiện cho những người thuộc "nhóm lợi ích" chỉ cần dự án triển khai họ sẽ có hoa hồng, phần trăm. Họ không quan tâm đến hiệu quả của công trình, dự án. Thậm chí có lãng phí, công trình không đưa vào sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả thì những người liên quan sẽ đổ thừa tại những nguyên nhân khách quan để trốn tránh trách nhiệm. Rõ ràng, chúng ta còn đang thiếu việc đề cao trách nhiệm cá nhân, chưa có chế tài xử lý nên không có tính chất răn đe, ngăn chặn. Điều này, tạo ra tâm lý lây lan cho những công trình, dự án khác đi vào vết xe đổ lãng phí mà không bị xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Còn tư duy nhiệm kỳ thì còn phải xử lý hậu quả

Đó cũng là thực tế. Một số người tranh thủ trong nhiệm kỳ của mình có được một số dự án triển khai để kiếm được ít lợi lộc trong đó, còn hậu quả để cho nhiệm kỳ sau chịu. Đây là tồn tại, bức xúc trong xã hội mà tới đây sửa luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng phải đề cập cụ thể chế tài, xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp trình bày dự án tốt đẹp để tranh thủ sự thông qua và trong thực tế dự án đổ, không hiệu quả thì phải chịu trách nhiệm. Cá nhân, tổ chức triển khai dự án phải có cam kết nếu không hiệu quả, hiệu quả thấp phải chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào chứ không thể chung chung như hiện nay. Nghĩa là chúng ta sẽ đề cao trách nhiệm cá nhân trong từng dự án, công trình được đầu tư và thực hiện đúng cam kết đó. Điều này sẽ tránh được những dự án ma, những dự án có con số rất đẹp không khả thi trong thực tế nhưng vì "lợi ích nhóm", trục lợi người ta vẫn hăng hái thực hiện. Khi đổ vỡ thì nhà nước chịu, hậu quả thì nhiệm kỳ sau gánh vác là điều không thể chấp nhận được. Việc đề cao trách nhiệm, cam kết cá nhân sẽ từng bước đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí.

Minh Khánh (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.