Học sinh tự hủy hoại bản thân
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã gặp bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phó Trưởng khoa khám bệnh trẻ em thuộc bênh viện tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh. Theo bác sĩ Minh, không chỉ người lớn mới tìm đến bệnh viện mà ngày càng nhiều em ở lứa tuổi học sinh đến khám và điều trị.
Ở tuổi của các em, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến tâm thần. Tuy nhiên, lứa tuổi nguy hiểm, dễ bị tác động nhất là ở các em từ 4 đến 7 tuổi và các em từ 10 đến 14 tuổi. Các bệnh có liên quan đến tâm thần cũng có nhiều dạng khác nhau. Từ chứng động kinh, rối loạn phát triển, tự kỉ ở các em nhỏ cho đến rối loạn cảm xúc, lo âu, ám ảnh ở các em lớn tuổi hơn.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phó Trưởng khoa khám trẻ em
Cũng theo bác sĩ Minh, ông từng khám cho trường hợp em N.T.N, mới 9 tuổi là học sinh lớp 4 một trường thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt 4 năm học em đều là học sinh giỏi và là một lớp trưởng gương mẫu. Tuy nhiên học kỳ II năm lớp 4 do chưa hoàn thành một số việc của lớp mà cô giáo chủ nhiệm giao, N đã bị cô giáo mắng mỏ trước mặt toàn thể các bạn trong lớp.
Do xấu hổ, N càng ngày càng học kém và thường xuyên bị cô giáo mắng hơn. Đã có lúc N đã nói với bố mẹ muốn nghỉ học, nhưng nghĩ chuyện trẻ con nên bố mẹ chỉ la mắng rồi không để ý. Mỗi lần đến lớp là một cực hình nên N đã tự ý trốn học để không bị cô giáo mắng.
Sau một vài lần N bỏ học thì cô giáo đã thông báo về gia đình. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân, bố N chỉ biết đánh đòn vì cho rằng N lười biếng học tập. Không còn lối thoát, N đã uống thuốc chuột để tử tử, may gia đình phát hiện kịp thời nên N đã được cứu sống. Chỉ đến khi N tìm đến cái chết thì gia đình mới bừng tỉnh và đưa em đến khoa khám bệnh thuộc bệnh viện tâm thần để được tư vấn.<