Công an Bà Rịa - Vũng Tàu cảnh báo thủ đoạn dùng trạm phát sóng giả để lừa đảo

Công an Bà Rịa - Vũng Tàu cảnh báo thủ đoạn dùng trạm phát sóng giả để lừa đảo

Thứ 5, 05/09/2024 07:30

Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa phát hiện, ngăn chặn vụ việc một đối tượng người nước ngoài sử dụng các thiết bị điện tử viễn thông, công nghệ thông tin nhằm lừa người dùng truy cập vào những đường dẫn độc hại, hướng dẫn cài đặt phần mềm nguy hiểm với mục đích lừa đảo.

Sử dụng trạm thu phát sóng di động giả phát tán tin nhắn rác, lừa đảo

Ngày 4/9, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa phát đi cảnh báo thủ đoạn các đối tượng sử dụng thiết bị điện tử viễn thông, công nghệ thông tin để tạo trạm thu phát sóng di động (BTS) giả nhằm mục đích lừa đảo.

Theo Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mới đây các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn thành công hoạt động của các đối tượng sử dụng BTS giả, thiết bị Modem GSM bất hợp pháp xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thủ đoạn của các đối tượng là phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, nhằm lừa người dùng truy cập vào những đường dẫn độc hại, thu thập thông tin người dùng, cài đặt phần mềm nguy hiểm...

Cụ thể, vào ngày 8/8 vừa qua, nhận được tin báo có dấu hiệu của hoạt động sử dụng BTS giả phát tán tin nhắn trên địa bàn Tp.Vũng Tàu, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với các cơ quan chức năng và Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thiết bị kỹ thuật hiện đại, huy động các lực lượng có liên quan tổ chức theo dõi, giám sát và truy vết hoạt động trên.

Công an Bà Rịa - Vũng Tàu cảnh báo thủ đoạn dùng trạm phát sóng giả để lừa đảo- Ảnh 1.

Lực lượng công an phát hiện bộ thiết bị BTS giả trên xe ô tô của đối tượng Z.Z. (Ảnh: Công an cung cấp).

Cùng ngày, tại khu vực đường Thùy Vân (phường Thắng Tam, Tp.Vũng Tàu), các lực lượng chức năng đã bắt quả tang đối tượng Z.Z. (SN 1980, quốc tịch Trung Quốc, tạm trú tại Tp.Vũng Tàu) đang sử dụng bộ thiết bị BTS giả, đặt trên một xe ô tô loại 7 chỗ liên tục di chuyển, để xâm nhập mạng viễn thông bất hợp pháp, phát tán tin nhắn quảng cáo, lừa đảo.

Qua công tác đấu tranh, bước đầu cơ quan chức năng xác định, lợi dụng cơ chế bảo mật yếu của mạng 2G (GSM), cùng cơ chế hoạt động của các thiết bị đầu cuối hoặc điện thoại di động là luôn kết nối đến trạm có sóng mạnh nhất, các đối tượng đã sử dụng thiết bị trạm BTS giả với phần mềm điều khiển có thể phủ sóng trong khoảng 2km, làm nhiễu tín hiệu 3G, 4G xung quanh trạm BTS của các nhà mạng.

Từ đó, sử dụng sóng công suất lớn để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo tới người dùng nhằm mục đích xấu. Khi điện thoại nằm trong phạm vi ảnh hưởng, người dùng có thể nhận được tin nhắn mạo danh, dẫn dắt họ truy cập vào những đường dẫn độc hại nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân hoặc lừa người dùng cài đặt phần mềm nguy hiểm.

Theo cơ quan công an, thiết bị giả mạo trạm BTS mà đối tượng sử dụng là chủng loại mới, công nghệ cao, nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt và hóa trang tinh vi trên xe ô tô. Đồng thời, đối tượng cũng thiết lập trạm BTS giả ở chế độ bật - tắt ngắt quãng, thường xuyên di chuyển không có quy luật qua nhiều tuyến đường nhằm tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Công an Bà Rịa - Vũng Tàu cảnh báo thủ đoạn dùng trạm phát sóng giả để lừa đảo- Ảnh 2.

Tin nhắn nhằm mục đích lừa đảo được phát ra từ bộ thiết bị BTS giả. (Ảnh: Công an cung cấp).

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an Tp.Vũng Tàu đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Z.Z. để điều tra về hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự.

Những khuyến cáo dành cho người dân

Trước thủ đoạn lừa đảo mới như trên, nhằm chủ động phòng ngừa, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo người dân tuyệt đối không mở các đường liên kết khi nhận được các tin nhắn lạ, không rõ nguồn gốc, không đăng nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này.

Kiểm tra kỹ nội dung khi nhận được tin nhắn từ các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các tin nhắn gây chú ý (trúng thưởng, cảnh báo, khuyến mãi...). Không click vào các đường dẫn có dấu hiệu đáng ngờ, kiểm tra kỹ tên miền trang web trước khi đăng nhập thông tin tài khoản.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP với bất kỳ ai. Khi nhận được các tin nhắn có dấu hiệu bất thường, phải liên lạc ngay với đơn vị chủ quản của nhãn hàng hoặc thương hiệu để xác thực thông tin.

Cài đặt lại mật khẩu các tài khoản cá nhân trong trường hợp bị đánh cắp thông tin hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử và cảnh báo cho bạn bè, người thân về hình thức lừa đảo mà mình đã hoặc đang gặp phải.

Khi phát hiện nhận được tin nhắn rác, giả mạo trên thiết bị điện tử cá nhân của mình, nhanh chóng thông báo cho công an địa phương để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.

Đồng thời lưu lại tất cả thông tin như: lịch sử trò chuyện, các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội liên quan, sao kê giao dịch ngân hàng và cung cấp cho cơ quan công an khi trình báo.

Gio Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.