Mới đây, cử tri tại quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng đã có kiến nghị, cơ quan chức năng của thành phố cần có các giải pháp hữu hiệu để sớm phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký hợp đồng vay tài sản, như trường hợp của Công ty TNHH một thành viên Tư vấn đầu tư GFDI tại Đà Nẵng vừa qua.

Công an làm việc tại Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh của Công ty TNHH một thành viên Tư vấn đầu tư GFDI.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Đà Nẵng đã có phản hồi về ý kiến cử tri này. Theo đó, qua quá trình điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, do Nguyễn Quang Hoàng (SN 1988, ngụ quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) và đồng bọn thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng nhận thấy thủ đoạn của các đối tượng là lợi dung tâm lý ham lời của người dân, đưa ra các mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng để người dân đồng ý đầu tư, ký hợp đồng vay tài sản. Từ đó, các đối tượng chiếm đoạt số tiền hơn 3.700 tỷ đồng của hơn 7.500 khách hàng.
Qua vụ án này, để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo với phương thức, thủ đoạn tương tự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng khuyến cáo các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Tư pháp... cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân về những rủi ro khi tham gia vào các hình thức huy động vốn với hứa hẹn lãi suất cao.
Đồng thời, các cơ quan này cũng cần nâng cao công tác quản lý, thực hiện kiểm tra chặt chẽ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và huy động vốn từ người dân với lãi suất cao mà không có mô hình kinh doanh rõ ràng, không công khai các số liệu tài chính, nhằm đánh giá và cảnh báo người dân.
Người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin pháp lý và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tư vấn đầu tư; xem xét cẩn trọng các lời mời gọi đầu tư hoặc gửi tiền dưới hình thức ký hợp đồng hợp tác đầu tư hay hợp đồng vay tài sản với cam kết lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng, nhưng doanh nghiệp lại không cung cấp thông tin rõ ràng về mục đích sử dụng nguồn vốn huy động, các số liệu tài chính không minh bạch hoặc không công khai khi được yêu cầu.
Khi phát hiện các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân hoạt động theo mô hình này, người dân cần kịp thời phản ánh tới các cơ quan nhà nước để có biện pháp quản lý, ngừng hành vi vi phạm và giảm thiểu thiệt hại cho người dân và xã hội.
Trước đó, Người Đưa Tin đã thông tin Công ty GFDI được thành lập năm 2018, có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, đăng ký kinh doanh ngành tư vấn quản lý và tư vấn đầu tư, nhưng không bao gồm hoạt động đầu tư chứng khoán. Công ty đặt hội sở tại TP.Đà Nẵng và mở thêm 12 chi nhánh ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Nguyễn Quang Hoàng và đồng phạm đã lừa đảo hơn 3.700 tỷ đồng của hơn 7.500 khách hàng.
Từ tháng 5/2018, GFDI đã tiến hành huy động vốn trái phép thông qua việc ký hợp đồng vay tiền với khách hàng, cam kết đầu tư vào các dự án có khả năng sinh lời cao như nhà hàng, sản xuất hàng tiêu dùng, thương mại… Để tạo niềm tin, công ty liên tục quảng cáo, xuất bản ấn phẩm và đưa ra mức lãi suất cao vượt trội so với ngân hàng, từ 1,5% đến 3,5%/tháng, tùy gói thời gian.
Tuy nhiên, thay vì sử dụng vốn đúng mục đích, Hoàng và các đồng phạm đã dùng tiền của khách hàng để chi trả lãi cho các hợp đồng đến hạn và phục vụ hoạt động kêu gọi vốn. Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Hoàng cùng các đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 3.700 tỷ đồng từ 7.500 khách hàng.
Nếu bị các đối tượng trong vụ án này chiếm đoạt tiền, người dân cần trình báo với cơ quan điều tra có thẩm quyền, cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ toàn bộ vụ án và xử lý theo quy định pháp luật.