Đại tá Phạm Văn Chình cho biết: Từ năm 2001-2002, lực lượng công an đã mở nhiều chiến dịch cao điểm tấn công, xác lập được nhiều chuyên án nên chúng ta mới có thể vớt được những "mẻ cá lớn". Tuy vậy, tôi cho rằng tính chất nguy hiểm của tội phạm túy chắc chắn sẽ ngày càng phức tạp hơn trước. Hầu hết các đối tượng buôn bán ma túy đều trang bị cho mình vũ khí nóng. Cùng với tâm lý bị bắt là bị tử hình nên chúng thường điên cuồng chống trả, một mất một còn với lực lượng chức năng, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay. Chúng là những tên tội phạm nguy hiểm, thường có tiền án tiền sự, bị truy nã hoặc bị AIDS giai đoạn cuối nên tỏ ra liều chết khi bị truy bắt.
Đại tá Phạm Văn Chình.
Về việc sử dụng vũ khí, tội phạm có thể dễ dàng mua được một món vũ khí trôi nổi trên thị trường, đặc biệt ở các vùng biên giới với giá rất rẻ, chỉ 5-10 triệu đồng. Chính vì vậy mà tình hình tàng trữ, sử dụng vũ khí, nhất là súng săn trong thời gian qua rất phức tạp.
Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công vụ hỗ trợ, có hiệu lực từ 1/1/2012, có một điểm mới là cấm tất cả nhân dân không được sử dụng vũ khí quân dụng kể cả súng săn; đồng thời quy định 7 trường hợp cơ quan chức năng được sử dụng súng trong khi làm nhiệm vụ mà không phải chịu trách nhiệm. Hy vọng pháp lệnh mới sẽ giúp việc quản lý vũ khí trở nên chặt chẽ hơn, cơ quan chức năng mạnh dạn hơn trong sử dụng vũ khí tấn công tội phạm.
Về vấn đề hiện lực lượng chức năng vẫn chưa thể đột kích, tiêu diệt "thung lũng ma túy" Loóng Luông (Sơn La) và "lô cốt" Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình), đại tá Phạm Văn Trình phân tích: Việc thâm nhập vào các điểm nóng này không đơn giản. Bởi các bản làng bản nói trên thường nằm ở thung lũng hoặc trên một quả đồi và chỉ có một con đường độc đạo đi vào. Bất kỳ người lạ nào xuất hiện ở đây sẽ nhanh chóng bị phát hiện. Đi ít người sẽ vô cùng nguy hiểm, còn tổ chức đột kích quy mô lớn thì rất dễ bị lộ. Vì vậy, có thể nói lâu nay, gần như không bắt được một đối tượng nào ngay trong bản. Vụ Tạ Văn Hùng vận chuyển 100 bánh heroin mới đây, cũng phát hiện mua bán ma túy từ Pà Cò-Loóng Luông, nhưng sau khi tính toán mọi đường đi nước bước, lực lượng chức năng quyết định đón lõng trên Quốc lộ số 6.
Vì vậy, ngoài việc thực hiện một phương án được đặt ra từ nhiều năm trước đây, năm 2012, C47 đã phối hợp với bộ đội biên phòng thực hiện kế hoạch ngăn chặn ma túy từ Lào vào Việt Nam qua biên giới Xốp Bâu. Cụ thể là vận động, cảm hóa, thuyết phục nhân dân từ bỏ trồng cây thuốc phiện; không sử dụng mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng; phát động sâu rộng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc để nhân dân tự nguyện tham gia tố giác tội phạm.
Qua đợt phát động này, nhân dân đã phát giác hàng ngàn đối tượng nghi nghiện, nghi mua bán ma túy, nghi tàng trữ vũ khí vũ khí quân dụng. Trên cở sở đó, các lực lượng chức năng tích cực đấu tranh, bắt giữ các đối tượng. Trong thời gian qua, nhiều tên tội phạm ma túy nguy hiểm đã sa lưới pháp luật.
Minh Lý (thực hiện)