"Nhưng chỉ là người bệnh ở nơi xa đến, chứ người trong vùng chẳng mấy khi tìm đến thầy Thưởng. Y học hiện đại đã bó tay thì sao một sinh viên ngành học kỹ thuật lại có thể chữa bệnh được?” - bà Nguyễn Thị Hoài, người dân thị trấn Liễu Đề (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của chàng thanh niên Trần Văn Thưởng - 21 tuổi, ở thôn Đông, thị trấn Liễu Đề hơn 1 năm nay tự nhận mình là “thần y”, có khả năng chữa bệnh và tìm mộ liệt sĩ.
Thần y Thưởng đang ra tay chữa bệnh.
Mẹ “thần y” tâng bốc con trai
Chủ một quán nước ven đường ở thị trấn Liễu Đề hồ hởi chỉ cho chúng tôi đường vào nhà “thầy Thưởng” một cách rành mạch. Theo chị, hằng ngày có cả chục người hỏi đường vào nhà thầy Thưởng để chữa bệnh. “Không biết họ nghe thấy ở đâu thông tin thầy Thưởng chữa được bệnh câm điếc bẩm sinh bằng cách tát, vả vào mồm bệnh nhân nên đã tìm đến đây. Toàn là người ở Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa…
Thầy Thưởng năm nay mới ngoài 20 tuổi, trắng trẻo, đẹp trai, vốn là sinh viên một trường cao đẳng ở Nam Định. Nhưng đang học năm thứ nhất thì thầy Thưởng tự nhận mình có khả năng ngoại cảm, rồi nói là ''thánh cho ăn lộc'' nên bắt không cho học tiếp mà phải về nhà lập điện, chữa bệnh cứu người miễn phí”, chị kể.
Căn nhà 3 tầng đang bề bộn vôi vữa chưa xây xong chính là nơi “thần y” Trần Văn Thưởng ở, còn căn buồng ba gian bên dưới mới chính là nơi để cho “thầy” Thưởng hằng ngày “chữa bệnh cứu người”. Thấy có người lạ đến, một người phụ nữ trong nhà bước ra ân cần nói chuyện: “Cậu - thầy Thưởng vừa chữa cho một đoàn khách mấy chục người ở nơi xa đến, mãi từ 5h sáng đến tận 1h chiều mới xong. Vừa ăn được bát cơm, đi nghỉ thì cháu tới”.
Trong câu chuyện, được biết bà là Phạm Thị Thắm - mẹ của “thần y” Trần Văn Thưởng. Trong suốt câu chuyện kể, bà Thắm một điều gọi con mình là “cậu”, hai điều gọi con mình là “thầy”…
Theo lời bà Thắm, Thưởng là người con thứ năm trong gia đình có 6 người con. Do bố mất sớm nên Thưởng từ nhỏ đã có ý thức học hành, chăm sóc gia đình. Đến khi thi đỗ vào một trường cao đẳng thì cũng là lúc Thưởng có những biểu hiện lạ khi lên lớp liên tục ngủ gật, nói năng lảm nhảm, tự xưng mình có khả năng ngoại cảm, nói chuyện được với người ở “thế giới bên kia”. Vì thế mà học lực của Thưởng giảm sút, không thể theo học được nữa, Thưởng đã xin thôi học và về nhà mở điện chữa bệnh cứu người.
Bà Thắm còn cho biết, trong 6 người con thì Thưởng là người “đặc biệt nhất”, từ bé đã có những biểu hiện “khác người”, khi “chỉ có mỗi chỏm tóc ở trên đầu, nhà nghèo không có gì ăn nhưng to béo, bụ bẫm, khiến nhiều người trong xóm phải gọi Thưởng là Lỗ Trí Thâm”.
“Cách chữa bệnh của cậu Thưởng cũng không giống bất cứ vị thầy thuốc nào, khi chỉ dùng công năng của mình để chữa bệnh. Với những người bị bệnh câm điếc, thầy Thưởng bảo họ thè lưỡi rồi thò tay vào rút lưỡi ra, sau đó vả vào miệng. Sau mấy lần như thế thì người bệnh tự khắc sẽ có biến chuyển và nói được từ những câu đơn giản đến phức tạp.
Mỗi người bệnh đến chữa đều có lộ trình chữa bệnh riêng, không phải ở lại lâu ngày cho phiền hà phức tạp. Nhiều người đã đi chữa trị nhiều nơi, khắp các bệnh viện lớn nhỏ trên trung ương cũng không khỏi, nhưng khi về đây, chỉ mất có mấy hôm làm như thế là đã đỡ và có thể nói được” - bà Thắm nói. “Ngoài việc dùng khả năng ngoại cảm chữa bệnh cứu người thì cậu Thưởng còn có khả năng nói chuyện với người âm, đi tìm mộ liệt sĩ.
Hằng năm, cậu đều dành ra hơn 1 tháng vào trong miền Nam để đi tìm mộ liệt sĩ. Không chỉ chữa bệnh câm điếc mà những bệnh như đau xương, gai đốt cột sống, trẻ em ra mồ hôi trộm..., cậu cũng đều chữa được”.
Gặp gỡ nạn nhân của “thần y”
Để tìm hiểu rõ hơn về khả năng chữa bệnh của “thần y” Trần Văn Thưởng, tôi tìm đến những người bệnh đã từng được vị “thần y” này chữa trị thì đều nhận được cái “lắc đầu”, họ cho rằng đó chỉ là sự lừa gạt.
Ông Phạm Văn Bính - trú tại xã Nam Thái (Nam Trực, Nam Định) - có người con trai gần 30 tuổi nhưng bị câm điếc bẩm sinh. Ông Bính đã đưa con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ trong cả nước để chữa bệnh, nhưng vẫn không thuyên giảm. Đến đầu năm 2013, nghe tin thầy Thưởng có khả năng chữa được bệnh câm điếc, ông đã đưa con trai xuống chữa.
“Khi xuống tới nơi, tôi thấy nhiều người đang ngồi chật kín nhà. Trong nhà thầy Thưởng không có điện thờ mà chỉ là một cái bàn thờ nho nhỏ, những người bệnh ngồi xung quanh, thầy Thưởng ngồi giữa. Thầy Thưởng thắp nén hương lên hai ban thờ, bắt đầu làm việc buổi sáng. Hầu hết những người đến đây đều không dám dùng bất cứ loại thuốc nào và cũng không dám hỏi thầy Thưởng về tình trạng bệnh của bản thân, chiều hướng tiến triển vì sợ làm thầy phật lòng.
Phải chờ từ sáng sớm đến gần trưa mới đến lượt thầy tiếp mình. Ban đầu, thầy Thưởng cũng hỏi qua về bệnh tình rồi quá trình chữa bệnh. Sau đó, thầy Thưởng gật gù đồng ý chữa khỏi 100% sau 5 lần bấm huyệt, rút lưỡi. Nhưng sau 5 lần bấm huyệt, mỗi lần chữa tôi đều cảm tạ cho thầy Thưởng 500.000 đồng, con tôi bị rút lưỡi, chịu những cái vả đau điếng người từ thầy Thưởng mà bệnh vẫn hoàn bệnh”.
Một trường hợp khác là bà Phạm Thị Hòa - 57 tuổi, ở ngay thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng, Nam Định) cũng đã đến nhà thầy Thưởng chữa bệnh đau cột sống. Bà Hòa cho biết: “Do hồi còn trẻ gánh nặng nhiều nên mấy năm qua bị đau cột sống, đã uống nhiều loại thuốc tốn cả mấy chục triệu đồng, nhưng cứ mỗi khi trái gió trở trời lại đau.
Các bác sĩ ở bệnh viện trung ương cũng khuyên tôi chỉ nên tập luyện, đồng thời ăn uống những thứ bổ xương để bệnh tình thuyên giảm chứ không thể chữa khỏi. Giữa năm 2012, tôi đã tìm đến thầy Thưởng. Thầy Thưởng khẳng định là sẽ chữa khỏi nên tuần 3 lần đến chữa, nhưng suốt 4 tháng bệnh tình không thuyên giảm nên không chữa nữa. Nói là miễn phí nhưng chẳng ai đến chữa không cả, mỗi lần tôi đến chữa bệnh cũng mất 100.000 đồng tiền bồi dưỡng cho thầy. Tính ra sau 4 tháng chữa bệnh cũng mất hơn 5 triệu”.
Chính quyền nói gì?
Ông Trần Văn Khoan -trưởng thôn Đông, nhà ở ngay đằng sau nhà “thần y” Thưởng - cho biết: “Anh Thưởng trước đây là sinh viên, khả năng học tập cũng bình thường. Việc vào trường cao đẳng học thực chất cũng là “vé vớt”, nhiều người trong vùng cũng có giấy triệu tập học của trường ấy nhưng từ chối không đi. Thời gian đầu, có rất nhiều người tìm đến nhà anh Thưởng để chữa bệnh, nhưng dần dần cũng ít đi. Người bệnh chủ yếu đều là ở nơi xa nghe tiếng hoặc có người giới thiệu mà đến, chứ trong vùng không có ai đến nhà Thưởng để nhờ chữa bệnh cả”.
Theo ông Khoan, lý do mà những người trong thôn không đến là vì họ không tin vào khả năng chữa bệnh của vị “thần y” này. “Những người trong thôn chứng kiến Thưởng lớn lên từ nhỏ, thấy Thưởng là người bình thường, nay tự nhận có khả năng ngoại cảm chữa bệnh cứu người thì ai cũng bất ngờ. Cách chữa bệnh không dùng thuốc mà dùng công năng cũng là điều khó hiểu, nhất là Thưởng chưa được học qua trường lớp y dược nào nên càng không thể tin được”, ông Khoan nói.
Mang câu chuyện của “thần y” Trần Văn Thưởng đến UBND thị trấn Liễu Đề để tìm hiểu rõ thực hư, ông Nguyễn Văn Đam – phó trưởng Công an thị trấn Liễu Đề - cho biết: “Trường hợp anh Trần Văn Thưởng tự nhận mình có khả năng ngoại cảm chữa bệnh cứu người thì chính quyền địa bàn đã nắm rõ. Tháng 4/2012, chính quyền thị trấn Liễu Đề đã mới anh Thưởng cùng gia đình lên làm việc, yêu cầu chấm dứt việc hành nghề mang tính chất mê tín dị đoan.
Ngoài ra, anh Thưởng cũng không được Sở Y tế Nam Định cấp giấy phép hành nghề y chữa bệnh, bản thân cũng chưa trải qua trường lớp nào về y dược, nên chắc chắn không thể có khả năng chữa bệnh. Nhiều người vì quá cả tin cũng như tuyệt vọng về bệnh tật của mình và người thân mà tìm đến. Tuy nhiên, chưa có trường hợp người nhà bệnh nhân đến gây náo loạn tại địa bàn vì không chữa khỏi bệnh”.
Ông Đam cho biết thêm: “Ngay sau khi nắm bắt được tình hình, Công an huyện Nghĩa Hưng cũng đã cử người theo sát tình hình nhà anh Thưởng, nếu có bất cứ thông tin gì cũng phải báo cáo với chính quyền. Việc xử phạt Thưởng cũng rất khó, vì không thấy có dấu hiệu bán thuốc, trong nhà cũng không có điện thờ nên không thể có bằng chứng để xử phạt. Chúng tôi đã đề ra phương án, nếu có thấy biểu hiện bán thuốc thì sẽ đưa mẫu thuốc đó đi kiểm tra để có đầy đủ chứng cớ, đầy đủ thông tin mới có kết luận cuối cùng”.
Theo Lao động