Nhiều ngày qua, trước những thiệt hại nặng nề mà cơn bão lịch sử gây ra cho miền Trung, hàng trăm, hàng ngàn tổ chức, cá nhân đã chung tay cùng đồng bào vượt qua cơn cùng cực bằng cách cứu trợ các nhu yếu phẩm cần thiết và tiền mặt. Thế nhưng, tiền cầm chưa ấm tay, hàng nhận chưa kịp bóc, trong 2 ngày 24-25/10, người dân ở các thôn thuộc xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) đã bị cán bộ thôn thu lại tiền sau đó được chia lại với mức thấp hơn số tiền cứu trợ rất nhiều.
Theo ông Lê Văn Luận – phó thôn Trung Thôn, lý do làm vậy là để chia lại cho những hộ dân khác cũng bị thiệt hại trong thôn chứ không đút túi làm của riêng. Trước mắt hãy cứ cho rằng việc làm của các cán bộ xã là vì dân, không chút tư hữu nào. Nhưng xin hỏi, tại sao các ông lại nhầm lẫn khái niệm công bằng với bình đẳng?
Bình đẳng là sự ngang bằng với nhau trong một lĩnh vực nào đó, tức là không phân biệt nam, nữ, già, trẻ,... tất cả đều được hưởng lợi ích theo kiểu cào bằng. Trong khi đó, công bằng lại chỉ mối quan hệ giữa cống hiến, điều kiện,... và sự hưởng thụ, tức là người làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.
Bởi thế, không có người già nào đề huề con cháu, đầy đủ vật chất lại so bì với những người già neo đơn khi họ được hưởng trợ cấp. Chẳng có đứa trẻ nào lành lặn lại tị nạnh với những đứa trẻ khuyết tật chỉ vì chúng được ưu tiên hơn cả.
Đành rằng, sau bão lũ, ai cũng chịu thiệt hại. Nhưng hãy nhìn xem, các trường hợp được thôn liệt kê để nhận trợ cấp, họ là hộ nghèo, là người già neo đơn, là những người mà khi chưa lũ đã khốn cùng lắm rồi! Và sau thiên tai thì họ cũng là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chắc chắn, tiền và hàng cứu trợ với họ cần thiết hơn những người còn lại. Ép họ phải “bình đẳng quyền lợi” trong trường hợp này chẳng phải quá bất công hay sao?
Chẳng có ai muốn mình thiệt thòi hơn người khác để hưởng nhiều ưu ái cả. Tất cả cũng chỉ vì tình thế bắt buộc mà thôi.
Thưa các cán bộ thôn Trung Thôn, các ông không thể lấy lí do “cào bằng” để giải thích cho việc làm của mình được. Chắc hẳn các ông không thể không biết đến dòng chữ “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” chứ.
Chúng ta luôn hướng đến một xã hội công bằng. Là công bằng chứ không phải bình đẳng, xin các ông chớ quên!
Chinh Lê
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả