Theo đó, bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng là bệnh viện ngoài công lập, hoạt động và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo đúng chức năng đã được phê duyệt và thực hiện các kỹ thuật tuân thủ các quy định; danh mục chuyên môn kỹ thuật được cấp phép.
Các thành viên tham gia điều trị các ca này đều có chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên mô phù hợp. Tuy nhiên, có 1 bác sỹ gây mê chính là cơ hữu, 1 bác sỹ không cơ hữu nhưng có hợp đồng với bệnh viện.
Tính tới thời điểm xảy ra sự cố, bệnh viện Phụ nữ và sở Y tế chưa nhận được văn bản nào liên quan đến lô thuốc gây tê đã sử dụng cho các bệnh nhân bị sự cố từ cục Quản lý Dược, bộ Y tế, các cơ quan quản lý chuyên môn có liên quan và nhà cung ứng thuốc.
Kết quả kiểm nghiệm thuốc ngày 9/12 của viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về mẫu thuốc Bupivacaine (49Gt 115 và 49Gt 116) cho kết quả đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở.
Theo kết luận này cả 3 ca sản phụ tử vong và nguy kịch này đều là sự cố y khoa nghiêm trọng liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine, với chẩn đoán xác định ngộ độc thuốc gây tê và tử vong nghi nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê.
Sở Y tế còn cho biết, quy trình tổ chức đón tiếp, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân của bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng là thực hiện đúng quy định; các chẩn đoán bệnh chính và bệnh kèm, biến chứng là phù hợp.
Phía sở Y tế TP.Đà Nẵng đề nghị bệnh viện Phụ nữ cần rút kinh nghiệm sâu sắc về các ca bệnh đã xảy ra sự cố y khoa này; tập trung chú trọng khâu tiên lượng bệnh và triển khai báo cáo ngay các sự cố y khoa theo đúng quy định của bộ Y tế và báo cáo ngay phản ứng có hại của thuốc (ADR) theo quy định.
Như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh, cùng ngày 17/11, có đến 2 vụ biến chứng y khoa xảy ra đối với 2 sản phụ khi họ đến nhập viện, thực hiện các thủ thuật sinh con ở bệnh viện Phụ nữ TP.Đà Nẵng.
Trường hợp thứ nhất, chị V.T.S., 34 tuổi, trú TP.Đà Nẵng mang thai hơn 38 tuần vào viện để sinh mổ trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối.
Trường hợp còn lại, sản phụ N.T.H., cũng 34 tuổi, cũng trú TP.Đà Nẵng mang thai hơn 37 tuần. Người này nhập viện trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ.
Cả 2 sản phụ này đều được gây tê tủy sống để phẫu thuật sinh mổ. Tuy nhiên, trong ca mổ, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau, khó chịu nên các bác sĩ chuyển sang bệnh viện Đa khoa TP.Đà Nẵng xử lý.
Cuối cùng chị S. thì tử vong, chị H. thì nguy kịch. May mắn là 2 cháu bé đều khỏe mạnh.
Sau sự việc, sở Y tế TP.Đà Nẵng đã lập 2 đoàn công tác kiểm tra sự việc.
UBND TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu làm rõ vụ việc, báo cáo trước ngày 30/11.
Cùng ngày 20/11, vụ sức khoẻ Bà mẹ trẻ em (bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi sở Y tế TP.Đà Nẵng yêu cầu làm rõ về sự việc.
Vụ cũng yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Liên quan đến sự việc, gần nhất, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP nên sớm xem xét chuyển bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng từ tư nhân sang công lập.
Về vấn đề này, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc sở Y tế TP.Đà Nẵng cho hay, từ khi thành lập, bệnh viện này đã được xác định là bệnh viện tư ngành.
Đơn vị này trực thuộc hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh nên giấy phép hoạt động, danh mục kỹ thuật hoạt động do bộ Y tế cấp.
Sở Y tế chỉ quản lý đơn vị này giống như các bệnh viện tư khác trên địa bàn. Các đơn vị chức năng cũng đã nhiều lần tham mưu mô hình hoạt động của bệnh viện này.
Vị giám đốc sở cho hay, nếu được lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đồng ý, sở Y tế cũng như các cơ quan chức năng liên quan sẽ tham mưu hoạt động của bệnh viện này như thế nào cho hiệu quả.