Sáng 3/2, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân về Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi gồm 12 chương và 121 điều, trong đó có nhiều điểm mới về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề sang kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Quy định giấy phép hành nghề có giá trị năm năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề...
Bên cạnh đó là điểm mới trong nâng cao chất lượng dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Như thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn...
Một điểm mới khác là đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, bổ sung quy định cụ thể về tài chính bệnh viện.
Bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế, thuê, cho thuê tài sản, thuê, mượn thiết bị y tế...
Quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đồng thời, quy định giá khám, chữa bệnh với cơ sở của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định...
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về của báo chí về giá khám bệnh, chữa bệnh, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, kết cấu của giá gồm 4 yếu tố là chi phí trực tiếp (như thuốc, sinh phẩm...); tiền lương, công; chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị.
Hiện tại giá mới kết cấu được hai yếu tố bao gồm tiền lương và các chi phí trực tiếp. Năm 2022, Chính phủ giao cho Bộ Y tế, khẩn trương hoàn thiện ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Đồng thời hoàn thiện danh mục kỹ thuật để hoàn thiện tính định mức kỹ thuật, làm cơ sở cho tính đúng, tính đủ.
Về lộ trình, theo ông Thuấn, sẽ do Chính phủ chỉ đạo để cân đối cho tình hình kinh tế - xã hội và dựa trên chỉ số CPI mà Quốc hội đã giao hằng năm.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện thông tư giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Việc này xuất phát yêu cầu thực tế của người dân, người bệnh và từng bước nâng cao chất lượng, khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ... Từ đó, cố gắng từng bước giữ người bệnh đáng lẽ ra nước ngoài điều trị thì ở lại trong nước.
"Dự kiến trong quý I hoặc quý II/2023, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư về giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu khi được Chính phủ đồng ý trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh. Đồng thời đưa yếu tố thứ 3 tức là chi phí quản lý vào trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh", ông Thuấn nói.
Bộ sẽ phân cấp, phân quyền tối đa cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời dự kiến đưa ra phương thức tính toán, giao quyền cho các cơ sở để tự quyết định.
Về Hội đồng y khoa quốc gia, ông Thuấn cho hay do Bộ trưởng Bộ Y tế bận nhiều nhiệm vụ và theo thống nhất của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, đồng ý của Thủ tướng Chính phủ đã tạm thời giao cho ông - trước đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng để điều hành cơ quan này.
Ông Thuấn nói quan trọng nhất xây dựng bộ câu hỏi, dữ liệu đề để làm cơ sở triển khai đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Trả lời câu hỏi "Giám đốc bệnh viện có cần là bác sĩ không?", ông Thuấn cho biết hiện tại theo quy định mới nhất là giám đốc bệnh viện Nhà nước phải là bác sĩ. Bộ Y tế đã chỉ đạo trong số Phó Giám đốc phải có người có bằng về kinh tế để lo kinh tế, hậu cần, đấu thầu, mua sắm...
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.