Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Quân khu 9, tỉnh Kiên Giang, nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân tham dự hội nghị.
Kiên Giang phát triển trở thành kinh tế biển của Quốc gia
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, tỉnh Kiên Giang phải tuân thủ theo quy hoạch, linh hoạt, xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch, nhất là xây dựng hệ thống các quy hoạch ngành, địa phương một cách đồng bộ với quy hoạch.
Tỉnh chú trọng phát triển kinh tế biển để làm giàu và mạnh lên từ biển; phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch Phú Quốc với sản phẩm du lịch thật tốt, đa dạng, “Đẹp - Độc - Đáng”, chú trọng công tác an ninh và đảo ngọc thật thân thiện với du khách để giữ chân du khách.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ kết nối với vùng, các dự án công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn và phát triển giao thông đường thủy.
Tỉnh này cần kêu gọi đầu tư phát triển nhanh các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp năng lượng tái tạo. Tỉnh cần thúc đẩy nhanh các dự án nuôi trồng thủy sản để thay thế dần cho khai thác đánh bắt trên ngư trường. Tỉnh chú trọng đầu tư các dự án lấn biển và tập trung công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngày 03/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1289/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Các thành phố Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển.
Trong đó, thành phố Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; thành phố Hà Tiên là đô thị di sản. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống văn minh hạnh phúc.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,0%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 127 triệu đồng, tương đương 4.985 USD, tỷ trọng kinh tế số chiếm 25 - 30% GRDP, ngành du lịch đạt khoảng 23,7 triệu lượt du khách, trong đó, khách quốc tế 1,7 triệu lượt khách, tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% theo chuẩn hiện hành...
Tỉnh xây dựng 5 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp, Khu kinh tế Phú Quốc và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên.
Giai đoạn sau năm 2030, tỉnh thành lập Khu kinh tế ven biển Rạch Giá là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, trọng tâm phát triển về thương mại, dịch vụ, logictics cảng biển, đô thị - dịch vụ - du lịch, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Qua đó, nhằm phát huy tổng hợp tiềm năng, lợi thế của đô thị tổng hợp - chuyên ngành, trung tâm đầu mối về thủy sản và Cảng hàng không Rạch Giá. Thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và Khu vực cửa khẩu Giang Thành.
Đến năm 2050, tỉnh Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng. Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc, với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di sản, lịch sử của tỉnh được bảo tồn và thể hiện rõ nét.
Tỉnh Kiên Giang phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh kết nối du lịch, đầu tư, thương mại, sản xuất, tiêu dùng giữa đất liền với hải đảo, trọng tâm là Phú Quốc, nuôi biển, khai thác hải sản bền vững, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến thủy hải sản, công nghiệp năng lượng tái tạo.
Đồng thời, tỉnh tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 tiểu vùng: Vùng Tứ giác Long Xuyên, gồm 2 thành phố Rạch Giá và Hà Tiên, các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất và một phần các huyện Tân Hiệp, Châu Thành; vùng Tây sông Hậu, gồm 2 huyện Giồng Riềng, Gò Quao và một phần huyện Tân Hiệp, Châu Thành; vùng U Minh Thượng, gồm huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận; vùng hải đảo, gồm thành phố Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải.
Cùng đó, tỉnh phát triển hành lang kinh tế ven biển Tây, gồm hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá dựa trên trục cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, quốc lộ 80 và đường bộ ven biển và hành lang kinh tế ven biển khu vực An Minh - An Biên - Châu Thành - Rạch Giá dựa trên trục đường bộ ven biển và đường hành lang ven biển phía Nam.
Ngoài ra, Kiên Giang phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam dựa trên trục cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và quốc lộ 80. Hành lang này đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương giữa tỉnh với các địa phương trong vùng.
Tỉnh phát triển hành lang biên giới Giang Thành - Hà Tiên dựa trên trục quốc lộ N1, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu gắn với hình thành các đô thị biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, tỉnh phát triển giáo dục - đào tạo, nguồn nhân lực theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nền tảng giáo dục thông minh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông. Tỉnh phát triển ngành y tế đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.
Quy hoạch đề ra 6 nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, gồm: Huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; khoa học - công nghệ và môi trường; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý kiểm soát phát triển đô thị, nông thôn; tổ chức thực hiện và giám sát quy hoach.
Quy hoạch đã xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2030, với hơn 200 dự án thuộc các lĩnh vực: Nông nghiệp, thủy sản, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh...
Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển
Tại hội nghị này, tỉnh Kiên Giang trao 12 chủ trương đầu tư và 18 biên bản ghi nhận nghiên cứu đầu tư của các nhà đầu tư sẽ thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể các chủ trương đầu tư dự án về xây dựng nhà ở xã hội; khu dân cư thương mại; chăn nuôi công nghệ cao; phà vận chuyển hàng hóa, hành khách đường biển; khu du lịch; nhà máy nghiền xi măng; nuôi trồng thủy sản trên biển...
Biên bản ghi nhận nghiên cứu đầu tư về dự án khu phức hợp Bãi Cây Mến tại huyện Kiên Hải; khách sạn Phú Cường Rạch Giá; khu đô thị mới tại tỉnh Kiên Giang; xây dựng, phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; Nhà máy Điện gió tại huyện Kiên Lương; Nhà máy Điện mặt trời trên ao nuôi tôm; Nhà máy Điện gió Hòn Đất; đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hệ thống cấp nước biển cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nuôi tôm theo công nghệ sinh học MPBiO tại Kiên Lương - Hà Tiên - Giang Thành; nuôi trồng thủy hải sản; nuôi trồng thủy sản trên biển kết hợp với tham quan du lịch; nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Rạch Giá...
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, lần đầu tiên sau hơn 38 năm xây dựng và phát triển, Kiên Giang có bản quy hoạch tỉnh được tích hợp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Đây là bản quy hoạch có giá trị pháp lý cao nhất ở cấp tỉnh, thể hiện khát vọng và tầm nhìn mở rộng không gian, định hình các động lực phát triển mới để Kiên Giang phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, khơi thông nguồn lực, tiếp tục phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Kiên Giang tin tưởng sẽ thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với các nhà đầu tư, Kiên Giang luôn mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng đồng hành với tỉnh, sớm hiện thực hóa các dự án đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; kịp thời thông tin, trao đổi cùng chính quyền tỉnh Kiên Giang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án, với tinh thần “đồng hành cùng phát triển”.