Những bí mật của lịch sử, trong đó có vấn đề “Tù binh Phi công Mỹ” từ lâu vẫn là dấu hỏi lớn với độc giả. Nhiều độc giả vẫn băn khoăn: Viên Phi công Mỹ nào bị bắn rơi đầu tiên ở Việt Nam? Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khởi đầu cho lịch sử quan hệ Việt - Mỹ như thế nào? Trong thời gian chiến tranh, Phi công Mỹ bị bắn rơi ở Việt Nam, bị bắt làm tù binh đã được giam giữ ở những đâu? Họ được ăn ở, sinh hoạt và đối xử như thế nào? Đặc biệt, Lầu Năm Góc đã tổ chức một cuộc tập kích đường không quy mô và rất kỳ công để giải cứu tù binh Phi công Mỹ, nhưng bất thành ra sao? Kỷ niệm tròn 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, còn những điều bí mật “động trời” nào cần làm sáng tỏ?...
Bắt giặc lái B52. Ảnh: TTXVN
Tại buổi giới thiệu cuốn sách chiều 12/12, tại Hà Nội, thiếu tướng Phạm Văn Dần - Nguyên tổng cục trưởng Tổng cục III - Bộ Công an, cho hay: “Vì có nhiều lý do liên quan đến bí mật quân sự, đến công tác ngoại giao và an ninh quốc gia… mà đề tài này trong suốt một thời gian dài khi đất nước có chiến tranh, nhất là trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, luôn được các tác giả Việt Nam coi là “nhạy cảm” và rất ít được nói đến trong các tác phẩm phát hành công khai.
Đã hơn 40 năm trôi qua, kể từ năm 1973, hàng trăm tù binh phi công Mỹ đã được Chính phủ Việt Nam trao trả nhưng sự thật về những phi công Mỹ ở Việt Nam dường như vẫn là một câu hỏi lớn”.
Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một số thông tin “hậu trường chính trị”, nhưng lại mang tính “bên lề sân cỏ”, góp phần “giải mã” cho những bí mật nêu trên trong cuốn sách “Tù binh Phi công Mỹ ở Việt Nam”. Nhà văn Đặng Vương Hưng đã dành tâm huyết nhiều năm để hoàn thành cuốn sách này, với những chi tiết đời thường thú vị, nhưng mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc.
Tác giả của cuốn sách từng là một nhà báo chuyên viết phóng sự và tư liệu về đề tài chiến tranh. Ông là tác giả ý tưởng, người khởi xướng và trực tiếp tổ chức nhiều cuộc vận động độc đáo: Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến (2008 - 2010) của Bộ Quốc phòng; Sưu tầm và Tuyên truyền Kỷ vật lịch sử Công an nhân dân (2012 - 2015) của Bộ Công an...
Do yêu cầu công việc, tác giả đã có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhân chứng, tài liệu “tuyệt mật” một thời của cả phía Việt Nam và phía Mỹ: về di tích nhà tù Hỏa Lò, về sự tham chiến bí mật của các Phi công Mỹ cùng với quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, kế hoạch tuyệt mật ném 3 quả bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ của Bộ Quốc phòng Mỹ…
"Trong cuốn “Phi công Mỹ ở Việt Nam”, nhà văn Đặng Vương Hưng đã cố gắng cung cấp cho bạn đọc cái nhìn trung thực, khách quan và từ nhiều phía" - Thiếu tướng Phạm Văn Dần, cho biết.
Đầu năm 2010, “Phi công Mỹ ở Việt Nam” đã được in thử nghiệm với số lượng hạn chế, để phát hành mang tính thăm dò ý kiến bạn đọc. Phiên bản mới ấn hành 2014 đã được sửa chữa và bổ sung thêm.
“Đặc biệt, là phần tư liệu về “Người anh cả” của Lực lượng Phi công tiêm kích Việt Nam; về “Những chuyến bay “tuyệt mật” của các Phi công Mỹ trong “Cuộc chiến tranh thời tiết” và “Hậu cuộc trao trả tù binh phi công Mỹ tại Gia Lâm 1973”… cũng sẽ được “tiết lộ trong “Phi công Mỹ ở Việt Nam”.
Tôi có ghi số điện thoại và hòm thư ở mỗi cuốn sách, hy vọng sẽ nhận được những chia sẻ, góp ý từ phía độc giả” - nhà văn Đặng Vương Hưng, cho biết.
Tiểu Phong