Một sự việc liên quan đến sức khoẻ của con người, một sự việc liên quan đến đạo đức, tâm linh... Hai sự "nhân bản" này quả thật khủng khiếp, có chung một mục đích của những công bộc "thực thi" nó là vi phạm vì... tiền. Sau phiếu xét nghiệm huyết học, nhà tình nghĩa, sẽ còn những gì bị "nhân bản" tiếp theo?!
Nhầm lẫn hay cố tình
Theo các phương tiện truyền thông thì năm 2013, ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ký kết, tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho những gia đình có công với cách mạng tại TP. Cần Thơ. SHB đồng ý để sở Lao động Thương binh & Xã hội TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư, giám sát quá trình thi công nhà ở cho các hộ thuộc diện có công với cách mạng. Ngân hàng SHB đã ký hợp đồng với công ty TNHH tư vấn thiết kế Đầu tư xây dựng Bình Lâm (công ty Bình Lâm) xây dựng 50 căn nhà tại các phường ở quận Ô Môn, mỗi căn trị giá gần 58 triệu đồng.
Ông Phùng Văn Dũng bên cạnh biển hiệu không đúng tên doanh nghiệp hỗ trợ, xây dựng nhà tình nghĩa
Trao đổi với PV Người Đưa Tin (qua điện thoại), ông Trần Thanh Lâm, Giám đốc công ty Bình Lâm cho biết: "Ngân hàng SHB và công ty Bình Lâm có ký kết rõ ràng về việc tiến hành xây dựng 50 ngôi nhà tình nghĩa ở địa bàn quận Ô Môn. Công ty đã thi công hoàn thành 48/50 căn nhà. Hiện có ít nhất 12 căn nhà tình nghĩa đã được UBND quận Ô Môn ra quyết định bàn giao cho các hộ chính sách. Tuy nhiên, biên bản nghiệm thu công trình vẫn chưa được các cấp chính quyền địa phương ở đây ký nhận". Theo ông Lâm, ông cũng không hiểu lý do vì sao quận Ô Môn ra quyết định bàn giao nhà tình nghĩa cho các hộ chính sách rồi mà vẫn không nghiệm thu. Việc làm này thật khó hiểu. Bởi, trước khi giao nhà thì phải nghiệm thu đầy đủ mới được giao. Giao nhà cho gia đình chính sách mà không nghiệm thu, quả thật là thiếu sót, thể hiện sự không tôn trọng hộ dân được nhận nhà. Hơn nữa, đây là thủ tục cần phải có trước khi giao nhà, sao lại bị bỏ qua? Nghiệm thu trước khi giao thì tốn bao nhiêu thời gian mà cán bộ ở đây lại "bỏ qua" như thế?!
Ông Lâm khẳng định: "Chính quyền chưa ký nghiệm thu các căn nhà đã hoàn thành do SHB tài trợ, do Bình Lâm thi công mà đã giao nhà cho gia đình chính sách. Nguy hại hơn, họ còn tự ý lấy 2 căn nhà tình nghĩa do Bình Lâm xây dựng tại phường Phước Thới và trao quyết định giao nhà với tên nhà tài trợ là công ty cổ phần xi măng Tây Đô (xi măng Tây Đô). Trước thực tế này, chúng tôi đã báo cáo với SHB và sự việc đã như các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin trong các ngày qua. Tôi không hiểu, chính quyền quận Ô Môn làm vậy là do nhầm lẫn hay cố tình. Nếu nhầm lẫn thì có thể tha thứ chứ cố tình thì thật... quá đáng. Bởi trong bản danh sách mà UBND quận Ô Môn lập, gửi cho nhà tài trợ SHB, tổng số 65 gia đình chính sách cần được xây dựng nhà tình nghĩa, trong đó vẫn có tên của ông Phùng Văn Dũng và bà Phan Thị Hoa".
Cũng theo ông Lâm, số tiền mà SHB tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa là 58 triệu đồng/căn nhà, còn xi măng Tây Đô chỉ là 54 triệu đồng/căn nhà. Hiện, đã phát hiện có hai hộ dân được nhận nhà tình nghĩa do SHB tài trợ, do Bình Lâm thi công nhưng họ rất khó chịu với biển công ty cổ phần xi măng Tây Đô tặng nhà tình nghĩa năm 2013. Hai hộ này là bà Phan Thị Hoa và ông Phùng Văn Dũng, là thân nhân liệt sỹ. Bà Hoa và ông Dũng đều xác nhận, công ty Bình Lâm thi công và SHB tài trợ tiền. Họ cũng không hiểu, vì sao nhà tài trợ, thi công một đằng mà biển hiệu và quyết định giao nhà lại tên nhà tài trợ khác(?).
UBND quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) ký Quyết định cấp nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách do công ty xi măng Tây Đô hỗ trợ
Cơ quan chức năng nói gì?
Hành động không thể tha thứ Ông Nguyễn Văn Thường, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói: "Xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách là phong trào mang tính toàn quốc, nhân đạo được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, theo dõi. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn chú trọng vấn đề này và luôn nhắc nhở các doanh nghiệp, người có lòng hảo tâm hãy chú ý, giúp đỡ, tài trợ để thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng được đền đáp xứng đáng nhất có thể. Cán bộ lãnh đạo chính quyền đi ngược chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, thống nhất với nhau, lấy tiền làm nhà tình nghĩa do doanh nghiệp tài trợ năm 2013, để đi trả nợ của năm 2012 như vậy là sai. Hành động này không thể tha thứ được. Cán bộ dám thống nhất, lợi dụng cả những chính sách mang tính nhân đạo để làm trái các quy định của Nhà nước, pháp luật... không thể không xử lý. Tôi đề nghị UBND, Thành uỷ TP. Cần Thơ kiểm tra rõ ràng, trả lời dư luận và công an phải vào cuộc làm rõ những khuất tất để chủ trương, chính sách mang tính nhân đạo, tình nghĩa của Đảng, Nhà nước không bị lợi dụng, biến tấu sai mục đích. |
Được biết, việc công ty xi măng Tây Đô tại TP. Cần Thơ tài trợ tiền để xây dựng hai căn nhà tình nghĩa cho thân nhân gia đình liệt sỹ theo đề nghị xin tài trợ của UBND quận Ô Môn là đúng. Hai bên đều có văn bản ký kết thoả thuận, tài trợ rất rõ ràng. Theo văn bản ký kết giữa công ty xi măng Tây Đô và ông Lê Việt Sỹ, Phó chủ tịch UBND quận Ô Môn thì số tiền tài trợ 108 triệu đồng là cho hai căn nhà. Vậy hai căn nhà tình nghĩa mà công ty xi măng Tây Đô tài trợ tiền, quận Ô Môn xây dựng ở đâu? Sao lại "mượn" nhà của SHB để gắn biển, gây nên phản ứng và bất bình của nhiều phía như vậy? Khi sự việc đã lên tới đỉnh điểm, trả lời báo chí (trích nguyên trên Vietnamnet), bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Trưởng phòng Lao động Thương binh & Xã hội quận Ô Môn, thừa nhận, số tiền 108 triệu đồng của công ty xi măng Tây Đô được dùng vào mục đích khác. Số tiền này không trực tiếp xây dựng hai căn nhà của ông Dũng và bà Hoa như thỏa thuận ban đầu với nhà tài trợ. "Chúng tôi đã nhận được 108 triệu đồng từ xi măng Tây Đô để trả nợ xây dựng năm 2012. Việc này đã được Chủ tịch UBND quận là anh Nguyễn Vũ Phương và anh Lê Việt Sỹ đồng thuận. Chúng tôi có mượn nhà ông Dũng để bàn giao và ghi hình chỉ là hình thức chứ không phải lấy tiền để tư túi".
Nếu sự việc đúng như bà Thuỷ thừa nhận với báo giới thì có "vấn đề" lớn chứ không chỉ đơn thuần là chuyện "nhân bản" nhà tình nghĩa. Ông Nguyễn Cẩm - Chủ nhiệm đoàn Luật sư Hải Phòng phân tích: "Nếu đúng như bà Thuỷ phát biểu với báo giới thì việc "nhân bản" này được bàn bạc từ trước, từ chủ ý của cả Chủ tịch, Phó chủ tịch quận đến Trưởng phòng LĐ-TB&XH để lợi dụng tiền, danh nghĩa của doanh nghiệp SHB, lừa dối doanh nghiệp xi măng. Đây là hành vi mang dấu hiệu hình sự. Đề nghị công an TP. Cần Thơ vào cuộc, điều tra, xác minh, làm rõ. Bởi, họ đã sử dụng tiền của xi măng Tây Đô vào việc khác là trả nợ, sau đó, để lừa xi măng Tây Đô, họ mượn tiền, danh nghĩa, nhà của SHB để quay phim, chụp ảnh… là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Họ thừa biết, làm như thế là vi phạm, là lừa đảo nhưng vẫn làm mà lại còn đăng đàn giải thích, chỉ mượn để quay phim, chụp hình thôi thì thật vô lý. Mượn xong rồi, trả nợ hết tiền rồi, nhà không xây dựng, lỡ công ty xi măng Tây Đô xuống kiểm tra, nghiệm thu thì làm sao? Dư luận đặt ra câu hỏi, nếu không kịp thời phát hiện, cấp chính quyền này sẽ tiếp tục độc diễn theo kiểu lại mượn, lại lừa tiếp sao? Sự dối trá, lừa đảo, sử dụng tiền sai mục đích của quận Ô Môn cần phải kiểm tra làm rõ. Tư túi hay không tư túi cũng là hành vi hình sự. Họ tư túi thật thì bị xử lý nặng, còn không tư túi sẽ bị xử lý nhẹ. Nếu chính quyền, Thành uỷ Cần Thơ bỏ qua chuyện này, không thanh kiểm tra, không cho công an vào cuộc điều tra, xác minh thì dư luận sẽ rất bất lợi cho những công bộc thực sự của dân; ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền đối với các phong trào mang tính nhân đạo, tình nghĩa do Đảng và Nhà nước phát động cho các gia đình chính sách. Và rồi, không biết, người nhân danh chức quyền còn thống nhất, đồng lòng, "nhân bản" những gì nữa đây?"
Bác Trần Minh Thái, 68 tuổi, cán bộ hưu trí quận Ô Môn, TP. Cần Thơ bức xúc: "Không thể chấp nhận hành vi sai trái của cán bộ, lãnh đạo quận Ô Môn trong việc "nhân bản" nhà tình nghĩa này. Họ có thể làm trái, chuyển tiền ở chỗ khác để trả nợ chứ không thể lấy tiền tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa đi thanh toán những nợ nần của họ trước đó được. Tiền tình nghĩa còn bị "nhân bản" một cách trắng trợn như thế thì không hiểu, tiền không tình nghĩa sẽ được sử dụng ra sao? Cơ quan chức năng cần phải làm rõ việc này, nếu không, sẽ nảy sinh những chuyện lừa dối tày trời khác".
Cần điều tra, giám sát để đem lại sự minh bạch
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: Việc "nhân bản" nhà tình nghĩa ở quận Ô Môn, TP. Cần Thơ là sự gian lận tài chính. Bởi, đã liên quan đến những hợp đồng kinh tế, mọi thứ đều phải minh bạch, rõ ràng và phải hoạch toán cụ thể. Việc phòng LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND quận Ô Môn làm hồ sơ nhận tiền của hai đơn vị khác nhau, nhận tiền từ ngân hàng SHB, rồi lại nhận tiền từ công ty cổ phần xi măng Tây Đô mà không sử dụng đồng tiền đúng mục đích là một sự trục lợi, thiếu rõ ràng. Việc xin tài trợ từ các công ty, ngân hàng xây nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách là một việc làm đáng hoan nghênh, tri ân những gia đình có công với cách mạng. Tuy nhiên việc lấy danh nghĩa Nhà nước để dùng tiền sai mục đích là kiểu "Treo đầu dê bán thịt chó". Việc này cần điều tra, giám sát để đem lại sự minh bạch cho các chính sách về nhà ở xã hội.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho biết thêm, việc bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn, thừa nhận số tiền 108 triệu đồng của công ty xi măng Tây Đô được dùng vào mục đích khác. Số tiền này không trực tiếp xây dựng hai căn nhà của ông Dũng và bà Hoa như thỏa thuận ban đầu với nhà tài trợ là việc làm "tiền hậu bất nhất", ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh nghĩa Nhà nước, cần điều tra xem có sự trục lợi ở đây không. Bởi việc xin tiền tài trợ là nhằm xây dựng hai căn nhà cho ông Dũng và bà Hoa ở phường Phước Thới, quận Ô Môn. Tuy nhiên, quận không dùng trực tiếp số tiền này để xây dựng mà tự ý lấy hai căn nhà của ngân hàng SHB tài trợ để làm "bình phong" trong dịp 27/7 khi công ty xi măng Tây Đô xuống kiểm tra, bàn giao nhà là sự lạm dụng tín dụng, mất niền tin của các bên liên quan.
"Cần phải làm rõ số tiền đã nhận ấy đi đâu, được sử dụng với mục đích gì, nếu như lấy tiền được tài trợ để đi "trả nợ" để cấn trừ tiền nợ của năm 2012, vì khi xây nhà tình nghĩa còn nợ hơn 600 triệu đồng như bà Thuỷ nói, thì việc làm này càng sai, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan như phòng LĐ-TB&XH, UBND quận Ô Môn xem có sự mờ ám gì ở đây không. Việc "nhân bản" này là kiểu "con sâu làm rầu nồi canh", tạo tiền lệ xấu về việc xây nhà xã hội sau này" - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Nhóm phóng viên