Cõng chữ, cõng cả phận người

Cõng chữ, cõng cả phận người

Mai Văn Minh

Mai Văn Minh

Chủ nhật, 19/11/2017 07:52

Mới đó ông tôi mất đã 49 ngày. Đứng trước “ngôi nhà” mọi người mới xây cho ông, giữa ngun ngút khói hương, lòng tôi lại dâng lên những cảm xúc khó tả thành lời.

Sinh thời, ông tôi là thầy giáo. Ở cái thôn Long Quang quanh năm sương gió ấy, ăn còn không đủ, huống hồ chuyện chữ nghĩa. Cả làng có mình ông học hết tú tài, lấy vợ rồi trở thành anh giáo làng, lấy làm hãnh diện lắm.

Cuộc sống giữa những năm đói kém chiến tranh ấy không hề dễ dàng: Chạy giặc liên miên, chết đói như rạ. Ông bà nội tôi là những nhà giáo nghèo chỉ có thể dựng tạm căn chòi những nơi yên bình để mình tạm nghỉ chân trong những ngày chạy giặc. Tiện thể ông bà quây đám trẻ xung quanh lại, tạo thành một lớp học dã chiến. Dăm ba bữa, mỗi lần bom nổ lại chạy.

Cứ thế, hành trang của đôi vợ chồng mang nặng kiếp chữ nghĩa ấy là tình thương của dân làng mỗi nơi họ đặt chân qua. Từ miền sơn cước Hoài Ân đến cơn gió biển mặn của Quy Nhơn, từ những gập ghềnh đường núi An Khê đến hanh khô nắng gió Phan Rang, nơi nào họ đặt chân tới và rời đi, đứa trẻ chậm nhất cũng nhận mặt được vài con chữ.

Cafe8 - Cõng chữ, cõng cả phận người

Ông nội đã để lại cho tôi bài học vô giá về cái nghĩa ở đời.

Cho đến ngày hòa bình, trở về quê cũ, ông bà nội tôi cũng chẳng có tài sản gì ngoài mấy cuốn vở rách vì bom đạn trường chinh và những đứa con thơ lấm lem. Ông bà vẫn theo nghề cũ, trở thành thầy cô giáo trường làng, một tay vỡ lòng cho rất nhiều thế hệ. Dù là nhà giáo nhưng ngày kỷ niệm 20-11 ông luôn căn dặn học trò không cần quà cáp.

Những lần về quê nội với tôi là cả một bầu trời mới lạ của tuổi thơ ham khám phá, vô lo. Ông tôi không dạy tôi đọc viết. Những cái đó có ba mẹ và thầy cô giáo lo. Ông tôi hay dẫn tôi ra vườn, hái cho những trái bưởi trái cam rồi ôm cháu vào lòng, kể những câu chuyện thuộc về thời kỳ mà có tưởng tượng tôi cũng không thể chạm tới những khắc khổ cùng cực của riêng nó.

Tâm thức của một thằng nhóc như tôi lúc ấy chưa đủ những lắng đọng cần thiết để hiểu hết những gì ông muốn nói. Cũng phải thôi, tôi còn bận nghĩ đến bờ ao hoa khế vàng rực ngay bên cánh đồng cạnh nhà, những buổi chiều theo chân lũ trẻ trong thôn bẫy cò. Hơi sức đâu nghĩ đến những điều ông trăn trở, dù rằng, những câu chuyện của ông ít nhiều đều hấp dẫn. 

Cho đến khi tôi biết nhận thức đủ đầy những gì diễn ra xung quanh, ông tôi đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời. Lúc ấy, ông không còn kể cho tôi nghe những câu chuyện xưa cũ chạy giặc tận đẩu đâu nữa. Ông chỉ ngồi rồi nằm một chỗ, ánh mắt buồn buồn luôn sáng lên mỗi khi nhận biết mặt những đứa cháu thân thuộc từ thành phố trở về thoáng chốc. 

Ông tôi “nghỉ lưng” vào cái ngày đẹp nhất mùa thu tháng Tám. Gia đình tôi chủ trương tang lễ giản dị, gói gọn trong một ngày. Vậy mà đám tang ông lại là đám tang “to nhất huyện”. Chẳng hề rình rang, người ở đâu cứ nườm nượp kéo đến chật kín khoảnh sân trước nhà. Thậm chí, có người học trò đi làm ăn xa tận Buôn Mê Thuột, nghe tin thầy mất cũng đi xe xuyên đêm về quỳ trước quan tài ông, khóc xin bà tôi “cho đeo tang thầy ba năm”.  

Tôi ấn tượng mãi. Hỏi ra mới biết người học trò ấy là con của bạn ông. Người đó có cha mẹ mất sớm, ngỗ nghịch nhất trường, nhờ ông tôi mấy bận bảo lãnh mà không bị đuổi học. Sau này ông ấy lại mê cờ bạc, vài bận nợ nần. Không cam tâm nhìn con của bạn mình chôn vùi cuộc đời bởi những món nợ sai lầm, ông tôi lén bà cầm giấy tờ nhà, chuộc người về.

Kể từ đó, cậu chàng tu tỉnh, để đến hôm nay, người quỳ trước quan tài ông tôi là một người đàn ông hoàn toàn khác. Thì ra cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, ông tôi vẫn để lại cho con cháu bài học về cái nghĩa ở đời, về tấm lòng nhân hậu bao dung có thể cứu mạng người.

Tôi bất giác ngậm ngùi. Bài học lớn ông dạy cho tôi này, chắc chắn không bao giờ quên được.

Những mẩu chuyện về ông, mỗi người kể một ít. Tôi chắp nối, hình dung cuộc đời hào sảng của ông mình qua những câu chuyện ấy. Buổi chiều tiễn ông ra cánh đồng, bất giác tôi thấy mình vụt lớn, trong tâm thức của người thầy giáo làng năm xưa đang ngủ ngon trước mặt mọi người.

Đã rất nhiều người thầy đi qua đời tôi và khiến tôi biết ơn mãi, song có lẽ, ông tôi chính là người thầy lớn nhất, để đến tận cùng, tôi vẫn là cậu học trò nhỏ ngô nghê.

Chỉ còn bầu trời đầy mây trắng và tiếng chim vườn cũ vẳng đâu đây…

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.