Có người đã gọi những người sẵn sàng hiến mình ra cho “Công chúa thuốc lào” làm vật thí nghiệm là "bệnh nhân dũng cảm". Đau có, máu chảy có nhưng bệnh của họ nặng vẫn hoàn nặng. Chính những bệnh nhân như họ khiến cho không ít bác sĩ bức xúc khi nhận lại “sản phẩm lỗi” của những kẻ lang băm.
Một vị bác sĩ đầu ngành về bệnh ung thư từng chia sẻ với tôi về rất nhiều trường hợp “vừa giận, vừa thương” bệnh nhân của mình. Dù bệnh nhân đang trong liệu trình chữa trị của bác sĩ nhưng họ lại sẵn sàng bỏ viện đi theo những tin đồn thổi vào các “thần y” bốc chốc nổi danh. Kết quả, người bệnh nặng lên hoặc thậm chí tử vong mà những kẻ lăng băm vẫn bình an vô sự.
Song, vì đâu những lang băm như "Công chúa thuốc lào" có thể công nhiên tổ chức chữa bệnh? Liệu tất cả có phải do người bệnh "dại dột"? Vẫn biết, có bệnh thì vái tứ phương, tuy nhiên ở đây người bệnh đã bị dẫn dắt bởi tin đồn về tài chữa bách bệnh của một người không có chút kiến thức về y học.
Chúng ta đã có chế tài để xử lý những người tung tin bịa đặt trên facebook. Tuy nhiên, thật không dễ gì để loại trừ những tin đồn lan truyền kiểu "rỉ tai". Điều này cũng cho thấy sự bất cập, thiếu linh hoạt của hệ thống thông tin cơ sở.
Vậy làm sao để chấm dứt những câu chuyện đồn thổi kiểu "Công chúa thuốc lào"?
Lời giải cho vấn đề trên có lẽ không gì khác là tăng cường thông tin khoa học - thiết thực tới từng người dân.
Và, cũng đừng quên, phải xử lý thật nghiêm những người không có chút kiến thức chuyên môn nhưng tự xưng có "tài thánh" và liều lĩnh đi chữa đủ mọi loại bệnh trên đời.
Đỗ Thơm