Lách luật vì muốn có con trai
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo, chị Hoàng Thị H., (41 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) tiếp nối con đường nghề nghiệp của ba mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm, chị xin về công tác tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM, và lập gia đình cùng chàng thanh niên tên Lê Thanh H., công tác trong một đơn vị bộ đội tại TP.HCM. Nhìn vào gia đình trẻ của chị H., người thân bạn bè ai cũng ngưỡng mộ bởi một gia đình hạnh phúc, nhất là sau khi anh chị có hai cô con gái xinh xắn như búp bê lại ngoan ngoãn, học giỏi, bé đầu học lớp 5, bé thứ hai học lớp 1. Cứ tưởng như vậy là gia đình đã yên bề con cái, tuy nhiên vợ chồng anh chị lại có nỗi niềm riêng không dám bày tỏ với ai. Họ âm thầm lên kế hoạch sinh con thứ ba, với mong muốn tìm một đứa con trai nối dõi tông đường để thỏa lòng ông bà ở quê.
Chị H. tâm sự: "Gia đình bên chồng rất khắt khe với vợ chồng chúng tôi. Bởi theo ông xã, trong dòng họ, anh ấy là cháu đích tôn và cũng là con trai duy nhất trong gia đình có ba anh em. Phía gia đình chồng yêu cầu chúng tôi phải sinh cho được thằng con trai để bố mẹ chồng mở mày mở mặt với họ hàng. Với quan niệm đó, chồng tôi ngày nào cũng suy tư, hết giải thích nhẹ nhàng với ông bà rồi có lúc lại phát cáu, cãi cọ lớn tiếng với gia đình chồng ngoài quê... Cảm thông với chồng nên chúng tôi đã đi đến quyết định sẽ sinh thêm một đứa con với thỏa thuận dù là trai hay gái cũng chỉ một lần thứ ba nữa. Một năm sau chúng tôi đã may mắn sinh được thằng cu".
Biến con đẻ thành con nuôi là chuyện đang xảy ra ở nhiều gia đình (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên để đối phó với cơ quan nơi hai vợ chồng làm việc, chị cho biết vợ chồng chị đã hết sức gian nan. Thời gian đầu khi mang bầu chị vẫn đi làm nhưng tuyệt đối giấu kín đồng nghiệp bằng cách ngụy trang bằng những bộ đồ rộng rãi. Sau đó chị được nghỉ hè và ở nhà sinh con. Đáng nói, chị không chọn sinh nơi chị đóng bảo hiểm xã hội, mà chỉ xin sinh ở một bệnh viện tư để không ai phát hiện ra mình sinh con. Vợ chồng anh chị sắp xếp cho đứa con mình dứt ruột đẻ ra được khai sinh là con của một sản phụ khác. Sau đó họ làm thủ tục nhận con nuôi. Biết như vậy là quá đáng với con mình, nhưng để được yên bề công tác, họ đành cắn răng chấp nhận.
Chị H. cho rằng nếu không làm như vậy vợ chồng chị sẽ bị kỷ luật và có thể chuyển công tác hoặc đình chỉ công tác vì không tuân theo quy định của Nhà nước. Hơn nữa công việc của anh chị đang ở thời điểm rất thuận lợi. Mặc dù sinh được con trai nhưng anh chị vẫn phải kiềm chế, không dám chia sẻ với bất cứ ai ngoài ông bà hai bên gia đình. Mọi người nhìn vào chỉ biết đó là cậu con trai nuôi của anh chị.
Tên cha không hiện diện trên khai sinh
Khác với chị H., gia đình anh Nguyễn Thành T. (50 tuổi), hiện là công an một quận trên địa bàn TP.HCM lại có sở thích hoàn toàn khác. Trước đó anh Tâm đã có hai con trai. Các con anh đã trưởng thành, hiện đã học xong đại học và công tác trong các cơ quan Nhà nước. Lo rằng tuổi già cô đơn, vợ chồng anh lại nảy sinh ý định có con gái. Anh cho rằng, khi về già, con trai họ sẽ lập gia đình ở riêng, và lo cho gia đình nhỏ của các con. Những lúc buồn sẽ không có nhiều cơ hội được trò chuyện tâm sự với con. Với quan niệm của người miền Nam, nếu có đứa con gái, khi về già tâm lý của mình sẽ vui vẻ hơn nhiều. Thế rồi vợ chồng anh lại nghĩ ra cách sinh thêm con gái, mặc dù vẫn biết là rất khó sinh khi vợ anh đã ngoài 40 tuổi.
Năm 2010, sau khi được các bác sĩ kết luận vợ anh vẫn có khả năng sinh con, anh quyết định cho vợ nghỉ việc sớm để thực hiện chuyện sinh con thứ 3. Một năm sau, vợ chồng anh T. may mắn có thêm một cô công chúa như mình mong đợi. Thông tin này vẫn được anh T. giấu kín tuyệt đối. Mặc dù trong những lần tụ tập cùng bạn bè, anh T. vẫn bị bạn bè, đồng nghiệp có ý chê đùa vì chuyện không có con gái, rằng sẽ mãi mãi không được làm ông ngoại... Những lúc như vậy anh T. chỉ muốn khoe rằng mình cũng có con gái. Tuy nhiên anh lại không dám vì sợ lộ thông tin và bị đuổi việc. Sau khi có con gái, anh T. không đứng tên trong khai sinh của con, mà chỉ có tên mẹ. Khi vợ đi sinh, anh sắp xếp cho người nhà bên vợ chăm sóc. Hiện đứa con của anh đã đến tuổi đi học mầm non nhưng trên danh nghĩa vẫn là không có cha... Mỗi lần kể chuyện này, anh lại thấy xót xa vì cha là người đứng ngoài cuộc.
Anh T. chia sẻ: "Bây giờ cứ mỗi buổi chiều làm việc xong tôi lại chạy về nhà chơi với con trong niềm vui riêng. Ngày trước thay vì về nhà tôi cứ tụ tập bạn bè ăn uống, có thêm đứa con gái tôi cảm thấy hầu như thay đổi hoàn toàn. Chỉ một thời gian ngắn nữa tôi về hưu, tôi sẽ làm khai sinh cho con. Biết là trái pháp luật nhưng tôi thấy không có cách nào khác. Công tác trong ngành đã bao nhiêu năm mà để bị kỷ luật tôi thực sự thấy có lỗi với chính mình, nên mới đành phải nhẫn tâm với con trong những năm đầu. Tôi nghĩ chỉ là thủ tục hành chính, nhưng về mặt tinh thần tôi vẫn chăm sóc con rất chu đáo. Sau này con lớn lên tôi sẽ giải thích về chuyện này cho nó nghe chắc nó cũng thông cảm cho mình".
Vấn đề... nhạy cảm Theo luật sư Trần Thanh Dần, đoàn Luật sư TP.HCM, vấn đề công chức viên chức sinh con thứ 3 diễn ra ngày càng nhiều bởi vì có nhiều yếu tố liên quan. Có cặp vợ chồng muốn sinh con thứ 3, nhưng cũng có trường hợp sinh con ngoài ý muốn, chỉ là vỡ kế hoạch. Tuy nhiên đây là vấn đề thực sự nhạy cảm. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì chuyện công viên chức sinh con thứ 3 là vi phạm pháp luật. Nếu bị phát hiện có thể xử phạt hành chính hoặc xử lý ở mức khiển trách, kỷ luật... Tôi cũng đã chứng kiến nhiều cặp vợ chồng công chức sinh con thứ 3, nhưng khi biết hoàn cảnh của họ thì cũng phải thông cảm. |
Ái Minh