Giàu số lượng, nghèo tài năng
Để liệt kê hết các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc Việt Nam trong vài năm trở lại đây không phải là khó. Nó nhiều như lá rụng mùa thu, kể cả các cuộc thi âm nhạc hàn lâm như: Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Tiếng hát truyền hình… Nếu tính sơ qua, tổng số lượng các cuộc thi, có lẽ Việt Nam xứng đáng xếp vào hàng "top ten" trong khu vực. Nhưng trái ngược với số lượng là chất lượng. Đó chính là việc thiếu bóng những tài năng âm nhạc thật sự tham gia các cuộc thi này. Nó thực sự như một cơn khát, tuy mới xuất hiện nhưng đã có dấu hiệu lan tỏa. Nếu không chữa trị kịp thời, rất có thể sẽ là một căn bệnh trầm kha của showbiz Việt.
Nếu khán giả yêu âm nhạc truyền thống, đậm chất cổ điển thì chọn Sao Mai hay Sao Mai điểm hẹn, còn những người chuộng sự trẻ trung, format chương trình hấp dẫn thì trung thành với The Voice, Việt Nam Idol hay Việt Nam Got Talent… Không chỉ về gu âm nhạc mà các cuộc thi cũng hết lòng "chiều" thượng đế khi phân chia cả độ tuổi để phục vụ khán giả một cách tốt nhất. Nhưng kết quả cuối cùng là tìm ra những tài năng âm nhạc thực sự gây ấn tượng thì lại bị nhà sản xuất bỏ qua. Bây giờ, rất khó để tìm ra những cá tính âm nhạc mới mẻ, đủ sức thổi một luồng gió mới, làn sinh khí mới để có thể lấp đầy những lỗ hổng âm nhạc lâu nay. Quanh đi quẩn lại, toàn thấy các thí sinh quen mặt, họ tham gia nhiều các cuộc thi để cố gắng tìm một danh hiệu nào đó. Đa phần họ là những ngôi sao hết thời hoặc những ca sĩ vô danh tiểu tốt đang trên đường tìm đến với khán giả. Còn khán giả thì "mỏi mắt" chờ đợi những ngôi sao âm nhạc mới sẽ được khai quật.
Sự xuất hiện của Giọng hát Việt - The Voice khiến cho các chương trình âm nhạc khác bị cạnh tranh gay gắt (ảnh minh họa)
Theo ban tổ chức, nhà sản xuất các chương trình này thì, họ cố gắng dùng đủ mọi chiêu để dụ thí sinh tham gia. Tất nhiên, mọi chương trình đều chấp nhận những thí sinh đã cũ mặt trên sóng truyền hình với cách ngụy biện là "méo mó có hơn không". Và, "cũ" thì có thể biến thành "mới" nhưng không thể để cuộc thi không có thí sinh tham gia. Điều nữa, là với mức độ cạnh tranh dày đặc như hiện nay thì yếu thế đã lộ rõ ở các cuộc thi âm nhạc hàn lâm.
Thực tế, cuộc thi Sao Mai hay Sao Mai điểm hẹn, dù uy tín, chất lượng nhưng dường như không còn đủ sức hấp dẫn khán giả. Đã qua rồi cái thời hai cuộc thi âm nhạc đình đám này được xem như những "ông trùm" độc quyền trên sân khấu âm nhạc. Hàng loạt cái tên được sản sinh từ hai cuộc thi đó như: Tùng Dương, Ngọc Khuê, Tân Nhàn, Anh Khoa, Phương Linh, Ngọc Anh… vẫn là những minh chứng sống động về chất lượng các tài năng âm nhạc. Nhưng, khi cơ chế cạnh tranh được bung ra, nhiều cuộc thi phiên bản nhập ngoại và được Việt hóa để phục vụ thị hiếu công chúng thì đó lại là mối lo của các cuộc thi âm nhạc chính thống. Thua xa về độ "hot" ban giám khảo, kém hẳn về độ đầu tư mang tính giải trí lại không thể đọ được độ hoành tráng của fomat Tây, nên Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn đành ngậm ngùi chấp nhận chịu lép vế trước đàn em sinh sau đẻ muộn như: Vietnam Idol, The Voice.
Sang trời Tây tìm kiếm thí sinh
Đặc biệt mới đây, khi ban tổ chức cuộc thi Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc - Sao Mai 2013 quyết định sang tận châu Âu để tìm kiếm thí sinh khiến dư luận đặt câu hỏi. Đây là cuộc thi âm nhạc có uy tín được tổ chức định kỳ hai năm một lần nhằm tìm ra những cá tính âm nhạc ở ba phong cách: Thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ. Nếu như những đợt thi trước, vòng sơ khảo sẽ được diễn ra tại ba khu vực: Bắc - Trung - Nam thì năm nay cuộc thi đã phủ sóng rộng khắp hơn bằng cách tổ chức thêm một vòng sơ tuyển tại Berlin (Đức).
Phải chăng đây là hướng tìm kiếm mới của cuộc thi Sao Mai năm nay, khi mà sự khan hiếm thí sinh ở trong nước đã bắt đầu trở nên nan giải. Khán giả theo dõi các cuộc thi âm nhạc, đều có chung một nhận định: Chỉ cần xem một cuộc thi cũng đủ biết tình hình tài năng mới của âm nhạc Việt. Cách thức, định dạng, thành phần giám khảo và giá trị giải thưởng tuy có đôi chút khác nhau nhưng yếu tố quan trọng nhất và cũng là điểm đáng bàn nhất đó là số lượng và chất lượng thí sinh tham dự. Sự thiếu hụt trầm trọng những gương mặt mới mẻ, những cá tính âm nhạc đặc biệt và những thần tượng ca hát thực sự đã làm cho các cuộc thi âm nhạc tẻ nhạt đến khó hiểu.
Thậm chí, các thí sinh dự thi quá quen mặt, khiến không ít người xem nhầm lẫn giữa chương trình này với chương trình kia. Nhiều khán giả thầm nghĩ, chắc các thí sinh này "nghiện" đi thi, bởi cách đó ít lâu vừa thấy cô A này đăng quang á quân cuộc thi âm nhạc nọ, thì hôm nay lại thấy cô lù lù xuất hiện với tư cách là thí sinh của cuộc thi khác. Còn công chúng đã quá quen với việc xuất hiện của vài thần tượng chỉ "sáng" một đêm rồi vụt tắt. Họ được tung hô với những mỹ từ khác nhau như: Thần tượng, hiện tượng, quán quân, giọng hát cá tính… Vậy, danh hiệu cao đẹp ấy, sau một đêm để làm gì thì không ai biết và cũng chẳng ai quan tâm.
Khách quan mà nói, về chất lượng giọng hát của các thí sinh thì Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn vẫn được đánh giá cao. Tuy nhiên, so về độ "hot" thì The Voice hay Vietnam Idol vẫn "nóng" hơn rất nhiều. Độ "chịu chơi" trong việc đầu tư mang tính giải trí chưa nhiều khiến những cuộc thi âm nhạc hàn lâm vẫn ế, thí sinh thì không mặn mà tham gia còn công chúng thì bắt đầu có dấu hiệu bỏ rơi. Thí sinh muốn nổi tiếng nhanh, muốn có bệ phóng để nâng đỡ tên tuổi, muốn hình ảnh của mình phủ các mặt báo bởi những scandal thì chẳng dại gì chọn con đường nổi tiếng bằng âm nhạc hàn lâm. Như một vài hiện tượng nổi đình, nổi đám gần đây mà công chúng thường xuyên nhắc đến, dù trước cuộc thi khán giả không hề biết họ là ai, họ nổi bởi những câu chuyện ngoài lề chứ không phải về chuyên môn âm nhạc.
Như thí sinh Bùi Anh Tuấn từng nổi như cồn trong cuộc thi The Voice 2012 với bản "hit" Nơi tình yêu bắt đầu. Giọng hát không quá xuất sắc nhưng ngoại hình lãng tử đã vớt vát khiến người ta tung cậu lên mây khi ví Bùi Anh Tuấn là Bằng Kiều thứ hai. Tài năng thì chưa thấy đâu, chỉ thấy Bùi Anh Tuấn nổi tiếng bởi bỏ show, bị kêu ca là làm việc thiếu trách nhiệm. Còn Bảo Anh (thí sinh tham dự The Voice 2012) cũng là một trường hợp tương tự. Giọng hát yếu và phô, nên mỗi lần cô hát khiến cho người ta cảm giác như đang bị "tra tấn tai" nhưng bù lại cô có ngoại hình xinh, ăn hình nên vẫn được tung hô trên các trang báo mạng như Taylor Switf của Việt Nam. Hay câu chuyện chuyển giới của Hương Giang, gia cảnh khốn khó của thí sinh người dân tộc Yasuy từ zero to hero (từ số không trở thành người hùng - PV); rồi đến chuyện lùm xùm tình ái giữa thí sinh Thiều Bảo Trang với một thành viên nữ thuộc ban tổ chức…
Sao mới chưa "mọc", sao cũ đã mờ Giàu về số lượng nhưng nghèo về tài năng, đó là một nhận định pha lẫn chút ngao ngán của công chúng thời nay khi theo dõi các cuộc thi âm nhạc. Bởi nếu ước lượng các cuộc thi âm nhạc họ được xem trong vòng một năm đã lên tới con số hàng chục. Ở các nước có ngành công nghiệp giải trí phát triển như Mỹ, Hàn Quốc … thì mỗi năm cũng diễn ra vài cuộc thi âm nhạc đình đám. Nhưng ở Việt Nam, số lượng không bao gồm cả yếu tố chất lượng. Vì, dù sản sinh nhan nhản các cuộc thi nhưng người ta vẫn mòn mỏi chờ, tìm nhân tố tài năng mới. Sao mới thì chưa thấy, trong khi những sao cũ đã quá lu mờ. |
Gia Lê