Ở Hà Nội có một “giai cấp người” được gọi là “Công dân Hà Nội hạng II”. Ở các nước đang phát triển, một xu hướng di cư tất yếu hình thành, đó là sự chuyển dịch dân số từ nông thôn về các thành phố lớn. Việt Nam không là ngoại lệ và TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai thành phố có lượng người di cư cao nhất.
Không biết từ bao giờ, tại Hà Nội đã xuất hiện một giai cấp có cái tên rất ấn tượng: “Công dân Hà Nội hạng hai”. Đó là những người ở các địa phương khác đến (tất nhiên rồi) hiện đang sống ở Hà Nội theo diện KT3 (tạm trú dài hạn) và KT4 (tạm trú ngắn hạn). Họ là giai cấp khổ nhất, bấp bênh nhất và đương nhiên là nhiều rủi ro nhất. Họ luôn luôn đối mặt với khó khăn thường nhật như thất nghiệp, chủ nhà trọ tăng tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước hoặc bỗng dưng “trở tính” đòi lại nhà và những lần ốm đau, bệnh tật phải đi bệnh viện.
Thế nhưng vượt lên trên tất cả, có lẽ là nỗi lo lớn nhất của họ là nỗi lo xin học cho con. Đã là “công dân hạng hai”, đẻ không được khai sinh, khi con cái lớn không được vào trường công lập. Nói chính xác qui định là có được xét những chỉ tiêu như chỉ khi nào tuyển hết học sinh thuộc diện KT1 thì mới mong đến lượt. Và với sĩ số học sinh tiểu học quá tải như hiện nay thì điều đó tức là có cũng như không.
Cũng phải nói thêm rằng những “Công dân Hà Nội hạng hai” này hầu hết là những người trẻ tuổi, giàu khát vọng. Họ thường là những sinh viên vừa mới ra trường hoặc những người có đầu óc kinh doanh, thương mại.. có chí tiến thủ và nhất là một khát vọng “đổi đời”. Họ không chỉ nghĩ đến cuộc sống của họ ngay hôm nay mà điều quan trọng là sự tạo lập cho thế hệ tương lai. Do đó, đối với tầng lớp cư dân này, thất nghiệp không sợ. Chủ nhà trọ nâng giá cũng không sợ. ốm đau đi bệnh viện cũng không sợ nhưng thất học của con thì sợ, một nỗi sợ kinh hoàng. Cũng vì thế mà mỗi đầu năm học mới, cuộc chạy trường, chạy lớp luôn luôn là cuộc chạy đua sôi động nhất, tốn nhiều tiền của, công sức, mồ hôi, nước mắt và nó xứng đáng là cuộc chạy đua vĩ đại nhất của giai cấp “Công dân Hà Nội hạng hai”.
Theo nguồn tin từ “nhà báo dưa lê”" của hãng “thông tấn vỉa hè” thì giá một học sinh trái tuyến ở Hà Nội giao động từ 1.000 USD 2.000 USD, tức là khoảng từ 20 triệu VND đến 40 triệu VND. Con số này chắc so với TP Hồ Chí Minh thì còn kém nhưng so với thu nhập thì thật là kinh khủng vì nó chiếm khoảng hơn nửa năm lương cơ bản của một phụ huynh trẻ, vừa tốt nghiệp đại học ra trường.
Điều đáng suy nghĩ là để có một Hà Nội hôm nay đành rằng là công sức của nhân dân Thủ đô nhưng không thể không kể đến những đóng góp to lớn của nhân dân cả nước nhiều thế hệ. Hà Nội sẽ chẳng là Hà Nội nếu vắng đi những chè Huế, bún bò Huế, Lẩu Sài Gòn, phở Nam Định, bánh đa làng Kế… Hà Nội sẽ chẳng là Hà Nội ngàn năm văn hiến, với những công trình kiến trúc tiêu biểu nếu không có nhiều và rất nhiều những mồ hôi, công sức của công dân mọi miền Tổ quốc thân yêu. Thậm chí, Hà Nội sẽ chẳng còn là chính mình nếu một ngày nào đó vắng bóng tất cả công dân ở mọi miền. Thế nhưng buồn thay - Họ, những “Công dân Hà Nội hạng II” đang ngày ngày sống trong bấp bênh và rủi ro. Một cư dân Hà Nội hạng II có lần tâm sự với tôi: “Chúng em là bọn nửa tỉnh, nửa quê. Người quê thì bảo mình dân Hà Nội còn những người thị thành thì lại bảo chúng em là đám nhà quê”. Rồi cậu ta đọc hai câu thơ đầy ai oán lưu truyền từ lâu trong “giai cấp” “Công dân Hà Nội hạng II”: “Người quê thì bảo thị thành: Người thành thị lại bảo mình nhà quê”.
Bùi Hoàng Tám