PV Người Đưa Tin có cuộc trò chuyện với Luật sư Trần Đình Dũng (Trưởng ban Tuyên truyền phổ biến pháp luật Trung tâm Tư vấn pháp luật tại Tp.HCM, Hội Luật gia Việt Nam; Đoàn Luật sư Tp.HCM)- tác giả cuốn sách này.
PV: Luật sư có thể nói sơ lược về mục đích của cuốn sách?
Luật sư Trần Đình Dũng: Trong quá trình hành nghề luật sư nhiều năm nay, tôi nhận thấy một khi có vấn đề về pháp lý nhiều người lúng túng không biết xử lý thế nào, tìm kiếm nguồn pháp lý ra sao, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào để xem xét bảo vệ quyền lợi cho mình.
Vì vậy, tôi đã viết lên cuốn sách có tựa đề “Công dân ứng xử pháp lý thế nào để bảo vệ quyền lợi cho mình” cuốn sách được NXB của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam (NXB Hồng Đức) vừa mới xuất bản vào quý 1 năm 2022 theo Giấy phép của Cục Xuất bản cấp ngày 07/12/2021.
Cuốn sách nhằm giúp cho người đọc dễ dàng hiểu và hành xử một cách phù hợp với quy định pháp luật khi có liên quan đến các vấn đề pháp luật.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về nội dung cuốn sách?
Luật sư Trần Đình Dũng: Cuốn sách viết về các vấn đề quyền công dân, tố giác tội phạm, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện ra toà, kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phản ánh các sự việc lên cơ quan truyền thông, mạng xã hội.
Trong đó, tôi đã trình bày song song với ngôn ngữ pháp lý là ngôn ngữ xã hội mang “tính bình dân” nhằm cho người đọc dễ hiểu, tức là cố gắng diễn giải theo ngôn ngữ phổ thông các khái niệm pháp lý.
Mỗi phần cuốn sách đều trình bày, hướng dẫn cách làm đơn (có in kèm các đơn mẫu và đơn vụ việc cụ thể làm ví dụ). Trong sách tôi cũng hướng dẫn nơi nộp đơn, thẩm quyền và thủ tục giải quyết của cơ quan nhà nước.
Cuốn sách cũng hướng dẫn về cách ứng xử, cách khiếu nại quá trình giải quyết đơn sao cho phù hợp với các quy định pháp luật. Tôi cố gắng trình bày nhằm làm cho người đọc sau khi đọc có được kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để làm đơn, để trình bày với cơ quan nhà nước về sự việc của mình.
Sách có tất cả 07 chương, gồm: 5 quyền công dân cần biết để bảo vệ quyền lợi cho mình, Tố giác tội phạm, Tố cáo, Khiếu nại, Khởi kiện ra Tòa án, Kiến nghị và Phản ánh, Phản ánh sự việc lên công luận báo chí.
PV: Có phải sau khi đọc xong cuốn sách người đọc có thể tự làm được đơn để gửi cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý giải quyết các vụ việc của họ hay không?
Luật sư Trần Đình Dũng: Khi viết cuốn sách này, tôi cố gắng để sau khi đọc cuốn sách, bạn đọc có thể trình bày được trong đơn để cơ quan nhà nước thụ lý đơn của họ trong các việc tố giác tội phạm, tố cáo theo luật tố cáo, khởi kiện ra toà…
Vì hướng tới mục đích giúp người đọc có thể tự mình trình bày được đơn, nơi nộp đơn và các qui định khác, nên tôi hướng dẫn cặn kẽ, in ví dụ thêm các đơn của các vụ cụ thể.
Có thể nói, sau khi đọc sách, người đọc có thể tự mình làm được đơn đối với các vụ việc không phức tạp. Nhưng đặc biệt là người đọc xác định rõ được cơ quan giải quyết của sự việc, tránh trường hợp phải chạy lòng vòng.
Ngoài ra, khi đọc cuốn sách, công dân có thể hiểu được các quyền của mình khi gặp phải sự cố pháp lý và cách ứng xử pháp lý đúng luật.
Xin cảm ơn luật sư!
An Bình