Cống hiến thầm lặng của những "cô đỡ thôn bản" vùng cao: “Cánh tay nối dài” của ngành y tế tại vùng núi biên giới (Bài 1)

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 3, 26/09/2023 06:00

Địa hình núi cao khiến người dân gặp khó trong việc tiếp cận y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh thì vai trò của của các “cô đỡ thôn bản” thực sự là cứu cánh cho bà con.

CỐNG HIẾN THẦM LẶNG CỦA NHỮNG “CÔ ĐỠ THÔN BẢN” VÙNG CAO

LTS: Trong những năm qua, mặc dù không có lương nhưng đội ngũ “cô đỡ thôn bản” đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới.

Băng rừng, vượt núi trong đêm để đỡ đẻ

Chị Xồng Y Trử (39 tuổi), trú ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là một trong những “cô đỡ thôn bản” gắn bó với nghề lâu năm nhất tại huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn.

“Tiếng lành đồn xa” nên công việc mỗi tuần của chị rất bận rộn do có nhiều người gọi điện nhờ. “Xung quanh đây và thậm chí những vùng lân cận ai cũng biết mình là bà đỡ đẻ rồi, không lẽ họ gọi mà mình không tới giúp”, chị Xồng Y Trử cười.

Sức khỏe - Cống hiến thầm lặng của những 'cô đỡ thôn bản' vùng cao: “Cánh tay nối dài” của ngành y tế tại vùng núi biên giới (Bài 1)

Chị Xồng Y Trử không nhớ mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu trường hợp nữa.

Lau rửa lại bộ dụng cụ của “cô đỡ thôn bản” đã theo mình nhiều năm qua, chị Trử nói, phụ nữ người H’mông ở vùng biên giới Việt - Lào hiếm khi đến bệnh viện sinh con. Nguyên do bà con dân tộc thiểu số quan niệm mọi chăm sóc liên quan đến phụ nữ mang thai, sinh đẻ là chuyện riêng tư, chỉ có chồng, phụ nữ trong nhà, hoặc những người thân thiết mới có thể trao đổi được.

“Nếu sinh ở nhà, cũng chỉ có chồng và mẹ được vào hỗ trợ thôi, người ngoài không được vào đâu. Cũng vì quan niệm đó nên phần lớn chị em trong bản sinh đẻ rất khó khăn, điều kiện vệ sinh mà không sạch sẽ càng nguy hiểm hơn nữa. Vậy nên có trường hợp sản phụ nào sinh thì dù trời tối thì tôi cũng phải đi. Từ đầu năm đến nay, tôi đã đỡ đẻ cho 15 người tại nhà rồi”, chị Trử cho biết thêm.

Theo chị Trử, việc xử lý các dây rốn quấn cổ thai nhi không khó bằng việc thuyết phục phụ nữ H’mông ở vùng biên này đến trạm y tế xã sinh con. Đây cũng là điều khiến chị trăn trở và quyết bám nghề. Tuy nhiên, cách đây 5 năm, khoản trợ cấp vài trăm nghìn đồng mỗi tháng của chị Trử bị cắt. Mặc dù vậy, do chị đã thạo nghề nên khi ai đó nhờ thì lập tức đi đến chứ không hề từ chối. Chị tâm niệm giúp được ai thì giúp, “mẹ tròn con vuông” là điều vui nhất.

Sức khỏe - Cống hiến thầm lặng của những 'cô đỡ thôn bản' vùng cao: “Cánh tay nối dài” của ngành y tế tại vùng núi biên giới (Bài 1) (Hình 2).

Bộ đồ nghề đỡ đẻ đã theo chị Trử nhiều năm.

Những ngày này, cơn mưa nặng hạt liên tục trút xuống biên giới Việt - Lào khiến đoạn đường rừng vào bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn nhão nhoẹt bùn đất, đi lại vô cùng khó khăn. Mặc dù vậy, “cô đỡ thôn bản” Ngô Thị Hương (46 tuổi, trú bản Khánh Thành) vẫn mặc áo mưa, chạy xe đến thăm khám cho một phụ nữ vừa sinh con cách đây không lâu.

“Nhà cách nhau chừng 4km nhưng do đường trơn trượt nên tôi phải mất nửa giờ di chuyển, đến nơi thì quần áo cũng lấm lem bùn đất. Mặc dù mệt nhưng thấy mẹ con khỏe mạnh thì tôi cũng đỡ lo”, chị Hương nói.

Trước đó, khi biết sản phụ này mang thai thì chị Hương thường lui tới nhà hỏi thăm sức khỏe, tư vấn kiến thức về sinh sản, đồng thời khuyên đi khám thai định kỳ, đến trạm y tế xã sinh con. Phải mất rất nhiều thời gian tư vấn, khuyên giải thì gia đình sản phụ mới đồng ý sẽ ra trạm y tế sinh.

Bất ngờ, trước ngày dự sinh cả tuần thì sản phụ này có dấu hiệu chuyển dạ. Ngay lập tức, gia đình đã gọi “bà đỡ” tới hỗ trợ. Nhận được điện thoại cầu cứu, chị Hương chỉ kịp rửa chân tay rồi mang bộ dụng cụ chạy xe tới nhà đỡ đẻ. Với sự hỗ trợ kịp thời của chị Hương nên may mắn sản phụ sinh con thành công.

Sức khỏe - Cống hiến thầm lặng của những 'cô đỡ thôn bản' vùng cao: “Cánh tay nối dài” của ngành y tế tại vùng núi biên giới (Bài 1) (Hình 3).

Chị Hương vẫn miệt mài làm nhiệm vụ “cô đỡ thôn bản” dù không có phụ cấp.

Nói thêm về cơ duyên đến với nghề “cô đỡ thôn bản”, chị Hương chia sẻ: “Bản Khánh Thành là nơi sinh sống của người Khơ Mú. Phụ nữ nơi đây vốn quen sinh con ở nhà, có người đi làm nương rẫy rồi sinh con trong chòi canh, hiếm khi đến trạm y tế xã. Tôi đã chứng kiến nhiều ca sinh khó vì vậy trong lòng cảm thấy day dứt lắm”.

Năm 2018, trên xã thông báo về việc có một khóa đào tạo “cô đỡ thôn bản” miễn phí trong 6 tháng ở Trường đại học Y khoa Vinh, vì vậy chị Hương quyết định đăng ký đi học để về hỗ trợ chị em sinh nở. Gần 5 năm làm cô đỡ của bản, chị Hương không nhớ đã giúp bao nhiêu trường hợp “mẹ tròn con vuông” ngay tại nhà.

Nhắc đến tiền trợ cấp, chị Hương lắc đầu bảo lúc đi học thì nghe thông tin về việc khi nào có dự án thì sẽ có hỗ trợ, nhưng mãi không thấy gì. Cũng có những lúc, chị tính bỏ nghề, nhưng rồi không dứt ra được do đã trót yêu nghề.

“Người thân cũng nói không có lương, lại còn tốn cả tiền xăng xe thì làm chi cho cực, nhưng mà giờ mình quen việc rồi, gắng vừa làm việc nhà vừa tranh thủ giúp mọi người thôi”, chị Hương cười trừ.

Hằng tháng, chị đều đặn tới từng nhà có người sắp sinh để thăm khám, tư vấn kiến thức sinh sản, vận động sản phụ tới bệnh viện hoặc trạm y tế xã sinh con. Chị cũng khuyên nhủ thai phụ bỏ uống rượu, hút thuốc, hạn chế làm việc nặng trong thời gian mang bầu để sinh con an toàn, khỏe mạnh.

Sức khỏe - Cống hiến thầm lặng của những 'cô đỡ thôn bản' vùng cao: “Cánh tay nối dài” của ngành y tế tại vùng núi biên giới (Bài 1) (Hình 4).

Gắn bó nhiều năm với công việc, chị Hương làm nghề vì tâm và trách nhiệm.

Làm nghề bằng tâm và trách nhiệm

Ông Nguyễn Trọng Hương, Trưởng trạm y tế xã Nậm Cắn cho biết, dù không có trợ cấp nhưng các “cô đỡ thôn bản” của xã vẫn hoạt động rất năng nổ, góp phần rất lớn trong việc nâng cao kiến thức sinh sản cho phụ nữ vùng biên giới. Ngoài tuyên truyền, vận động các bà bầu đến cơ sở y tế sinh con, các cô đỡ còn đến trạm y tế để hỗ trợ các bà bầu “vượt cạn”.

Hơn thế nữa, trạm y tế xã Nậm Cắn có 4 nhân viên y tế nhưng không ai nói được tiếng Khơ Mú, tiếng H’mông. Vậy nên khi có sản phụ nghe nói tiếng Kinh không rõ thì trạm phải gọi các cô đỡ tới phiên dịch, hướng dẫn thai phụ làm các thao tác hít sâu, rặn đẻ.

“Đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, vai trò của “cô đỡ thôn bản” rất quan trọng vì Kỳ Sơn là huyện miền núi với những bản khó khăn. Để vận động sản phụ đến cơ sở y tế khám thai là cả một vấn đề. Vận động họ đến sinh con tại cơ sở y tế lại là vấn đề nữa. Vì thế, tỷ lệ sinh đẻ tại nhà vẫn rất cao, nhất là ở các bản nằm sát khu vực biên giới”, ông Hương nói.

Đơn cử, vào chiều 5/6/2022, chị Xồng Y Bi (32 tuổi), trú bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn nên được chồng chở bằng xe máy đến trung tâm y tế để sinh con. Tuy nhiên do quãng đường hơn 20km nên sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ. Người dân địa phương phát hiện sự việc liền gọi điện báo cho cán bộ Trạm Y tế xã Nậm Cắn. Sau khi nhận được tin, chị Vi Thị Loan, nhân viên của trạm, đã gọi thêm một “cô đỡ thôn bản” đã mang các dụng cụ y tế đến để đỡ đẻ cho sản phụ. Nhờ các nhân viên y tế biết tiếng H'mông nên việc đỡ đẻ khá thuận lợi.

Sức khỏe - Cống hiến thầm lặng của những 'cô đỡ thôn bản' vùng cao: “Cánh tay nối dài” của ngành y tế tại vùng núi biên giới (Bài 1) (Hình 5).

Các nhân viên y tế và người đi đường đã hỗ trợ thành công ca sinh con bên đường tại xã Nậm Cắn.

Theo Trưởng trạm y tế xã Nậm Cắn, đội ngũ “cô đỡ thôn bản” ở huyện Kỳ Sơn có cùng ngôn ngữ, phong tục tập quán, lại được trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nên dễ dàng tiếp cận người dân để tuyên truyền vận động, thuyết phục bà con từ bỏ tập quán lạc hậu và hướng dẫn gia đình chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh theo khoa học. Ngoài khám thai, hỗ trợ bà mẹ lúc sinh, các “cô đỡ thôn bản” còn có vai trò quan trọng trong phát hiện trường hợp bất thường ở bà mẹ và trẻ sơ sinh để chuyển đến cơ sở y tế.

Chia sẻ thêm về việc này, ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết, địa phương có nhiều thôn bản thuộc khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn, cũng vì vậy tỉ lệ phụ nữ sinh con ở nhà còn cao, như: bản Huồi Nhã lên tới 80%, bản Huồi Pốc có 75%, bản Nam Khiên II có 30%... Địa hình đồi núi, khí hậu khắc nghiệt nên việc đi lại, thăm khám cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Các chế độ chính sách cũng hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu khá nhiều, dẫn đến khó khăn trong việc chẩn đoán, chữa bệnh.

“Vì vậy, “cô đỡ thôn bản” đóng góp đáng kể vào thành công chung trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản của địa phương. Hiện nay, lực lượng “cô đỡ thôn bản” hiện chưa được hỗ trợ chi phí nhưng đây là lực lượng hoạt động vô cùng tích cực”, ông Chày nói.

Ông Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết: “Hiện tại, huyện có 192 y tế thôn bản, 285 y, bác sĩ tại xã, TTYT huyện phục vụ thăm khám cho hơn 82.000 người dân trên địa bàn. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám thai định kỳ cho người dân còn nhiều khó khăn, tại 21 trạm xá, thị trấn của huyện thì chỉ có 1/3 xã đáp ứng được nhiệm vụ này Riêng “cô đỡ thôn bản” thì không có lương nên phần lớn họ đã bỏ nghề, địa phương hiện chỉ có 7 người còn hoạt động”.

Bài 2: Chuyện chưa kể về những người đỡ đẻ miễn phí vùng khó khăn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.