Cống hiến thầm lặng của những "cô đỡ thôn bản" vùng cao: Phát huy vai trò “cô đỡ thôn bản” cho sức khỏe người DTTS (Bài 3)

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 5, 28/09/2023 06:00

Đội ngũ “cô đỡ thôn bản” đã giúp các thai phụ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế, hạn chế tai biến không đáng có, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em ở vùng núi.

CỐNG HIẾN THẦM LẶNG CỦA NHỮNG “CÔ ĐỠ THÔN BẢN” VÙNG CAO

LTS: Trong những năm qua, mặc dù không có lương nhưng đội ngũ “cô đỡ thôn bản” đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới.

“Lá chắn” chăm sóc mẹ và trẻ

Trở thành “cô đỡ của bản” từ năm 2018, chị Lộc Thị Ngọc (27 tuổi), ở bản Thung Khang, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An không nhớ nổi đã giúp bao nhiêu sản phụ “mẹ tròn con vuông”. Công việc hằng ngày của chị là thăm khám các bà mẹ mang thai, chăm sóc sức khỏe của mẹ và bé sau khi sinh. Trong đó, chị luôn tư vấn cho các sản phụ theo dõi ngày để ra trạm y tế sinh.

“Chúng tôi ở trong cùng thôn bản, có cùng văn hóa, phong tục tập quán nên dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để thực hiện công tác y tế tại thôn bản. Đã là phụ nữ thì ai cũng lo lắng cho con mình cả nên khi chúng tôi nói thì họ nghe theo. Mấy năm trước đi lại còn khó khăn, nhưng nay đã có đường nhựa chạy thẳng vào bản, vì vậy các bà mẹ cũng chịu đến các cơ sở y tế để sinh con cho an toàn”, chị Ngọc nói.

Điều chị Ngọc thấy buồn là công việc vất vả, phải di chuyển nhiều, nhưng phụ cấp chẳng đáng bao nhiêu. Vì vậy, chị phải kiêm nhiệm thêm một số việc nữa để có thêm thu nhập tiếp tục làm nghề. Cùng khóa đào tạo “cô đỡ thôn bản” với chị hiện nay nhiều người cũng đã bỏ đi làm công nhân với lương 4 – 5 triệu đồng/tháng do không trụ được với phụ cấp ít ỏi.

"Thực tế là tôi cũng đã nhiều lần muốn nghỉ việc nhưng rồi vẫn không thể dứt khoát. Làm cũng được mấy năm, người dân giờ ai cũng biết tôi là “cô đỡ thôn bản” nên thường xuyên gọi khi có việc cần. Sức khỏe của mẹ và bé là quan trọng nhất nên không lẽ mình không đi, lỡ có việc nguy cấp thì tôi ân hận cả đời. Vậy nên tự động viên bản thân là làm việc tích đức cũng được”, chị Ngọc nói.

Sức khỏe - Cống hiến thầm lặng của những 'cô đỡ thôn bản' vùng cao: Phát huy vai trò “cô đỡ thôn bản” cho sức khỏe người DTTS (Bài 3)

Để đảm bảo cuộc sống, chị Hương buôn bán thêm ở chợ nhưng chỉ cần có sản phụ gọi thì chị sẵn sàng tới giúp.

Tương tự, chị Lô Thị Hương là cô đỡ tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết, “cô đỡ thôn bản” dù được đào tạo khá bài bản nhưng phụ cấp lúc có lúc không, phụ thuộc vào dự án triển khai trên địa bàn, tuy nhiên số tiền này cũng không bõ với công sức họ bỏ ra nên nhiều người không làm nữa. Chị Hương may mắn được kiêm nhiệm y tế thôn bản với phụ cấp 800.000 đồng/tháng, tuy nhiên số tiền đó vẫn không đủ trang trải cuộc sống nên chị ra chợ buôn bán để có tiền cho con ăn học.

“Mặc dù rất vất vả, nhưng vì tình yêu nghề tôi quyết định gắn bó. Chỉ mong rằng, các cấp chính quyền quan tâm hơn, tăng thêm phụ cấp cho chúng tôi, để bớt phần khó khăn trong cuộc sống”, chị Hương tâm sự.

Trước đó, “cô đỡ thôn bản” hoạt động từ 2013-2019 không có lương, nhưng may mắn hàng tháng vẫn được nhận phụ cấp ít ỏi từ các dự án y tế về chăm sóc sức khỏe mẹ và bé thuộc đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, những dự án này phần lớn đã bị dừng, hoặc có cũng rất ít nên tiền đi lại, tiền xăng xe không có, ảnh hưởng lớn đến công việc hàng ngày của “cô đỡ thôn bản”.

Sức khỏe - Cống hiến thầm lặng của những 'cô đỡ thôn bản' vùng cao: Phát huy vai trò “cô đỡ thôn bản” cho sức khỏe người DTTS (Bài 3) (Hình 2).

Sản phụ Vừ Y Cu (17 tuổi, huyện Quế Phong) dự định sinh con ở nhà nhưng do khó sinh, không có “cô đỡ thôn bản” nên phải nhờ 10 thanh niên khiêng võng ra trạm y tế cách hơn 15km.

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, những năm qua, Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỉnh này vẫn đang gặp những thách thức trong việc giảm chênh lệch đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc.

Theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, bên cạnh sự hy sinh, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ “các cô đỡ thôn bản”, rất mong cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như cơ quan chuyên môn quan tâm đến chế độ, chính sách của các “cô đỡ thôn bản” để họ gắn bó và yêu nghề hơn.

“Không quản ngày đêm, nắng mưa hay đường sá xa xôi, đội ngũ “cô đỡ thôn bản” luôn làm tốt việc quản lý phụ nữ mang thai, đỡ đẻ tại nhà, thầm lặng với công việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em ở những bản làng. Với các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, việc duy trì hoạt động của đội ngũ y tế thôn bản và “cô đỡ thôn bản” là rất cần thiết”, ông Sơn đánh giá.

Sức khỏe - Cống hiến thầm lặng của những 'cô đỡ thôn bản' vùng cao: Phát huy vai trò “cô đỡ thôn bản” cho sức khỏe người DTTS (Bài 3) (Hình 3).

Tại các huyện miền núi tỉnh Nghệ An, rất ít phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tư vấn, khám sức khỏe sinh sản, nếu không được hỗ trợ.

Xây dựng chính sách đãi ngộ đối với “cô đỡ thôn bản

Ngày 10/3/2023, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban dân tộc và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ “cô đỡ thôn bản”.

Tại đây, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc chia sẻ, Uỷ ban Dân tộc ghi nhận những công lao to lớn của đội ngũ các “cô đỡ thôn bản”, đã ngày đêm không quản nắng mưa, “vác tù và hàng tổng”, đi từng ngõ, gặp từng nhà, tuyên truyền vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ DTTS trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em.

Tuy nhiên, trong thời gian qua mạng lưới “cô đỡ thôn bản” đang gặp trở ngại do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trong bối cảnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với Dự án 7, có nội dung hỗ trợ đội ngũ này được coi là cơ hội để động viên “cô đỡ thôn bản” tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của người dân ở vùng khó.

“Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với 10 dự án thành phần, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ đội ngũ “cô đỡ thôn bản” (thuộc Dự án 7)”, ông Y Thông chia sẻ.

Sức khỏe - Cống hiến thầm lặng của những 'cô đỡ thôn bản' vùng cao: Phát huy vai trò “cô đỡ thôn bản” cho sức khỏe người DTTS (Bài 3) (Hình 4).

Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản vào ngày 10/3 tại Hà Nội. Ảnh Bộ Y tế.

Trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ “cô đỡ thôn bản”, chiều 10/3, tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã có buổi gặp mặt thân mật 30 “cô đỡ thôn bản” tiêu biểu trên toàn quốc. Đại diện Bộ Y tế ghi nhận mạng lưới “cô đỡ thôn bản” đã góp phần không nhỏ vào thành tựu của Việt Nam trong việc hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước đây và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để khắc phục tình trạng “cô đỡ thôn bản” không có chế độ phụ cấp, tại 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành chế độ phụ cấp là 0,5% lương tối thiểu đối với đối tượng này. Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc thực hiện vẫn phụ thuộc vào ý muốn của địa phương trong quá trình triển khai các quy định của Nhà nước. Chính vì vậy, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị vận động chính sách cho đối tượng “cô đỡ thôn bản” để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Sức khỏe - Cống hiến thầm lặng của những 'cô đỡ thôn bản' vùng cao: Phát huy vai trò “cô đỡ thôn bản” cho sức khỏe người DTTS (Bài 3) (Hình 5).

Các đại biểu ký tên cùng chung tay thực hiện chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn, bản vì sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có Tờ trình số 1153/TTr-BYT ngày 05/8/2021 và Tờ trình số 2072/TTr-BYT ngày 15/12/2021 về giải pháp thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết để đáp ứng việc duy trì đội ngũ nhân viên y tế thôn bản.

“Tôi mong các “cô đỡ thôn bản” khắc phục các khó khăn, tiếp tục phát huy các kiến thức, kỹ năng của mình để giúp đỡ, chăm sóc cho các phụ nữ, trẻ em ở cộng đồng của mình, đóng góp vào việc giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở đồng bào dân tộc thiểu số tại những vùng khó khăn”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan gửi gắm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 31/1/2023 đã có 1.528 cô ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, có đến 638 cô đỡ chưa được hưởng phụ cấp nhưng vẫn hoạt động, ngày đêm tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Số cô đỡ được hưởng phụ cấp chỉ có 911 người, trong đó 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.