Việc không chỉ điểm thi THPT mà cả điểm thi vào lớp 10 của thí sinh năm nay cũng được công khai trên mạng Internet, khiến nhiều người lo ngại điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các em học sinh, thậm chí đây còn là hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền riêng tư.
Liên quan đến vấn đề này, nhà văn, nhà báo Trương Anh Ngọc cũng có những chia sẻ về quan điểm của mình trên trang cá nhân. Báo điện tử Người Đưa Tin xin trân trọng đăng tải bài viết của anh:
“Tôi còn nhớ là thời của bọn tôi, muốn biết điểm thi, phải đến trường mà xem. Người ta dán những bảng điểm cùng tên người vào những tấm bảng. Ai cũng đến xem với sự hồi hộp và cả lo lắng nữa. Thái độ của mọi người sau khi biết kết quả cũng rất khác nhau.
Bây giờ, việc công bố điểm một cách công khai trên mạng được cho là một hướng đi đúng, tiết kiệm, tiện lợi mà ai ở bất cứ đâu cũng có thể tra cứu được. Nhưng trên thực tế, đúng là cách làm này có một bất cập lớn, nó không bảo vệ được danh tính và kèm theo nó là thông tin cá nhân của các thí sinh. Một vấn đề không hề đơn giản như những người làm điểm thi hình dung, nhất là trong thời đại xã hội mạng mà thông tin cá nhân có ý nghĩa lớn như thế nào. Nó có thể bị lợi dụng để nhục mạ và gây sức ép công khai trên mạng xã hội, nó cũng có thể được dùng để tạo ra sự cạnh tranh giữa các thí sinh, thúc đẩy một cuộc chạy đua về điểm số, tóm lại là thành tích, giữa người này và người kia.
Bạn có thể cho là tôi quan trọng hoá vấn đề. Nhưng bạn có biết là đã xảy ra nhiều trường hợp học sinh bỏ nhà ra đi hoặc tệ hơn là tự tử, do bị tổn thương về tâm lý, vì xấu hổ với bạn bè, thầy cô, hàng xóm vì điểm thi thấp? Chúng ta cũng đã bao giờ đặt ra câu hỏi về việc nhiều nền giáo dục của các nước tiên tiến và phát triển trên thế giới vẫn dùng phương pháp thủ công, là gửi thư cho từng thí sinh để báo điểm cho họ, báo cho họ biết là trúng hoặc trượt? Việc gửi thư như thế vừa đảm bảo được bí mật cá nhân, vừa cho thấy sự trân trọng đối với họ. Tiền gửi mỗi lá thư ấy do tiền thuế của dân trả, nghĩa là chính bạn phải bỏ tiền ra, một số tiền rất nhỏ, để đảm bảo thông tin của cá nhân mình.
Ngay cả việc họp phụ huynh cũng thế. Người ta chỉ họp chung với tất cả các phụ huynh khi có vấn đề chung, nhưng đối với từng học sinh, người ta bố trí cho bố mẹ gặp riêng với các giáo viên chủ nhiệm và bộ môn để họ nói chuyện với nhau. Con cái họ có vấn đề gì hoặc giỏi giang thế nào, chỉ có bố mẹ đứa trẻ và đứa trẻ biết với nhau mà thôi.
Bạn đã bao giờ đặt ra câu hỏi tại sao họ làm thế? Họ làm thế là vì bạn, vì thông tin cá nhân và bí mật đời tư là một quyền được pháp luật quy định và bảo vệ”.