Công khai giá nhập khẩu góp phần gỡ bỏ nút thắt đấu thầu thiết bị y tế

Công khai giá nhập khẩu góp phần gỡ bỏ nút thắt đấu thầu thiết bị y tế

Đặng Ngọc Thuỷ

Đặng Ngọc Thuỷ

Thứ 6, 22/12/2023 12:22

Thực tiễn công tác thanh tra đấu thầu y tế cho thấy, việc công khai nhập khẩu thiết bị y tế giúp cơ sở y tế nhận định đúng giá thiết bị để xây dựng dự toán.

500 tỷ USD chi cho y tế bị tổn thất do tham nhũng

Sáng 22/12, Viện Chiến lược & Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức hội thảo “Dự thảo Báo cáo kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công ở Việt Nam” nhằm góp ý hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm PCTN trong đấu thầu y tế. 

TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược & Khoa học thanh tra đánh giá, tình hình tham nhũng tiêu cực (TNTC) trong lĩnh vực y tế công ở Việt Nam có diễn biến phức tạp; các vụ với quy mô lớn, nhỏ diễn ra trên phạm vi cả nước trong các lĩnh vực đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế (TBYT) và vật tư y tế.

Chính sách - Công khai giá nhập khẩu góp phần gỡ bỏ nút thắt đấu thầu thiết bị y tế

TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược & Khoa học thanh tra.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những bất cập của khung pháp luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNTC trong lĩnh vực này. Do đó, việc tổ chức nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung chính sách, pháp luật có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với việc gia tăng các biện pháp kiểm soát từ phía nhà nước như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm phát hiện, xử lý các hành vi thì việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả phòng ngừa trong lĩnh vực này – thông qua hoàn thiện thể chế, chính sách đã và đang được Đảng, Chính phủ và các ngành, các cấp hết sức quan tâm. 

"Bên cạnh mục đích phát hiện và xử lý sai phạm, thì nhận diện những lỗ hổng của chính sách, pháp luật, nhận diện những bất cập trong quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan luôn là mục đích được thượng tôn ở vị trí số 1 công tác thanh tra", ông Văn nêu. 

Chính sách - Công khai giá nhập khẩu góp phần gỡ bỏ nút thắt đấu thầu thiết bị y tế (Hình 2).

Các đại biểu chủ trì hội thảo. 

Tại hội thảo, bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam đánh giá, đấu thầu trong y tế là cấu phần quan trọng trong mua sắm công. Khối lượng mua sắm nhiều cùng số tiền lớn dễ dẫn đến tham nhũng trong lĩnh vực này. Việc tham nhũng dẫn đến thiếu hiệu quả của đấu thầu, kéo theo lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến người bệnh và cộng đồng.

"Có đến 500 tỷ USD chi toàn cầu cho y tế bị tổn thất do tham nhũng. Hơn 140 nghìn trẻ qua đời mỗi năm vì không được chăm sóc sức khỏe dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người dân. Đây thật là điều tội tệ", bà nói. 

Việt Nam đã có tầm nhìn đúng về công tác PCTN. Sau Covid - 19, bên cạnh việc phục hồi phát triển kinh tế, Việt Nam đã tập trung về mua sắm công cũng được trú trọng. qua hội thảo này có thể tăng cường hiệu quả cho mua sắm công tại Việt Nam.

Công khai giá nhập khẩu - gỡ nút thắt đàm phán giá

Tại hội thảo, Th.s Lê Văn Đức (Viện trưởng Viện Chiến lược & Khoa học thanh tra) cho hay, công tác đấu thầu còn tồn tại nhiều vi phạm, nguyên nhân đến từ cả cơ chế chính sách, yếu tố con người và đặc thù của ngành y tế. 

Đấu thầu TBYT trước đây áp dụng theo quy định của Luật đấu thầu 2023; Thông tư 58/2016 của Bộ Tài chính; Quyết định 80 của Thủ tướng Chính Phủ liên quan đến mua sắm tập trung. 

Theo đó, các quy định yêu cầu về việc tham khảo 3 báo giá nhưng TBYT có tính đặc thù riêng. Nhiều thiết bị chỉ có 1-2 hãng trên thế giới có thể sản xuất. Do đó, thực tế nhiều cơ sở y tế không có cơ sở đàm phán, tham khảo đúng giá bởi hồ sơ dự thầu đều bị che đi giá nhập khẩu. 

Trong khi đó, các đơn vị thẩm định giá công bố chứng thư thẩm định giá không khách quan, không thực hiện đúng và đủ các phương pháp, quy trình thẩm định giá. Qua công tác thanh tra của TTCP phát hiện vấn đề nổi cộm là sự móc ngoặc của chủ đầu tư với nhà thầu và đơn vị thẩm định giá, dẫn đến TNTC. 

Chính sách - Công khai giá nhập khẩu góp phần gỡ bỏ nút thắt đấu thầu thiết bị y tế (Hình 3).

Ông Lê Văn Đức - Viện trưởng Viện Chiến lược & Khoa học thanh tra.

Luật đấu thầu sửa đổi mới được Quốc hội thông qua và sắp có hiệu lực vào 1/1/2024, có nhiều quy định cải cách, đơn giản hoá quy trình thủ tục đấu thầu, tăng tính chủ động của bên mời thầu và đẩy mạnh đấu thầu qua mạng.

Luật cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; cho phép áp dụng cơ chế đàm phán giá đối với gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm; đàm phán giá đối với gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ 1 hoặc 2 hãng sản xuất.

Nghị định 88/2023 mới ban hành tháng 12/2023 đã thể hiện nội dung phải công khai dữ liệu nhập khẩu từ cơ quan hải quan. Ông Đức đánh giá, điều này sẽ gỡ "nút thắt" cho các cơ sở y tế trong việc có căn cứ xác định giá, đàm phán giá.

Ông Đức thông tin, các quy định sửa đổi trên được xây dựng qua kiến nghị từ thực tiễn công tác thanh tra của TTCP. Bởi, Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước duy nhất cấp giấy phép nhập khẩu TBYT cho các doanh nghiệp nhưng chưa kịp thời có các biện pháp, công khai, minh bạch thông tin về các doanh nghiệp được cấp giấy phép nhập khẩu, giá nhập khẩu nên các cơ sở y tế không có hoặc không tiếp cận được thông tin nhập khẩu để gửi báo giá phục vụ xây dựng giá kế hoạch mua sắm.

Chính sách - Công khai giá nhập khẩu góp phần gỡ bỏ nút thắt đấu thầu thiết bị y tế (Hình 4).

Các chuyên gia góp ý tại hội thảo.

Ông Patrick Haverman - Quyền Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ tán thành với việc công khai, minh bạch giá TBTY như quy định mới của Việt Nam. 

Ông cũng đưa ra ý kiến, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch dài hạn, đảm bảo nguồn ứng thuốc và TBYT. Ông lưu ý, người bệnh thường có quan niệm thuốc tốt là thuốc bản quyền, đắt tiền. Nhưng quan điểm đó không hoàn toàn đúng, bởi giá cao đôi khi phụ thuộc vào chiến lược quảng cáo. Còn thực tế, nhiều thuốc phổ thông vẫn rất tốt. 

Do đó, vì chỉ tập trung mua thuốc bản quyền đồng nghĩa với việc tự giới hạn năng cạnh tranh của đấu thầu. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể ưu tiên sản xuất trong nước, nhưng để phát triển sản xuất nội địa cần nghiên cứu rất kỹ về chi phí đầu tư, nếu chi phí quá cao sẽ không hiệu quả.

Ông Patrick Haverman cho biết, UNDP sẽ hỗ trợ Việt Nam về giải quyết các vấn đề liên quan đến đấu thầu tập trung về thuốc, TBYT và đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào đấu thầu. "Hiện có 110 bước tổ chức đấu thầu tập trung, nếu áp dụng kỹ thuật số sẽ tinh giảm được 30 bước trong đó", ông nói. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.