Công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận: Nên hay không?

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 20/11/2024 13:59

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, hoạt động của nhà giáo không phải bí mật quốc gia. Nhà giáo cũng như mọi công dân trong mọi lĩnh vực khác, nếu nhà giáo sai phạm thì người dân có quyền phản ánh.

Nhà giáo sai phạm thì người dân có quyền phản ánh

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 20/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Tham gia ý kiến, ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) nêu thực tế trong bối cảnh hiện nay, khi quyền của phụ huynh và học sinh đang được đề cao, dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, đặc biệt là quyền để bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình, cụ thể hơn là quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự trên không gian mạng. 

Vì vậy, đại biểu ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện, nhằm bảo vệ nhà giáo.

Công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận: Nên hay không?- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu đồng tình với quy định tại Điều 11 quy định tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo. 

Quy định này không vướng với các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố nào để bênh vực nhà giáo mà thực chất sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo. 

"Quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay", bà Hà nêu ý kiến.

Đối với quy định về công tác đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức nhà giáo, bà Hà cho biết, thời gian gần đây một số vụ việc giáo viên có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực, có hành vi phản cảm trong môi trường tôn nghiêm trong môi trường sư phạm, vi phạm đạo đức nhà giáo và ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh, cũng như giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy.

Tại khoản 3 Điều 10 đã quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quy tắc ứng xử của nhà giáo nhưng cần rà soát quy định tại các điều, khoản khác để làm rõ hơn các quy định của nhà giáo, tính nêu gương của nhà giáo. 

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi, bạo lực xúc phạm nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh. Các chế tài xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cần cụ thể và rõ ràng hơn.

Trong khi đó, quan tâm tới quy định những việc không được làm đối với nhà giáo, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhất trí với việc không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo, gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, danh dự và nhân phẩm của nhà giáo.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xem xét lại việc không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo.

Công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận: Nên hay không?- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo đại biểu, hoạt động của nhà giáo không phải bí mật quốc gia. Nhà giáo cũng như mọi công dân trong mọi lĩnh vực khác của xã hội nên trong quá trình hoạt động phải tuân thủ mọi quy định pháp luật và phải chịu sự giám sát của nhân dân, của phụ huynh và của cả học sinh về hoạt động của mình.

"Nếu nhà giáo sai phạm thì người dân có quyền phản ánh, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan thông tấn, báo chí có quyền đưa tin cũng là một hình thức công khai trước dư luận", đại biểu nêu.

Đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật là không phù hợp với các quy chế, quy định của pháp luật và dễ gây dư luận trái chiều.

Thiếu quy định bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp

Nêu ý kiến, ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn Nghệ An) cho rằng, trong dự án Luật cần có quy định bảo vệ nhà giáo để họ an tâm công tác, cống hiến hiệu quả trong giảng dạy. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và những yếu tố khác...

Công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận: Nên hay không?- Ảnh 3.

ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo bà Hiền, nhà giáo cần được đảm bảo môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp. Bên cạnh những quy định của dự thảo luật về quyền nhà giáo được thể hiện trong hoạt động nghề nghiệp. 

Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo luật phân tích các quy định hiện hành đối với nhà giáo chỉ đề cập đến việc cấm nhà giáo thực hiện mà chưa có những quy định về việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngoài nhà trường không được làm đối với giáo viên.

Bà Hiền cho rằng, báo cáo cũng thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; thiếu các chính sách để xây dựng môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, tránh những can thiệp tiêu cực, thậm chí xúc phạm nhà giáo trong các hoạt động nghề nghiệp như một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây. 

"Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh, làm gia tăng tình trạng lệch chuẩn trong nhà trường, gia tăng bạo lực học đường, gia tăng và phát sinh những căn bệnh xã hội đối với tuổi học trò", bà Hiền nêu. 

Do đó, đại biểu cho rằng cần bổ sung những quy định về quyền nhà giáo trước những tác động của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nhà trường. 

Đối với nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, cần khuyến khích việc áp dụng kỷ luật tích cực trong nhà trường và có những quy định cụ thể từ phía ngành, sự ủng hộ của gia đình và phụ huynh cũng như là của xã hội.

Về những việc không được làm, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị bổ sung nội dung: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của nhà giáo vào trước điểm a khoản 3 Điều 11 để đảm bảo nhà giáo được bảo vệ và giúp nhà giáo thực sự thấy an tâm với nghề nghiệp, yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. 

Đồng thời, bổ sung thêm một nội dung từ chối tiếp nhận, giáo dục học sinh, trừ trường hợp pháp luật có quy định, tránh xảy ra trường hợp này và có cơ sở để xử lý vi phạm đối với giáo viên khi từ chối tiếp nhận giáo dục học sinh cá biệt.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.