Theo đó, mới đây Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Xuân. Tại đây, lãnh đạo thành phố đã giải đáp các thắc mắc, mong mỏi của người dân Thủ đô trước việc con sông Tô Lịch trăm năm tuổi vẫn "chết dần" dù các giải pháp của chuyên gia trong và ngoài nước đã được thực hiện.
Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội - Lê Văn Dục cho biết, thành phố đang nghiên cứu 3 phương án giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Việc thu gom toàn bộ nước thải, lãnh đạo sở Xây dựng cho rằng không khả thi do có quá nhiều điểm xả thải, chi phí xây dựng sẽ rất lớn.
Bức xúc trước phát ngôn của giám đốc sở Xây dựng, phía đại diện cho công nghệ Nhật Bản, tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JEBO) vừa có phản bác trước phát ngôn trên. JEBO cho rằng, ông Lê Văn Dục đã phát ngôn một cách vô trách nhiệm, vô căn cứ, trái với kết luận của UBND Thành phố và không đúng chuyên môn về môi trường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của Công nghệ Nhật Bản khi nói về kết quả thí điểm của Công nghệ Nano-Bioreactor tại sông Tô Lịch là thất bại. JEBO cho hay, phát biểu của ông Lê Văn Dục rằng đã có sự thất bại về thí điểm của công nghệ Nano-Bioreactor là không phù hợp.
Đơn vị bày tỏ tôn trọng ý kiến của Chủ tịch TP. Hà Nội về việc không thông tin cho báo chí. Nhưng đơn vị cũng cho rằng, việc Giám đốc sở Xây dựng cố tình phát biểu vô căn cứ, không hiểu mục tiêu, trái kết luận của UBND TP, nên buộc đơn vị phải lên tiếng để bảo vệ danh dự của công nghệ Nhật Bản cũng như danh dự cá nhân liên quan tới dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch.
JEBO cho rằng: "Ông Lê Văn Dục - Giám đốc sở Xây dựng cố tình phát biểu vô căn cứ, không hiểu mục tiêu, trái kết luận của UBND thành phố như thế (chúng tôi không hiểu động cơ, mục đích là gì?) nên buộc chúng tôi phải lên tiếng để bảo vệ danh dự của công nghệ Nhật Bản cũng như danh dự cá nhân chúng tôi liên quan tới dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch".
Theo kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn của Việt Nam, chất lượng nước khu vực thả cá Koi trên sông Tô Lịch và hồ Tây cho thấy, 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần…
Ngoài ra, cá Koi và cá chép Việt Nam thả tại khu vực nước sau xử lý tại khu thí điểm sống và sinh trưởng tốt sau gần 2 tháng cho đến ngày chuyển sang hồ Tây.
Theo đánh giá của người dân sống cạnh khu vực thí điểm, mặc dù hàng ngày vẫn có lượng nước thải chưa qua xử lý liên tục xả trực tiếp vào khu vực thí điểm, tuy nhiên gần như không còn mùi hôi thối tại khu vực xử lý thí điểm.
Sau khi được thử nghiệm thành công, toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ thí điểm của đơn vị này cũng đã được tháo dỡ khỏi sông Tô Lịch.