Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết điều đặc biệt và khác biệt so với mùa giải lần thứ nhất là chúng ta có thể cảm nhận rất rõ sự thoải mái, an toàn khi dịch Covid-19 gần như đã được kiểm soát hoàn toàn ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, điều này có được là nhờ sự đóng góp quan trọng của các công trình nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng chống Covid-19. Trong đó, nổi bật là công trình phát triển công nghệ mRNA, nền tảng của vắc-xin Covid-19 đã được chứng minh sức ảnh hưởng với hơn 150 quốc gia hưởng lợi từ nghiên cứu này. Và các nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học tuyệt vời này đã được vinh danh với Giải thưởng Chính tại Lễ trao giải thưởng VinFuture 2021.
"Hôm nay, tại đây, trong Lễ trao giải VinFuture lần thứ 2, tôi vẫn muốn trân trọng biết ơn, nhắc tới họ một lần nữa vì cống hiến, phụng sự nhân loại của: Tiến sĩ Katalin Karikó, Giáo sư Pieter Cullis và Giáo sư Drew Weissman", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Nói về VinFuture 2022, theo Chủ tịch Quốc hội, nếu bảo vệ sức khỏe là thách thức của nhân loại năm 2021 thì "Tái thiết và Hồi sinh" chính là vấn đề cấp thiết mà thế giới phải đối mặt năm 2022 và nhiều năm tiếp theo. Đây cũng là chủ điểm mà VinFuture 2022 đặt ra hậu đại dịch Covid-19, thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh "Khoa học phụng sự nhân loại" nhất quán của VinFuture.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khoa học công nghệ đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc văn minh nhân loại. Khoa học công nghệ cũng giúp con người vượt qua những "cơn đại hồng thủy" như đại dịch Covid-19 vừa qua.
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ tiếp tục là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của cả nhân loại trong thời đại mới, giúp cho con người có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, ấm no hơn, hạnh phúc hơn.
"Không chỉ là sợi dây bền chặt gắn bó các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, VinFuture còn là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hoá những khát vọng khoa học lớn lao để phụng sự nhân loại, đúng như Tiến sỹ Katalin Kariko, một trong những chủ nhân của Giải thưởng Chính Vinfuture lần thứ nhất đã nói: "Từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế"", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Vượt qua 970 đề cử đến từ 71 quốc gia trên 6 châu lục, 4 công trình khoa học xuất sắc được vinh danh năm nay đều thuộc các lĩnh vực đã và đang tác động hàng ngày tới đời sống của hàng tỷ người trên thế giới, gồm: công nghệ - y sinh học - nông nghiệp và môi trường. Điểm chung xuyên suốt nổi bật của tất cả các đề án là đã tạo ra sự "Hồi sinh và Tái thiết" góp phần xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho nhân loại trong tương lai.
Trong đó, Giải thưởng Chính VinFuture 2022 trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 5 nhà khoa học: Sir Timothy John Berners-Lee, Tiến sĩ Vinton Gray Cerf, Tiến sĩ Emmanuel Desurvire, Tiến sĩ Robert Elliot Kahn, và Giáo sư Sir David Neil Payne với các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu.
Công nghệ mạng toàn cầu là kết quả của nhiều phát minh vĩ đại phục vụ nhân loại với hành trình phát triển và hoàn thiện suốt nhiều thập kỷ của nhiều thế hệ nhà khoa học đến từ Vương quốc Anh, Pháp và Hoa Kỳ, tạo ra nền tảng của kinh tế tri thức và là bệ phóng cho các công nghệ đột phá tiếp như Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn.
Đặc biệt, suốt thời gian thế giới bị chia cắt do đại dịch, Công nghệ mạng toàn cầu đã trở thành nền tảng kết nối nhân loại, thay đổi toàn diện phương thức giao tiếp và làm việc của hàng tỷ người trên khắp hành tinh.
Bên cạnh Giải thưởng Chính, VinFuture 2022 cũng trao 3 giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.
Trong đó, Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới đã được trao cho Tiến sĩ Demis Hassabis (Vương quốc Anh) và Tiến sĩ John Jumper (Hoa Kỳ) với công trình tiên phong về hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2, tạo nên cuộc cách mạng trong mô hình hóa cấu trúc protein, thúc đẩy những phát triển đột phá trong lĩnh vực y sinh, y tế và nông nghiệp.
Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã vinh danh Giáo sư Thalappil Pradeep (Ấn Độ) với hệ thống lọc nước nhiễm asen và kim loại nặng chi phí thấp, góp phần mang lại nguồn nước sạch cho hàng trăm triệu người sinh sống tại các khu vực có nguồn nước ô nhiễm trên thế giới.
Cuối cùng, Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ đã ghi nhận công trình nghiên cứu đột phá của Giáo sư Pamela Christine Ronald (Hoa Kỳ) trong việc phân lập gen Sub1A tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn.
Chia sẻ về kết quả của Giải thưởng VinFuture 2022, Giáo sư Sir Richard Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho biết: "Giải thưởng VinFuture 2022 nhận được số lượng đề cử với chất lượng vượt trội từ khắp nơi trên thế giới trong rất nhiều lĩnh vực. Những đề án đoạt giải đều là các công trình nghiên cứu đã và đang thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người và sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai."
"Hội đồng Giải thưởng VinFuture đã tiến hành quy trình đánh giá nhiều vòng nghiêm ngặt để lựa chọn, tôn vinh những trí tuệ vĩ đại cùng những phát minh kiệt xuất. Tôi hy vọng, giải thưởng sẽ góp phần vào việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tạo ra thêm những đột phá có tác động tích cực đến cộng đồng, hướng đến xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là sứ mệnh và trách nhiệm mà chúng tôi luôn nghiêm túc theo đuổi," Giáo sư Sir Richard Friend nhấn mạnh.
Cửu Long