Ngày 28/01, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra hội nghị công bố kết quả bước đầu dự án thí điểm miễn phí xử lý mùi tại hồ nước thải H4 thuộc bãi rác Nam Sơn sau gần 3 tuần thí điểm thuộc công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) thực hiện dự án.
Đại diện các sở của TP.Hà Nội: sở Xây dựng, sở Khoa học và Công nghệ, sở Tài nguyên và Môi trường đại diện Urenco... và chính quyền 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn và Bắc Sơn của huyện Sóc Sơn TP.Hà Nội cùng chuyên gia đã nghe báo cáo kết quả sau 3 tuần thí điểm xử lý hồ nước thải bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản sau gần 1 tháng vận hành.
Theo kết quả khả quan, trực quan của các đơn vị đánh giá mùi độc lập cho thấy, nồng độ mùi tổng hợp và cả nồng độ mùi riêng lẻ của nước rỉ rác đã giảm nhiều nhất gần đạt 100% (cụ thể lần lượt là 99,4% và 99,9% (giảm nhiều nhất lên tới hơn 1300 lần)) đạt cả Quy chuẩn Việt Nam và Nhật Bản.
Đặc biệt, kết quả mùi nền không khí tổng hợp đo tại hiện trường sau 1 tháng xử lý giảm về 1 tức giảm tới 99,7% (trước đó, sau 1 tuần đã giảm 94,2%), đây là chỉ số quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực người dân sinh sống. Cảm quan không còn mùi hôi thối, dự án đã thành công như dự kiến ban đầu của các chuyên gia.
Đại diện sở Xây dựng Hà Nội đánh giá cao sự phối hợp của đơn vị thực hiện dự án và các đơn vị liên quan. Cũng tại hội nghị, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án mới thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng bước đầu đã cho kết quả rất khả quan. Thời gian tới Sở rất mong JVE Group mở rộng nhiều lĩnh vực để làm tốt hơn cho môi trường Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Đại diện sở Khoa học và Công nghệ TP cho biết, đơn vị cũng đồng tình về kết quả bước đầu của dự án. Tuy nhiên, đại diện sở KHCN thắc mắc khi dừng hoạt động các thiết bị này mùi hôi thối có quay trở lại như trước không, chi phí vận hành của thiết bị này như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group cho biết, mùi hôi thối chính là mùi của các khí như H2S (mùi trứng thối), NH3 (mùi khai)... Rất nhiều người nghĩ rằng nó tồn tại, "trú ẩn" trên mặt nước nhưng thực tế không phải, các khí này tích tụ, tồn tại ở trong nước và dưới tầng đáy.
Theo ông Tuấn Anh, hiện nay chúng ta mới áp dụng 2 phương pháp để xử lý mùi hôi thối nói trên, đó là: Che phủ kín bằng bạt HDPE để bịt kín và "nhốt" khí, "trùm kín khí"; Dùng máy phun sương để khử mùi hôi thối sau khi bốc lên trên bề mặt.
"Cả hai giải pháp đang áp dụng tại Việt Nam vẫn là giải pháp chỉ xử lý được ở "phần ngọn" mà chưa đi vào xử lý ở cái gốc của vấn đề là phân hủy các khí gây ra mùi tích tụ ở dưới đáy trước khi nó bay lên mặt nước", ông Tuấn Anh cho hay.
Để xử lý mùi hôi thối gây ra do các khí tích tụ trong nước và dưới tầng đáy thì phải có giải pháp cung cấp oxy, nhưng oxy đó phải "lặn" sâu xuống được tầng đáy thì mới gặp được các khí gây ra mùi đang tích tụ ở tầng đáy thì mới phân hủy được.
"Để dễ hiểu, chúng ta có thể coi là các khí độc gây ra mùi hôi thối đó như các "sư đoàn quân địch" đang đồn trú ở dưới tầng đáy và muốn xử lý hết mùi hôi thối tận gốc thì chúng ta phải điều các "sư đoàn chiến binh bọt khí oxy nano" đi "lặn" xuống đáy thì mới đánh thắng quân địch (là sư đoàn các khí độc) thì mới xử lý được tận gốc mùi hôi thối", ông Tuấn Anh so sánh.
Theo chuyên gia Nhật Bản, sục khí thông thường sẽ chỉ tạo ra bọt khí to (đường kính từ 1~2mm) tồn tại khoảng 5 giây là nổi lên mặt nước và vỡ ra. Tương tự các chiến binh mà khả năng lặn kém thì chỉ 5 giây là ngoi lên mặt nước.
Do vậy, bọt khí oxy thông thường không tồn tại được lâu trong nước và không lặn được xuống dưới tầng đáy được nên nó không gặp và không phản ứng được với các khí gây ra mùi thôi hối trong nước rỉ rác.
Trong khi nếu sục khí nano sẽ tạo ra đồng thời 2 loại bọt khí siêu nhỏ kích thước micro (đường kính <50μm), bọt khí nano (đường kính <50nm) của Nhật Bản sẽ "lặn" vào trong nước và xuống tầng đáy. Đường kính 1~2 mm của bọt khí thông thường là to gấp 20.000~40.000 lần đường kính 50nm của bọt khí nano.
Thời gian "lặn" 1 lần của "sư đoàn chiến binh bọt khí oxy nano" có khả năng "lặn" giỏi như Yết Kiêu khi sục khí tối thiểu là 8 tiếng tức thời gian "lặn" vào trong nước và xuống tầng đáy dài hơn bọt khí thông thường là 5.760 lần (tức gần 6000 lần).
"Do vậy hiệu quả mùi hôi thối được xử lý rất nhanh trong thời gian ngắn bởi khi "lặn" và tồn tại lâu trong nước và tầng đáy thì nó gặp và phân hủy tức thì các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3 (mùi khai), CH4..., do vậy càng sục nano càng hết mùi hôi thối", ông Tuấn Anh giải thích.
GS.TSKH.NGND.Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường thuộc hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá cao công nghệ Bio-Nano Nhật Bản, bước đầu đã cho kết quả khả quan, giải quyết được phần nào bức xúc của người dân sinh sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn.
"Là một người dân Thủ đô, vấn đề ô nhiễm môi trường Hà Nội từ nhiều năm nay gây bức xúc, trăn trở cho người dân. Đặc biệt là tại bãi rác Nam Sơn này, là người theo dõi dự án thí điểm này từ khi JVE Group còn thực hiện tại sông Tô Lịch và bây giờ là bãi rác Nam Sơn thì bằng cảm quan, tôi thấy công nghệ này đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, bức xúc của người dân Hà Nội suốt thời gian qua", ông Nhuệ bộc bạch.
Cũng theo GS.TSKH.Trần Hiếu Nhuệ, thời gian tới Hà Nội có thể cho đơn vị này mở rộng dự án để khử mùi cả ở khu vực rác chôn lấp chứ không ở khu vực hồ rỉ nước của bãi rác Nam Sơn.
Cũng tại hội nghị, đại diện chính quyền 3 xã nằm trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn gồm, xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn đã bày tỏ ủng hộ dự án thí điểm này và mong muốn sẽ được mở rộng, triển khai lâu dài.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, là người dân sinh sống gần đây nên cảm nhận rất rõ sự cải thiện môi trường từ khi thí điểm dự án này. Trong 3 tuần thí điểm công nghệ này, chỉ 2 ngày trong một vài tiếng mùi hôi tại nơi thí điểm mới có, còn các ngày còn lại hoàn toàn không có.
"Nếu cứ cho kết quả khả quan như này, Thành phố nên quan tâm tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện dự án này phát triển và mở rộng lâu dài ở các điểm, các hồ khác trong Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn này", ông Kiên cho hay.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, tâm huyết vì người dân Thủ đô, ngày 06/11/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đã có văn bản về việc giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị có liên quan xem xét, cho ý kiến về đề xuất của JVE Group. Ngay sau đó, UBND Thành phố đã ra các văn bản chỉ đạo hết sức quyết liệt.
Ngày 28/12/2020, Dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn đã được tiến hành lắp đặt thiết bị máy sục khí nano (công suất của loại máy nano được sử dụng lớn gấp 5 lần công suất của máy nano đã lắp đặt thí điểm tại sông Tô Lịch) tại vị trí đã được giao trong Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
Lê Liên