Độ long lanh thể hiện đẳng cấp
Theo Anh Tú (Khâm Thiên - Hà Nội), một dân nghiền công nghệ cao cho biết, kể từ ngày trào lưu thể hiện đẳng cấp của giới trẻ bằng cách sử dụng và liên tục nâng cấp các dòng điện thoại smartphone: iPhone, Galaxy S2, Galaxy S3, Galaxy note..., công nghệ phủ nano được nhiều người săn lùng để bảo vệ sản phẩm đắt tiền này. Theo Hiếu - chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh smartphone gần trường đại học Thương mại, cho biết, giá thành của lớp phủ nano phụ thuộc vào diện tích bề mặt cần bao phủ của sản phẩm: "Với một chiếc iPhone thông thường, để phủ riêng màn hình giá dao động trên dưới 100.000 đồng. Nếu chủ nhân cầu kỳ yêu cầu phủ toàn bộ điện thoại giá khoảng 250.000 - 350.000 đồng/chiếc. Cũng theo đó, để phủ nano cho laptop phải chi phí hàng triệu đồng...".
Trong khi đó, các công đoạn thực hiện lại không quá phức tạp. Nói rồi, anh Hiếu nhanh chóng thao tác trên một chiếc iPhone 4S mới coóng mà chủ nhân là một cô gái trẻ xinh đẹp. Trước tiên, chủ cửa hàng tiến hành lau sạch màn hình bằng một chiếc khăn vải mềm rồi dùng máy sấy tóc sấy qua cho hết ẩm. Dung dịch nano được nhỏ từ một lọ màu trắng trông gần giống với lọ thuốc nhỏ mắt. Vừa tỉ mẩn thực hiện, anh Hiếu vừa giảng giải: "Nhỏ thứ này không tham được vì lớp nano dày quá sẽ khó tráng lên màn hình. Chỉ cần 2 giọt, rồi thoa lên khắp mặt màn hình là đủ độ phủ. Nếu thời tiết nắng nóng thì chỉ cần chờ khoảng 5 - 7 phút cho khô màn hình, rồi dùng khăn sạch lau lại cho lên nước bóng. Nếu thời tiết rét đậm như mấy ngày nay thì phải cần tới sự trợ giúp của máy sấy".
Sau khi hoàn thành công đoạn, anh Hiếu liền thao tác thử độ bền mặc dù chủ nhân ngồi cạnh đang "nín thở" bởi lo "màn biểu diễn" sẽ gây xước chiếc điện thoại đắt tiền. Vẫn là những bài quen thuộc như di thử lên bề mặt bằng chìa khóa xe máy hay đổ nước lên trên đều cho ra kết quả "trơn tuột" và bề mặt máy không hề bị ảnh hưởng. Cũng theo anh Hiếu, dung dịch nano này được tạo nên từ công nghệ phức hợp nano của Mỹ do Singapore sản xuất. Ưu điểm của công nghệ tráng nano là độ trong suốt sáng bóng như pha lê rất dễ nhìn. Các thao tác trên màn hình cảm ứng nhạy hơn so với khi dùng miếng dán bảo vệ màn hình.
Dùng máy sấy để làm khô bề mặt điện thoại sau khi phủ nano
Chia sẻ về hiệu quả của công nghệ tân trang này, Anh Tú gật gù tỏ vẻ hài lòng: "Mặc dù tay mình nhiều mồ hôi nhưng sau khi phủ xong cầm trên tay không còn cảm giác dấp dính. Việc để lại dấu vân tay trên màn hình gần như biến mất. Đặc biệt, nếu nhìn bằng mắt thường thì không biết máy đã được tráng lớp phủ".
Khác với một số quảng cáo như đinh đóng cột của các chủ cửa hàng về tính năng siêu bền, vĩnh cửu của công nghệ cao cấp này. Anh Tú hài hước cho biết, ngày nay những sản phẩm công nghệ cao này thường được trang bị rất nhiều tính năng hấp dẫn kèm theo nên rất dễ gây nghiền cho giới trẻ. Với tần suất tiếp xúc chóng mặt thì tuổi thọ trung bình của lớp phủ nano khoảng 4 - 5 tháng, tùy vào tần suất tác động của người dùng khi chạm tay vào. Nếu muốn bỏ lớp phủ này ngay lập tức, người cung cấp dịch vụ có một loại hợp chất đặc biệt để tẩy đi. Hiện nay, dịch vụ tráng phủ nano còn được nhiều người áp dụng cho tất cả các loại điện thoại, máy tính bảng và laptop.
Dân sành công nghệ hờ hững
Một số chuyên viên công nghệ phân tích, lớp phủ được tạo bởi dung dịch nano thực chất được cấu tạo từ rất nhiều những hạt có kích thước siêu nhỏ. Khi bị tác động từ phía bên ngoài hoặc có nguy cơ bị vật khác chà xát lên bề mặt, chúng sẽ trượt trên các hạt này và không gây ảnh hưởng tới món đồ được bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ bảo vệ này chỉ được nâng cấp hơn so với sự trang bị bảo vệ cơ bản của các nhà sản xuất như những tác động của việc dùng máy thường ngày (nhét vào túi, dùng tay chạm vào, miết qua lại, đặt trên mặt bàn)... đều không thể để lại các vết xước. Tuy nhiên, đối với những hành động "khó đỡ" như sự tác động quá mạnh như làm rơi máy hay dùng vật nhọn chà xát để làm trầy xước thì có phủ nhiều lớp vẫn bị ảnh hưởng như thường".
Theo nguyên lý đó, một số dân sành công nghệ lại tỏ ra hờ hững trước trào lưu làm đẹp dế cưng này. Theo Hạo Anh - nhân viên kỹ thuật của một công ty máy tính trên đường Thái Hà (Hà Nội): "Hầu như bề mặt của các smartphone đều được chú trọng đầu tư sử dụng gorilla các tính năng chống trầy xước màn hình tới mức tối đa. Vì vậy, việc tráng thêm lớp phủ nano hay dán màn hình bình thường cũng chỉ giải quyết vấn đề... tâm lý của người dùng là chính. Thêm vào đó, hiệu quả thẩm mỹ màng chắn bảo vệ cao cấp này mang lại bởi nếu dán màn hình thông thường lúc bóc ra sẽ để lại dấu kéo còn lớp phủ nano thì hoàn toàn không gặp phải sự phiền toái đó".
Trong khi đó, nhiều người lại tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng của lớp phủ bằng hóa chất sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như làn da tay - nơi tiếp xúc trực tiếp lên màn hình, đặc biệt là chị em phụ nữ. Chị Kim Anh (Trần Duy Hưng - Hà Nội) băn khoăn: "Da tay mình rất nhạy cảm nên rất dễ bị mẩn đỏ khi tiếp xúc hóa chất lạ. Họ không tiết lộ thành phần hóa chất đó bao gồm những gì nên mình cũng thấy nghi ngại không biết có độc hại gì hay không...". Vì lo sợ tiền mất tật mang nên chị Kim Anh tặc lưỡi lựa chọn miếng dán màn hình truyền thống cho... lành. Còn với dân sành công nghệ cao như Minh Tú cũng cho hay: "Dán màn hình khi nào xước chỉ việc bóc ra thay cái mới, còn sử dụng loại này khi bị xước nguy cơ sẽ phải thay toàn bộ màn hình. Lúc đó, chi phí còn cao hơn rất nhiều so với số tiền bỏ ra để phủ nano...".
Nguy cơ dùng hóa chất phủ nano kém chất lượng Anh Hiếu bật mí, ăn theo dịch vụ hốt bạc này, một số cửa hàng dán điện thoại vỉa hè cũng gắn biển nhận tráng màn hình bằng công nghệ nano. Tuy nhiên, anh Hiếu cũng cảnh báo: "Khách hàng cần cảnh giác với chiêu trò thật giả lẫn lộn bởi tên gọi có thể giống nhau nhưng về công dụng thì chỉ có thực tế mới chứng minh được". Theo đó, hầu hết những dịch vụ đang có trên thị trường hiện nay đều sử dụng một loại dung dịch xuất xứ từ Trung Quốc. Với giá thành chỉ bằng 2/3, thậm chí những khuyến mại sốc chỉ còn ½ nhưng công dụng tuyệt vời như quảng cáo đến mức độ nào chỉ cần chứng kiến tuổi thọ của chúng là biết. Khi dùng thứ hóa chất rởm này để tráng màn hình, khoảng 1 - 2 tháng, lớp màng phủ sẽ xuất hiện từng vết rạn nhỏ như sợi chỉ chạy khắp màn hình. Theo kẽ hở đó, nước sẽ dễ xâm nhập vào bên trong. Nếu không phát hiện sớm thì sẽ dễ gây hấp hơi khiến màn hình bị mờ dần, thậm chí gây ảnh hưởng các linh kiện bên trong máy. |
Linh Nhi