Giám sát từ xa, bảo vệ từ gốc
Để ngăn chặn tình trạng phá rừng và phát hiện kịp thời các vụ cháy rừng trong mùa khô, những năm qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số đã mang lại những kết quả rõ rệt.
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, tỉnh có tổng diện tích tự nhiên hơn 1,55 triệu ha, trong đó diện tích quy hoạch lâm nghiệp là gần 714,6 ngàn ha, chiếm 46,07% tổng diện tích. Diện tích đất có rừng đạt gần 650 ngàn ha, bao gồm 478,7 ngàn ha rừng tự nhiên, 156,4 ngàn ha rừng trồng và 14,9 ngàn ha rừng trồng chưa thành rừng.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Trương Thanh Hà, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, ngành Kiểm lâm tỉnh cũng đặc biệt chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ.
Ông Hà cho biết, công nghệ số, đặc biệt là Gia Lai FFW, giúp phát hiện mất rừng và theo dõi diễn biến rừng qua bản đồ. Hệ thống cũng hỗ trợ phát hiện đám cháy qua ảnh vệ tinh MODIS và cảnh báo nguy cơ cháy dựa trên điều kiện thời tiết từ các trạm quan trắc.
Ứng dụng Hotspot GLA hỗ trợ việc kiểm tra và phát hiện sớm các điểm cháy rừng qua hệ thống giám sát vệ tinh hoạt động 24/24 giờ.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn sử dụng Flycam cho cán bộ nhằm ứng dụng vào thực tiễn từng đơn vị.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Tào Huy Nam, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa, cho biết: "Việc ứng dụng Flycam trong tuần tra bảo vệ rừng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp cán bộ kiểm lâm dễ dàng quan sát diện rộng, phát hiện vi phạm nhanh chóng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng".
Theo ông Nam, trước đây, việc tuần tra rừng chủ yếu dựa vào sức người, tốn nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, nhờ flycam, kiểm lâm có thể giám sát diện tích rộng lớn nhanh chóng, phát hiện các điểm cháy, khai thác gỗ trái phép và săn bắt động vật hoang dã.
Flycam cũng giúp tiếp cận các khu vực rừng địa hình phức tạp, đặc biệt trong mùa mưa, giảm thiểu xâm nhập trực tiếp và nguy cơ tai nạn.

Các cán bộ Kiểm lâm thao tác lắp ráp Flycam để thực hiện việc tuần tra. Nhờ Flycam, Kiểm lâm có thể quan sát diện tích lớn trong thời gian ngắn, dễ dàng phát hiện điểm cháy rừng, khai thác gỗ trái phép.
Flycam quay video và chụp ảnh chất lượng cao, cung cấp dữ liệu trực quan về tình trạng rừng, giúp kiểm lâm phân tích và đánh giá diễn biến rừng chính xác hơn.
Khi có cháy rừng, Flycam phát hiện sớm điểm cháy, xác định hướng lan và hỗ trợ điều phối lực lượng dập lửa kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Sử dụng drone giúp giảm nhân lực và thời gian tuần tra trực tiếp, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn nâng cao hiệu quả giám sát rừng.
Trợ thủ đắc lực
Đánh giá về sử dụng kỹ thuật số trong bảo vệ rừng, ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, cho biết: "Việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và bảo vệ rừng đã mang lại hiệu quả đáng kể cho đơn vị.
Nhờ sử dụng Flycam và ảnh vệ tinh, chúng tôi có thể giám sát diễn biến rừng một cách nhanh chóng và kịp thời. Hệ thống cảnh báo sớm giúp phân tích nguy cơ cháy rừng, khai thác gỗ trái phép, đồng thời cung cấp thông tin cảnh báo để có biện pháp ứng phó kịp thời".
Ông Thắng cũng chia sẻ thêm: "Ngoài ra, hệ thống bản đồ số và cơ sở dữ liệu rừng giúp lưu trữ thông tin chi tiết về diện tích, trữ lượng và tình trạng rừng, từ đó hỗ trợ công tác quản lý và đưa ra quyết định chính xác hơn. Công nghệ GPS và ứng dụng di động cũng giúp kiểm lâm viên dễ dàng định vị, phối hợp với đồng nghiệp và các cơ quan chức năng khi cần thiết để xử lý tình huống khẩn cấp.
Thêm vào đó, mạng xã hội và các nền tảng số cũng hỗ trợ đơn vị trong việc tuyên truyền, giáo dục người dân về bảo vệ rừng, đồng thời tiếp nhận phản ánh nhanh chóng từ cộng đồng về các hành vi vi phạm. Nhờ những tiến bộ này, công tác bảo vệ rừng đã trở nên hiệu quả hơn".

Theo ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, nhờ flycam và ảnh vệ tinh, có thể theo dõi diễn biến rừng một cách nhanh chóng, kịp thời phát hiện các điểm phá rừng hoặc cháy rừng mà không cần đến tận nơi.
Ông Trương Thanh Hà, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết: "Nhờ ứng dụng công nghệ số, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần qua các năm".
Theo ông Hà, năm 2023, lực lượng chức năng phát hiện 231 vụ vi phạm, giảm 98 vụ so với năm 2022. Năm 2024, số vụ vi phạm còn 221, giảm 10 vụ so với năm trước.
Đây là cơ sở để Chi cục Kiểm lâm tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số và tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cho cán bộ ngành Kiểm lâm.